Trong những năm qua, các cấp bộ Đoàn tỉnh Tây Ninh đã quan tâm định hướng, giải quyết việc làm cho nhiều đối tượng thanh niên, đặt biệt thanh niên nông thôn. Bên cạnh đó, các ban, ngành đoàn thể trong toàn tỉnh cũng đã quan tâm xây dựng lực lượng lao động có trình độ tay nghề, đồng thời hỗ trợ, chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất tại các địa phương, nhất là ở những địa bàn khó khăn. Từ đó xuất hiện nhiều mô hình sản xuất kinh doanh, kinh tế tập thể.

Tính đến đầu tháng 7/2014, toàn tỉnh có hơn 2.00 tổ hợp tác với trên 5.300 thành viên thanh niên đang hoạt động như: Tổ liên kết sản xuất nông nghiệp, tổ tiết kiệm vay vốn, Câu lạc bộ thanh niên thực hành kinh doanh phát triển kinh tế, Tổ dự án chăn nuôi bò sinh sản – thoát nghèo bền vững, Câu lạc bộ thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế…

Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho đoàn viên, thanh niên phát triển kinh tế, tỉnh Tây Ninh cũng đã khuyến khích, hỗ trợ các địa phương trong tỉnh thành lập các tổ hợp tác thanh niên. Tiêu biểu như Tổ hợp tác thanh niên ấp B2, xã Đoàn Phước Minh thành lập ngày 4/10/2014. Bước đầu, Tổ hợp tác thanh niên có 4 thành niên tình nguyện tham gia. Với tổng diện tích là 2.500 m2, các thành viên Tổ hợp tác thanh niên đã triển khai thực hiện 2 mô hình là trồng chanh không hạt và nuôi gà Đông Tảo.

Tổng vốn đầu tư ban đầu của Tổ hợp tác thanh niên là 268,3 triệu đồng. Trong đó, các thành viên trong tổ tự đóng góp vốn là 68,3 triệu đồng, còn lại 200 triệu đồng được vay từ ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Đây cũng là Tổ hợp tác thanh niên đầu tiên của tuổi trẻ tỉnh Tây Ninh.

Cùng với trào lưu này, mới đây, UBND xã Trường Đông, huyện Hoà Thành kết hợp với Đoàn thanh niên xã cũng đã thành lập Tổ hợp tác thanh niên vót đũa. Tổ hợp tác có 10 thành viên, do anh Nguyễn Thanh Hòa làm tổ trưởng có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động các thành viên tích cực sản xuất kinh doanh; thông tin tư vấn về đào tạo nghề và phổ biến kiến thức pháp luật, phát triển ngành nghề phù hợp với khả năng, trình độ và nhu cầu của thanh niên, góp phần phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.

Ông La Hữu Nghị - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Tây Ninh chụp ảnh chung cùng

Tổ hợp tác thanh niên ấp B2, xã Đoàn Phước Minh

Ngoài ra, Tổ hợp tác còn xây dựng hợp đồng, địa điểm và kế hoạch hoạt động hàng năm nhằm tạo điều kiện cho các thành viên đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ sản phẩm… Ngay buổi ra mắt, tổ đã được hỗ trợ vay 110 triệu đồng với lãi suất ưu đãi từ nguồn vốn quỹ Quốc gia giải quyết việc làm. Trung bình mỗi thành viên được vay 11 triệu đồng để mua nguyên liệu, máy móc, trang thiết bị và dụng cụ của nghề vót đũa.

Được biết, nghề vót đũa ở ấp Trường Đức, xã Trường Đông đang có chiều hướng phát triển. Việc thành lập tổ hợp tác sẽ giúp thanh niên phát triển kinh tế, tạo cơ hội việc làm cho nhiều bạn trẻ ở địa phương.

Có thể thấy, mô hình tổ hợp tác thanh niên ở tỉnh Tây Ninh còn khá mới mẻ, nên không tránh khỏi sự yếu kém trong tổ chức hoạt động, cũng như hạn chế về nguồn vốn, số lượng thanh niên tham gia còn chưa cao. Để xây dựng thêm nhiều tổ hợp tác thanh niên giúp thanh niên khởi nghiệp, trong thời gian tới, các cấp, hội Đoàn tỉnh Tây Ninh cần tập huấn kiến thức cũng như có nhiều hỗ trợ cho mô hình này hơn nữa./.