Cải cách thể chế không mới ở Việt Nam

Với chủ để “Cải cách thể chế kinh tế, tăng cường khả năng tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam”, Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam (VDPF) 2014 tập trung vào hai vấn đề chính: cải cách thể chế và phát triển khu vực tư nhân trong nước.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh chủ đề của Diễn đàn năm nay là phù hợp với trọng tâm chính sách phát triển của Chính phủ Việt Nam. Thủ tướng khẳng định quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Thủ tướng cũng vui mừng thông báo với các đối tác về kết quả khả quan của kinh tế Việt Nam trong năm 2014. Theo đó, tăng trưởng GDP có thể đạt 5,9%, cao hơn mục tiêu đề ra, lạm phát ở mức 3%, tăng trưởng xuất khẩu 13%. Đặc biệt, Thủ tướng cho biết năm 2014 cũng là lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vượt ngưỡng 150 tỷ USD.

Trong kế hoạch của năm 2015, Thủ tướng cho biết Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng 6,2%, điều hành chủ động để lạm phát ở mức 5%, giảm bội chi ngân sách xuống 5%, nợ xấu cũng sẽ được giảm xuống 3% vào cuối năm 2015. Để đạt được điều đó, Thủ tướng đã khái quát những giải pháp điều hành của Chính phủ trong năm 2015, trong đó tập trung huy động và sử dụng hiệu quả cao nhất các nguồn lực; cải cách mạnh thủ tục hành chính, cải thiện tốt hơn môi trường kinh doanh để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp phát triển, nhất là khuyến khích phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân; tiếp tục tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; chủ động đẩy mạnh hội nhập quốc tế; đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; thực hiện tốt hơn tiến bộ xã hội, công bằng xã hội; tập trung các giải pháp đồng bộ để phòng chống tham nhũng có hiệu quả.

Trong phát biểu của mình tại Diễn đàn, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cũng đánh giá cao những tiến triển tích cực của kinh tế Việt Nam trong năm 2014: "Chúng tôi đã bắt đầu nhận thấy những dấu hiệu ban đầu của quá trình hồi phục tăng trưởng trong nhiều ngành kinh tế của Việt Nam". Để nền kinh tế có sự phát triển vững chắc, bà Kwakwa nhấn mạnh, Việt Nam cần tập trung vào cải cách thể chế để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Theo bà Kwakwa, cải cách thể chế không phải là vấn đề mới tại Việt Nam. Quá trình "Đổi mới" trước đây bao gồm các chính sách về đảm bảo quyền sử dụng đất, bãi bỏ hợp tác hóa nông nghiệp, chính thức công nhận về mặt pháp lý kinh tế tư nhân, khuyến khích đầu tư nước ngoài, tự do hóa thương mại... đã dẫn đến việc Việt Nam tham gia WTO năm 2007. Tất cả những diễn biến đó đã tạo ra môi trường đầu tư của Việt Nam tương đối hấp dẫn hơn so với các nước cùng trình độ và tạo ra làn sóng cải cách thể chế đầu tiên. Kết quả là Việt Nam trở thành quốc gia có tốc độ tăng GDP đầu người nhanh thứ hai trên thế giới trong suốt 20 năm qua.

Bà Kwakwa cho rằng, trong tiến trình xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2016-2020) và chuẩn bị cho văn kiện đại hội Đảng lần thứ XII diễn ra đầu năm 2016 sẽ là cơ hội tốt để lên kế hoạch cho một đợt cải cách thể chế mới, nhằm nâng cao năng suất, đẩy mạnh tăng trưởng. Bà Kwakwa nhấn mạnh, nếu các nhà lãnh đạo và hoạch định chính sách tận dụng được cơ hội này, thì đó sẽ là nhân tố quan trọng giúp Việt Nam thành công, đặt nền móng thực hiện hoài bão trở thành một nền kinh tế thu nhập cao.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, VDPF lần đầu năm 2013 đã xây dựng 22 hành động chính sách, bao gồm 81 hoạt động thành phần. Tổng kết đến nay đã hoàn thành 18 hoạt động, 57 hoạt động đang được tiếp tục triển khai, 6 hoạt động đang được nghiên cứu để triển khai. Đây là những vấn đề rất lớn đã được thống nhất, căn cứ vào đó thì các nhà tài trợ, các đối tác phát triển đã đưa vào chương trình ODA cho Việt Nam với những nội dung mà Chính phủ và các đối tác phát triển đã thống nhất.

