Nhiều mô hình kinh tế tập thể được nhân rộng

Thanh niên là lực lượng lao động quan trọng, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng đất nước. Từ thực tiễn đó, Tư Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đã triển khai phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp thu hút nhiều thanh niên trong cả nước tham gia tích cực. Chỉ tính từ năm 2006 đến nay, Trung ương Đoàn đã tặng Giải thưởng Lương Định Của cho 1.500 thanh niên sản xuất, kinh doanh giỏi trên cả nước.

Riêng tuổi trẻ TP. Cần Thơ đã có 26 thanh niên vinh dự nhận được Giải thưởng này và khoảng 80 mô hình kinh tế hiệu quả, với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Những điển hình thanh niên sản xuất kinh doanh giỏi là động lực góp phần cổ vũ phong trào lập nghiệp ở các địa phương, đồng thời đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới. Trong đó, việc phát triển các mô hình kinh tế tập thể như hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) thanh niên… là xu thế tất yếu.

HTX Quốc Noãn ở ấp Trường Bình, xã Trường Thắng, huyện Thới Lai (TP Cần Thơ), không chỉ giúp thanh niên vươn lên làm giàu, mà còn góp phần vực dậy làng nghề truyền thống ở địa phương. HTX gồm 22 xã viên và khoảng 50 lao động thời vụ, sản xuất nhiều mặt hàng như: đan cần xé, làm chậu kiểng, lọp tép, bội gà... Chỉ tính mặt hàng cần xé, hàng tháng HTX cung ứng ra thị trường từ 500 – 700 cái, với thu nhập khoảng 40 triệu đồng. Tùy theo mẫu mã, kích cỡ mà cần xé có giá thành từ 20.000- 55.000 đồng/cái... Nhờ sự liên kết chặt chẽ, sản phẩm có chất lượng cao, đầu ra ổn định, cung ứng cho thị trường trong và ngoài Tỉnh, HTX cũng đã giải quyết việc làm cho hàng chục lao động nhàn rỗi tại địa phương, với thu nhập trung bình 2,5 triệu đồng/tháng.

Hay tại Cà Mau, các cấp Hội liên hiệp thanh niên Tỉnh cũng đang tập trung nâng chất các HTX, THT, câu lạc bộ sản xuất, kinh doanh giỏi của thanh niên. Tính đến tháng 10/2014, trên địa bàn Tỉnh có 6 HTX, 14 THT và câu lạc bộ sản xuất, kinh doanh về lĩnh vực dịch vụ thủy sản, ngành nghề truyền thống, hoa kiểng…

Điển hình như Câu lạc bộ Hoa kiểng Tân Thành (xã Tân Thành, TP Cà Mau), thu hút 15 thanh niên tham gia trồng và kinh doanh hoa kiểng. Từ chỗ mỗi thành viên chỉ có vài chục cây kiểng lá (năm 2003), đến nay quy mô lên đến hàng ngàn cây kiểng có giá trị, bình quân mang về thu nhập cho mỗi thành viên trên 200 triệu đồng mỗi năm.

Tại Đồng Tháp, tính đến tháng 10/2014, toàn Tỉnh có 150 THT và 1 HTX, thu hút 1.186 đoàn viên, hội viên, thanh niên có việc làm ổn định, thường xuyên. Nhiều mô hình THT, HTX hoạt động hiệu quả, như: THT xây dựng 167, xã Bình Hàng Trung (huyện Cao Lãnh); THT máy gặt đập liên hợp xã Phú Điền (huyện Tháp Mười), THT chăn nuôi bò thịt xã Tân Phú Đông (TP. Sa Đéc)... Qua đó, toàn Tỉnh có 26 thanh niên nhận Giải thưởng Lương Định Của (từ 2006 – 2013), 12 thanh niên được UBND tỉnh tuyên dương "Thanh niên nông thôn tiêu biểu".

