Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước của các cơ quan hành chính nhà nước và biên chế của các Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước năm 2015.

Theo đó, tổng biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước năm 2015 của các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước và cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài (không bao gồm biên chế công chức của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, biên chế công chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập và biên chế công chức cấp xã) là 277.055 biên chế.

Cụ thể, biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước năm 2015 là 276.055, trong đó, các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập là 112.266 biên chế.

Cơ quan của HĐND, UBND cấp tỉnh, cấp huyện 162.704 biên chế; các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài 1.085 biên chế. Bên cạnh đó, có 1000 biên chế công chức dự phòng.

Năm 2014, tổng biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước của các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước và cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài là 281.714 biên chế. Như vậy, tổng biên chế năm 2015 giảm 4.659 so với năm 2014.

Cũng theo Quyết định, tổng biên chế của các Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước năm 2015 không thay đổi so với năm 2014, gồm 686 biên chế.

Tổng biên chế năm 2015 giảm so với 2014 là điều được được dự đoán trước. Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, sẽ không tăng biên chế trong năm 2015.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường chỉ đạo chấn chỉnh kỷ luật kỷ cương, tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát trong thực thi công vụ, thực thi pháp luật và công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí và xử lý nghiêm các vi phạm.

Các bộ, ngành, địa phương phải quán triệt, thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Trung ương và Quốc hội, trong năm 2015, không tăng thêm biên chế cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Nội vụ có trách nhiệm giao biên chế công chức đối với từng bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong tổng số biên chế công chức năm 2015. Đồng thời, giao biên chế đối với từng hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước trong tổng biên chế năm 2015 như quy định trên.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương thực hiện điều chuyển, sắp xếp trong số biên chế công chức được giao khi thành lập tổ chức hoặc được giao nhiệm vụ mới; giữ nguyên số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc bộ, ngành, địa phương mình.

Trước đó, báo cáo của Chính phủ do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày trước Quốc hội sáng 17/11/2014 cho biết, Chính phủ đã phê duyệt tổng biên chế trong các cơ quan hành chính Nhà nước, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài năm 2014 trên nguyên tắc giữ ổn định biên chế công chức đến năm 2016. Xây dựng, trình Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đề án tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Đặc biệt, trong tinh giản biên chế, bảo đảm tuyển dụng mới không quá 50% số công chức ra khỏi biên chế; 50% số biên chế còn lại bổ sung cho lĩnh vực cần tăng.

Trong Nghị định số 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế được ban hành mới đây, Chính phủ đã nêu rõ những trường hợp thiếu năng lực, hay dôi dư do cơ cấu lại theo vị trí việc làm... sẽ bị tinh giản biên chế .

Theo đó, những trường hợp là cán bộ, công chức, viên chức trong biên chế và cán bộ, công chức cấp xã hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp theo quy định của pháp luật (cán bộ, công chức, viên chức) như sau sẽ thuộc đối tượng tinh giản biên chế:

1- Dôi dư do rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Nhà nước hoặc do đơn vị sự nghiệp công lập sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự để thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy và nhân sự;

2- Dôi dư do cơ cấu lại cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, nhưng không thể bố trí, sắp xếp được việc làm khác;

3- Chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ quy định đối với vị trí việc làm đang đảm nhiệm, nhưng không có vị trí việc làm khác phù hợp để bố trí và không thể bố trí đào tạo lại để chuẩn hóa về chuyên môn;

4- Có chuyên ngành đào tạo không phù hợp với vị trí việc làm hiện đang đảm nhiệm nên bị hạn chế về năng lực hoàn thành công việc được giao, nhưng không thể bố trí việc làm khác.

5- Có 2 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, cán bộ, công chức được phân loại, đánh giá xếp vào mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực hoặc có 1 năm hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và 1 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp.

6- Có 2 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, viên chức có 1 năm được phân loại đánh giá xếp vào mức hoàn thành nhiệm vụ và 1 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp;

7- Có 2 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, mỗi năm có tổng số ngày nghỉ làm việc là số ngày nghỉ tối đa do ốm đau theo quy định tại Khoản 1 Điều 23 Luật Bảo hiểm xã hội, có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh và cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả trợ cấp ốm đau theo quy định hiện hành.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng quy định 5 trường hợp tinh giản biên chế khác bao gồm:

Thứ nhất, người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ hoàn toàn về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy, nhân sự (đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ) dôi dư do sắp xếp lại tổ chức theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền hoặc do đơn vị sự nghiệp công lập sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự để thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy và nhân sự;

Thứ hai, viên chức, người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn tại các đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ hoàn toàn về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy, nhân sự dôi dư do sắp xếp lại tổ chức theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền hoặc do đơn vị sự nghiệp công lập sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự để thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy và nhân sự;

Thứ ba, chủ tịch công ty, thành viên hội đồng thành viên, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng, kiểm soát viên của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu dôi dư do thực hiện cổ phần hóa, giao, bán, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, phá sản hoặc chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc chuyển thành đơn vị sự nghiệp công lập theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng của các nông, lâm trường quốc doanh dôi dư do sắp xếp lại theo quy định của Nghị định số 170/2004/NĐ-CP, ngày 22/9/2004, Nghị định số 200/2004/NĐ-CP, ngày 3/12/2004;

Thứ tư, những người là cán bộ, công chức được cơ quan có thẩm quyền cử làm người đại diện theo ủy quyền đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước, khi thôi làm đại diện phần vốn nhà nước, nhưng không bố trí được vị trí công tác mới;

Thứ năm, những người làm việc trong biên chế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cho các hội thuộc danh sách dôi dư do sắp xếp lại tổ chức theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền./.