Trang trại nuôi thỏ giống của vợ chồng anh chị Vương Đình Hiếu và Mai Thị Lê, thôn Đông Tác, xã Bình Nam, Thăng Bình, Quảng Nam. Năm 2011, tận dụng khu đất rộng trên 3000m2 với giá thuê rẻ và nguồn vốn hỗ trợ phía người thân, vợ chồng Vương Đình Hiếu - Mai Thị Lê mạnh dạn đầu tư hơn 250 triệu đồng xây dựng cơ sở chuồng trại, con giống phát triển mô hình chăn nuôi thỏ chuyên cung cấp giống.

Nhờ điều kiện chuồng trại rộng rãi, thông thoáng, nguồn thức ăn dồi dào, hiện tại, trang trại thỏ giống của hai vợ chồng này đã có trên 200 con giống phát triển khá ổn định. Mỗi tháng cho xuất bán ra thị trường trên 500 con giống. Điều đáng nói là tất cả những khách hàng chọn mua giống tại trang trại không chỉ được vợ chồng Hiếu- Lê tận tình hình hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, đồng thời cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm.

Trang trại nuôi thỏ giống của vợ chồng anh chị Vương Đình Hiếu và Mai Thị Lê

Đến tháng 2/2014 vừa qua, hai vợ chồng trẻ Hiếu - Lê chính thức thành lập Công Ty TNHH một thành viên Thực Phẩm Chiến Huy chuyên cung cấp thỏ giống, thu mua, chế biến và cung cấp thịt thỏ. Với định hướng phát triển trang trại theo quy mô công nghiệp, khép kín, họ đầu tư xây dựng thêm khu giết mổ tập trung tại Đà Nẵng.

Từ hướng đi đó, cơ sở kinh doanh của gia đình anh Hiếu không chỉ cung cấp thỏ giống cho các trại nuôi khác, mà còn thu mua, cung cấp thịt thỏ cho hệ thống các siêu thị, nhà hàng tại khu vực miền trung. Với những hiệu quả đạt được, sau khi trừ đi các khoản chi phí mô hình này mang lại nguồn thu nhập ổn định cho vợ chồng trên 20 triệu đồng/tháng. Một khoản thu nhập đáng mơ ước đối với nhiều thanh niên hiện nay.

Anh Nguyễn Đức Chuyển, 26 tuổi, ở thôn 7, xã Cao Minh cũng là gương thanh niên điển hình trong mô hình xây dựng trang trại. Anh đã mạnh dạn đi đầu trong phát triển trang trại sản xuất cá giống trên địa bàn huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng. Vốn đầu tư sản xuất cá giống cần vốn lớn, song nhiều lần anh tới ngân hàng vay vốn nhưng không được chấp thuận.

Sự khởi đầu khó khăn không hề làm nản lòng chàng thanh niên Vĩnh Bảo. Cuối cùng, annh Chuyển quyết tâm thực hiện mô hình bằng cách vay vốn người thân, bạn bè, thuê 1,2 ha đất của xã Cao Minh để xây dựng trang trại tổng hợp.

Trên diện tích đất thuê, anh Chuyển đào 5 ao lớn nuôi thả cá, mỗi ao diện tích 1.440 m2, trong đó có 4 ao nuôi thả cá mẹ và 1 ao thả cá mồi. Diện tích còn lại anh xây dựng chuồng trại nuôi lợn và nuôi vịt đẻ. Sau hơn thời gian ngắn hoạt động, mô hình trang trại của anh Chuyển đem lại lợi nhuận cao, mỗi năm, trừ các khoản chi phí, anh thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.

Hiện trên cả nước, có hàng ngàn thanh niên có nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế, nhất là kinh tế trang trại, song nguồn vốn không đáp ứng được yêu cầu. Khó khăn là do nguồn vốn vay có hạn, việc xác định tiêu chí chủ hộ là đoàn viên, thanh niên chưa rõ ràng. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều ước mơ phát triển kinh tế của thanh niên nông thôn chưa thành hiện thực.

Trước khó khăn về vốn, hầu hết thanh niên thực hiện phương án khả năng có tới đâu làm tới đó, song hiệu quả thu được chưa được như mong muốn. Để gỡ khó cho thanh niên khi khởi nghiệp, các cấp hội đoàn, cùng các ban, ngành chức năng cần có những biện pháp cụ thể. Cần đơn giản hóa thủ tục vay vốn cần và có hướng dẫn cụ thể về quy trình vay vốn; nếu không đáp ứng hoàn toàn nhu cầu về vốn của thanh niên, cũng nên đáp ứng từ 50-70% nhu cầu vốn để thanh niên không thấy “nản” khi làm thủ tục vay vốn tại các ngân hàng.

Bên cạnh đó, cần chủ động kết nối giữa hội viên và các chuyên gia, các nhà khoa học, doanh nhân trẻ để vừa tư vấn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, vừa tìm đầu ra cho sản phẩm của các mô hình, trang trại thanh niên./.