Song, khó khăn gặp phải cũng không ít

Trong quá trình phát triển mô hình kinh tế tập thể, các loại hình này đa số chỉ hoạt động trên một lĩnh vực nên mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu sản xuất nông nghiệp, dịch vụ tại địa phương; lợi nhuận đạt được chưa cao, thu nhập mang lại cho tổ viên còn ít.

Một số THT chưa xây dựng được đầy đủ các nguồn quỹ phục vụ hoạt động của tổ. Nguyên nhân là trình độ và nhận thức của thanh niên đối với kinh tế tập thể còn hạn chế; cán bộ quản lý các tổ THT thanh niên còn hạn chế về trình độ, nhận thức, kỹ năng quản lý điều hành; hoạt động liên kết giữa THT và doanh nghiệp ở khâu đầu vào và đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp chưa ổn định.

Thiếu vốn là một trong những trở ngại của người trẻ trong quá trình khởi nghiệp. Nhu cầu vay vốn đề đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất rất bức thiết đối với nhiều thanh niên, thế nhưng thực tế thời gian qua nhiều thanh niên chưa tiếp cận với nguồn vốn.

Nguyên nhân là do đa số thanh niên sống chung với gia đình nên nếu cha hoặc mẹ vay nguồn vốn các đoàn thể Hội Nông dân, Liên hiệp Phụ nữ giới thiệu thì thanh niên sẽ không được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội.

Hơn nữa, việc quy định điều kiện được vay phải là hộ nghèo, cận nghèo phần nào thu hẹp đối tượng vay vốn.

Theo anh Trần Hoàng Vang, Phó Bí thư Huyện đoàn Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang), toàn Huyện có 94 THT thanh niên, câu lạc bộ sản xuất, kinh doanh, nhưng hầu hết đều chưa tiếp cận được nguồn vốn vay nên phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất. Anh Nguyễn Văn Khoa, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Chăn nuôi ấp Hòa Phụng C, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, thành lập từ năm 2013, thu hút 15 thanh niên tham gia.

Các thành viên nuôi nhiều loại con, như: trăn, rắn, ếch... với thu nhập mỗi năm 100 triệu đồng/thành viên. Sản phẩm của câu lạc bộ không chỉ được tiêu thụ ở các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long, mà còn xuất bán sang Campuchia, Trung Quốc. Anh Khoa cho biết: "Một số siêu thị liên hệ đặt hàng với số lượng lớn, nhưng chúng tôi không thể đáp ứng vì để mở rộng sản xuất cần nguồn vốn khá lớn vượt quá khả năng của thanh niên".

Cần hỗ trợ vay vốn thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể

Trước những khó khăn đó, các ngành liên quan cần nghiên cứu, tạo điều kiện thuận lợi, đặc biệt là việc vay vốn để hỗ trợ cho các THT, HTX hoạt động và phát triển vững mạnh. Điển hình như, cần học tập những cách hỗ trợ hay, như: tổ hùn vốn bằng vàng, tổ chức đoàn đứng ra nhận ủy thác vay vốn từ ngân hàng...

Ví dụ như, từ năm 2011, một số cơ sở Đoàn ở Đồng Tháp đã thành lập tổ hùn vốn bằng vàng, đầu tiên là ở ấp 4, xã Mỹ Hòa (huyện Tháp Mười) với 11 thành viên. Mỗi mùa lúa, các thành viên đóng góp một chỉ vàng, mỗi năm có 1 thanh niên được nhận 1,1 lượng vàng. Nhờ hình thức góp vốn tương trợ này, các thành viên có số tiền lớn đầu tư mua đất, cải tạo ruộng, cất nhà... Trước hiệu quả của mô hình này, Chi đoàn ấp 4 đã quyết thành lập thêm 1 tổ hùn vốn bằng vàng với 24 thành viên, mỗi mùa lúa có 2 thành viên được nhận vàng.

Hay tại Đồng Tháp, đối với nguồn vốn hoạt động của các THT, tổ chức Đoàn đã đứng ra nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách Xã hội với số vốn trên 405,5 tỷ đồng để hỗ trợ vốn vay cho thanh niên./.