Thiếu vốn, tổ hợp tác từng… giải tán

Đầu năm 2011, hưởng ứng phong trào “Xung kích: lao động sáng tạo, phát triển kinh tế - xã hội”, huyện Tuy An đã thành lập được 6 tổ hợp tác vay vốn thanh niên.

Trong đó, 3 tổ đã lập dự án và hoàn tất hồ sơ vay vốn, gồm: Tổ hợp tác nuôi bồ câu ở thị trấn Chí Thạnh; Tổ hợp tác chế biến nước mắm và nuôi tôm hùm ở xã An Hòa; Tổ hợp tác nuôi bò sinh sản và heo rừng thương phẩm của xã An Cư.

Tuy nhiên, sau hơn một năm, chưa có tổ hợp tác nào tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi.

Anh Đinh Văn Ìn, Bí thư Xã đoàn An Hòa, Tổ trưởng tổ hợp tác chế biến nước mắm và nuôi tôm hùm ở xã An Hòa chia sẻ: “Ban đầu, tổ hợp tác có 8 thành viên, góp vốn được 80 triệu đồng. Trong đó, 2 thành viên vừa nuôi tôm vừa ép nước mắm, số còn lại đầu tư vào nuôi tôm, lợi nhuận hàng năm ổn định vào khoảng 70-100 triệu đồng/hộ. Chúng tôi muốn vay vốn để mua thêm lồng tôm ươn, hồ nuôi, phát triển kinh tế; đồng thời nhân rộng mô hình sản xuất, tập hợp thanh niên vào tổ hợp tác, tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi tại địa phương. Song tổ hợp tác chưa vay được vốn nên chỉ sản xuất cầm chừng, chưa dám mở rộng”.

Trong thời điểm đó, mặc dù tỉnh đoàn Phú Yên đã có quyết định giải ngân 50 triệu đồng từ nguồn vốn 120 (giải quyết việc làm) của Trung ương Đoàn cho Tổ hợp tác nuôi bồ câu ở thị trấn Chí Thạnh. Thế nhưng, số vốn này cũng chỉ đáp ứng được một nửa so với nhu cầu của dự án vay. Các dự án còn lại vẫn đang trong quá trình chờ thẩm định.

Theo anh Hòa, thời gian thẩm định dự án kéo dài làm mất đi cơ hội sản xuất, kinh doanh của đoàn viên, thanh niên. Hiện, các tổ hợp tác chỉ hoạt động cầm chừng và có nguy cơ tan rã.

Trong đó, Tổ hợp tác chăn nuôi bò ở xã An Dân đã có đất và trồng cỏ trên diện tích đất sẵn có, nhưng… chưa có tiền mua bò. Tổ hợp tác chăn nuôi bò ở xã An Nghiệp chỉ nuôi lẻ tẻ tại nhà một số thành viên. Còn Tổ hợp tác kinh doanh dịch vụ Internet ở xã An Dân đã… giải tán vì không có tiền mua sắm máy móc, thiết bị.

Song, nay đã khác

Ông Phan Đại Thắng, Phó bí thư Tỉnh Đoàn thừa nhận: “Trước đây, một số dự án vay vốn còn làm theo phong trào mà chưa tính đến thực tế nên hiệu quả không cao. Một số cán bộ Đoàn vay vốn cho người nhà, hoặc mục tiêu cá nhân, khi làm ăn thất bại, mất vốn, thì không có ý thức trả nợ vay cho ngân hàng. Các dự án đã vay qua nhiều năm, địa phương cũng không biết chính xác hộ vay để thu hồi nợ… Để tránh lặp lại những sai lầm đó, hiện nay, Tỉnh Đoàn chủ trương chỉ thẩm định những dự án xuất phát từ nhu cầu thực tế ở cơ sở. Đoàn viên thanh niên muốn vay vốn phải lập dự án phù hợp với điều kiện kinh tế, chứng minh được hiệu quả sản xuất, kinh doanh”.