Cổ phần hóa cần chất lượng hơn số lượng

VDPF 2014 giành một nửa thời gian để bàn thảo các vấn đề nhằm phát triển kinh tế tư nhân. Ngân hàng Thế giới nhận định, kinh tế tư nhân đã phải vật lộn với bao khó khăn trong vài năm qua.

Báo cáo của VCCI tại Diễn đàn cho thấy, khu vực kinh tế tư nhân đã có những đóng góp rất quan trọng, năm 2000 đóng góp 22,9% và đến năm 2013 là 37,6% tổng vốn đầu tư. Tuy nhiên khu vực này còn có mốt số hạn chế, như: liên kết chuỗi giá trị kém, thiếu vắng các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cho ngành xuất khẩu đã làm giảm tác động lan tỏa của FDI đối với nền kinh tế trong nước...

Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới cũng có cùng nhìn nhận như vậy, các doanh nghiệp trong nước đã không tận dụng được tác động lan tỏa từ các doanh nghiệp nước ngoài. Theo bà Kwakwa, hội nhập kinh tế sâu rộng hơn của Việt Nam trong thời gian tới sẽ mang lại cơ hội phát triển kinh tế tư nhân, nhưng sẽ không thể thực hiện được điều đó nếu không có khu vực công vững mạnh, bao gồm nhiều thể chế chung tay giải quyết các vấn đề mà doanh nghiệp gặp phải.

Đối với vấn đề cải cách doanh nghiệp nhà nước, bà Kwakwa cho rằng cần xem lại vai trò của khu vực này. Theo bà Kwakwa, có nhiều bằng chứng cho thấy không hiệu quả trong việc dựa vào doanh nghiệp nhà nước để quản lý kinh tế vĩ mô và dành cho doanh nghiệp nhà nước vai trò dẫn đường trong quá trình công nghiệp hóa.

Bà Kwakwa khuyến nghị, cải cách doanh nghiệp nhà nước cần theo hướng giảm tập trung vào con số doanh nghiệp cổ phần hóa, thay vào đó cần chú ý đến chất lượng cổ phần hóa. Trước hết cần tăng tỷ lệ sở hữu tư nhân trong doanh nghiệp nhà nước để tăng mức độ hấp dẫn các nhà đầu tư, tăng cường cải tiến quản trị doanh nghiệp. Đồng thời, cần nâng cao tính minh bạch, chấm dứt ưu đãi vốn và đất đai, nên áp ngân sách cứng lên các doanh nghiệp nhà nước. Đó chính là nhân tố quan trọng mở ra cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân phát triển.

Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng đồng tình với quan điểm phải nâng chất lượng của cổ phẩn hóa doanh nghiệp nhà nước. Bộ trưởng Vinh cho biết, tại phiên họp Chính phủ tháng 11 thì Thủ tướng cũng có những chỉ đạo các bộ, ngành cần quan tâm đến chất lượng cổ phần hóa. Cần đạt cao hơn trên 50%, thậm chí đạt 100% tỷ lệ sở hữu tư nhân khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Phát biểu bế mạc Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, những thành quả Việt Nam đạt được vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng và mong rằng các nhà tài trợ, các đối tác sẽ tiếp tục giúp đỡ Việt Nam nhiều hơn cả về nguồn lực lẫn những khuyến nghị chính sách. Việt Nam cam kết sẽ sử dụng hiệu quả nguồn lực được tài trợ, đồng thời tiếp tục nỗ lực hoàn thiện thể chế chính sách, luật pháp để hoàn thiện nhà nước pháp quyền, đảm bảo quyền tự do, dân chủ của người dân và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo Hiến pháp năm 2013, là động lực và giải pháp chủ yếu để nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.