Hòa Thành là xã vùng ven khó khăn của thành phố Cà Mau với hệ thống sông ngòi chằng chịt. Đời sống nghèo khó khiến nhiều thanh niên nơi đây đã phải sớm rời quê tìm cách mưu sinh.

Bí thư Đoàn, Chủ tịch Hợp tác xã Thanh niên Hồ Vũ Phong với giải thưởng Lương Định Của 2014
Bí thư Đoàn, Chủ tịch Hợp tác xã Thanh niên Hồ Vũ Phong với giải thưởng Lương Định Của 2014

Điều này khiến Bí thư Đoàn xã, anh Hồ Vũ Phong trăn trở, bởi anh hiểu, nếu không có nghề và thu nhập, chỉ một thời gian ngắn, xã anh cũng sẽ lại vắng bóng thanh niên. Năm 2010, sau khi được phổ biến về mô hình kinh tế tập thể, anh Phong nhận thấy rằng, nếu tập hợp đoàn viên cùng làm ăn sẽ vừa “giữ chân” được anh em gắn bó với quê nhà, vừa tập trung được nguồn vốn, diện tích đất sản xuất rồi ngày công lao động.

Sau khi có ý tưởng, anh Phong triển khai thực hiện ngay. Tháng 10/2010, anh Hồ Vũ Phong vận động 17 đoàn viên thanh niên thành lập hợp tác xã do chính anh làm chủ. Và, đến tháng 1/2011, Hợp tác xã Thanh niên dịch vụ nuôi trồng thuỷ sản chính thức được ra đời.

Số vốn góp ban đầu 34 triệu đồng quá ít ỏi không đủ để phục vụ phát triển sản xuất, qua 3 tháng hoạt động, Hợp tác xã Thanh niên đã vận động anh em góp thêm vốn và đất canh tác.

Với uy tín của Bí thư đoàn cùng sự tin tưởng của các đoàn viên trong xã, nguồn vốn lần này Hợp tác xã huy động được là 970 triệu đồng, các thành viên quyết định đầu tư thả nuôi cá bóng tượng, nuôi tôm, cua kết hợp trên bờ vuông trồng màu.

“20 nghìn con cá giống, 2 triệu con tôm giống từ nguồn vốn huy động đã được thả nuôi cuối năm thu về 8,7 tấn cá, 3,5 tấn tôm thương phẩm sau khi trừ chi phí mang lại lợi nhuận gần 1,3 tỷ đồng”, Hồ Vũ Phong chia sẻ về thành quả năm đầu tiên của Hợp tác xã Thanh niên.

Để giải quyết nguồn cá giống, trong năm 2012, hợp tác xã đã tự cung cấp giống cá cho các thành viên và bán cho bà con quanh vùng. Vậy là sang năm thứ 2, Hợp tác xã đã thu về trên 1,5 tỷ đồng lợi nhuận.

Khởi đầu thuận lợi nhưng khi thấy nguồn thu từ cá bóng tượng chững lại, năm 2013, Hồ Vũ Phong đã bàn với các thành viên liên kết cùng Hợp tác xã Ngọc Bích (Sóc Trăng), Ba Nhất (Bình Dương) để được tập huấn về kỹ thuật đan giỏ bằng dây chuối khô, lục bình khô và bằng chất liệu nhựa hướng đến xuất khẩu.

Được các hợp tác xã tỉnh bạn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm, các thành viên trong Hợp tác xã Thanh niên sau khi được tập huấn về đã truyền lại kinh nghiệm cho bà con quanh vùng.

Ban đầu, chỉ 35 hộ theo học sau đó thấy việc đan giỏ giải quyết được nguồn lao động nhàn rỗi tại địa phương, nên Chủ nhiệm Hợp tác xã Thanh niên Hồ Vũ Phong đã đề nghị Trung tâm khuyến công của tỉnh tổ chức 2 lớp dạy nghề.

Nhận thấy hiệu quả về mặt kinh tế, 70 hộ dân đã đăng ký tham gia. Sau 1 tháng học nghề, nhiều hộ đã đan được số lượng giỏ thành phẩm đáng kể. Đầu ra đã có Hợp tác xã Ba Nhất lo thu mua lại tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có nên mỗi người có thêm thu nhập từ 50 - 70 nghìn/ngày.

“Vậy là dù nguồn thu từ nuôi cá bóng tượng, nuôi tôm quản canh giảm nhưng hội viên lại có thu nhập từ gia công đan giỏ. Sau khi trừ chi phí, năm 2013, Hợp tác xã vẫn có lợi nhuận trên 1,5 tỷ đồng”, Hồ Vũ Phong vui mừng chia sẻ về quyết định chuyển hướng đúng đắn để giữ vững kết quả kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm cho 34 lao động thường xuyên và 100 lao động thời vụ.

Từ đầu năm 2014 đến nay, quan sát thấy nguồn đất trống bỏ không có thể tận dụng được, anh Hồ Vũ Phong lại quyết định để Hợp tác xã thuê lại trồng thêm khoai từ và dây thiên lý lấy bông.

Khoai từ hiện đang phát triển khá tốt còn bông thiên lý đã có các nhà hàng trong thành phố đăng ký thu mua nên riêng lợi nhuận thì bán bông thiên lý Hợp tác xã thu về trên 1 triệu đồng/tuần.

Nghĩ cách để kinh doanh, nâng cao đời sống cho đoàn viên thanh niên cũng như nhân dân Hòa Thành, nhưng điều anh Hồ Vũ Phong mừng nhất đó là Hợp tác xã đã giữ chân được thanh niên.

“Từ khi Hợp tác xã Thanh niên đi vào hoạt động, số lượng thanh niên Hòa Thành bỏ quê đi làm ăn xa giảm đáng kể. Anh em tự nguyện góp công, góp sức để Hợp tác xã ngày một phát triển”, anh Phong chia sẻ.

Với những thành tích đã đạt được, vào cuối tháng 9/2014, anh Hồ Vũ Phong vinh dự nhận giải thưởng Lương Ðịnh Của – phần thưởng cao quý của Trung ương Đoàn dành cho “nhà nông trẻ” tiêu biểu có thành tích đặc biệt xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, phát triển ngành nghề, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới.

Đặc biệt, anh Hồ Vũ Phong cùng với 3 thanh niên nông thôn khác vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ./.