Còn theo Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Phú Yên Đào Tấn Nguyên, nếu đoàn thanh niên thành lập được nhiều tổ tiết kiệm vay vốn, quản lý vốn vay hiệu quả, dư nợ cao thì sẽ có thêm phí hoa hồng ủy thác để gây quỹ Đoàn. Nhờ đó, việc tổ chức hoạt động, tập hợp thanh niên cũng dễ dàng hơn.

“Chỉ cần thanh niên trình được những dự án vay có hiệu quả, ngân hàng sẵn sàng giải ngân, hỗ trợ vốn cho thanh niên mở rộng sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi”, ông Nguyên nói.

Như mô hình nuôi trùn quế thương phẩm của anh Huỳnh Đàng (Phó bí thư Chi đoàn thôn Mỹ Phú, xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa). Trước sự phát triển vùng nuôi tôm của người dân ở các địa phương ven biển của tỉnh, nhu cầu thức ăn cung cấp cho con tôm là rất lớn, trong đó trùn quế là nguồn thức ăn rất tốt để tôm lớn nhanh. Qua tìm hiểu thị trường đầu ra, tháng 10/2012, anh Huỳnh Đàng mạnh dạn đầu tư vốn nuôi trùn quế.

Tận dụng 600m2 đất của gia đình, anh Đàng đầu tư 125 triệu đồng từ tiền dành dụm và vốn vay của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mua trùn quế giống về nuôi. Anh Đàng cho biết, ban đầu vì ít vốn nên anh chỉ thả nuôi một chuồng. Sau một tháng, trùn bắt đầu đẻ, anh tiếp tục thả nuôi 3 chuồng còn lại và bắt đầu thu sản phẩm từ tháng tiếp theo.

Bên cạnh nắm vững kỹ thuật nuôi trùn quế, anh Đàng còn tìm được đầu ra cho sản phẩm của mình bằng cách liên hệ với các hộ nuôi tôm để bán sản phẩm cho họ. Vì thế lượng trùn quế thu hoạch hàng tháng của anh đều được tiêu thụ hết.

Hiện 4 chuồng nuôi trùn quế của gia đình anh, mỗi tháng cho thu hoạch khoảng 300kg trùn quế tươi, cung cấp cho các hộ nuôi tôm ở các xã Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Nam, thị trấn Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hòa).

Anh Đàng cho biết: “Với giá bán 65.000 đồng/kg trùn quế như hiện nay, mỗi tháng tôi thu về gần 20 triệu đồng. Ngoài ra, lượng phân vi sinh của trùn quế thải ra, hàng tháng tôi bán cho các hộ trồng tiêu, cao su ở các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk được gần 9 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí thức ăn và tiền thuê hai lao động đều là thanh niên địa phương thu hoạch trùn, phân vi sinh… mỗi tháng tôi lãi trên 12 triệu đồng”.

Anh Huỳnh Đàng tưới nước cho chuồng nuôi trùn quế

Từ hiệu quả kinh tế của mô hình nuôi trùn quế của anh Đàng, nhiều thanh niên địa phương rất muốn học tập làm theo. Tuy nhiên, do từng người không đủ vốn ban đầu nên mới đây anh Đàng cùng một số thanh niên đã có sáng kiến thành lập Tổ hợp tác Thanh niên Địa Long Hòa Thịnh góp vốn nuôi trùn quế. Huyện đoàn Tây Hòa đã ra quyết định thành lập tổ hợp tác này do anh Huỳnh Đàng làm tổ trưởng.

Anh Ngô Trung Việt, Phó bí thư Xã đoàn Hòa Thịnh, cho biết: “Xã đoàn sẵn sàng tạo mọi điều kiện để tổ hợp tác thanh niên hoạt động hiệu quả. Về vốn vay, chúng tôi đã hướng dẫn tổ hợp tác làm các thủ tục gửi lên Huyện đoàn Tây Hòa và huyện đoàn cũng đã chuyển hồ sơ lên Tỉnh đoàn Phú Yên để thẩm định./.