Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ quản lý ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, kiểm tra, giám sát đối với tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước theo quy định tại Nghị định số 50/2013/NĐ-CP, ngày 14/5/2013 của Chính phủ quy định quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu và Nghị định số 69/2014/NĐ-CP ngày 15/7/2014 của Chính phủ về tập đoàn kinh tế nhà nước và tổng công ty nhà nước.

Phó Thủ tướng giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội khẩn trương ban hành hướng dẫn giám sát, kiểm tra định kỳ việc thực hiện chế độ tuyển dụng, sử dụng lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với tập đoàn kinh tế nhà nước và tổng công ty nhà nước theo quy định tại Nghị định số 69/2014/NĐ-CP ngày 15/7/2014 của Chính phủ; đánh giá hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện các quy định hiện hành, đề xuất bổ sung các cơ chế chính sách, biện pháp đảm bảo quản lý chặt chẽ, tạo quyền chủ động hợp lý cho doanh nghiệp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý I/2015.

Trước đó, ngày 26/9/2014, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền đã có Công văn số 3556/LĐTBXH-LĐTL yêu cầu tăng cường quản lý lao động, tiền lương của các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước.

Công văn nhấn mạnh, trong những năm qua, Chính phủ đã ban hành các Nghị định quy định quản lý lao động, tiền lương trong doanh nghiệp nhà nước phù hợp với từng giai đoạn sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước nhằm tăng cường công tác quản lý đồng thời bảo đảm quyền chủ động của doanh nghiệp theo nguyên tắc thị trường, hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, vẫn có Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước chưa thực hiện đúng quy định của Nhà nước về quản lý lao động, tiền lương, tuyển dụng lao động không theo kế hoạch và phương án đã được phê duyệt, tuyển dụng vượt quá nhu cầu sử dụng hoặc không đáp ứng tiêu chuẩn công việc, không công khai, minh bạch trong việc tuyển dụng lao động….

Để chấn chỉnh tình trạng này, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Bộ trưởng Bộ quản lý ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, đôn đốc Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước thuộc phạm vi quản lý rà soát lại định mức lao động; đánh giá các quy chế, việc tuyển dụng, sử dụng lao động, quy chế trả lương, quy chế thưởng…

Bên cạnh đó, quy định rõ thẩm quyền, chế độ trách nhiệm của Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước trong việc tuyển dụng, sử dụng lao động. Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty chỉ được tuyển dụng lao động theo đúng số lượng, chất lượng theo kế hoạch được phê duyệt, trường hợp do yêu cầu công việc phải tuyển dụng thêm ngoài kế hoạch thì phải có ý kiến chấp thuận của chủ sở hữu.

Báo cáo thu nhập bình quân của viên chức quản lý tập đoàn, tổng công ty năm 2013 vừa được Bộ Công Thương công bố cho thấy mức thu nhập cao nhất thuộc về lãnh đạo Tổng công ty Dầu thực vật Việt Nam là ông Đỗ Ngọc Khải, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc, với 74,72 triệu đồng/tháng. Thứ hai là ông Phùng Đình Thực, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), 65,81 triệu đồng/tháng. Thứ ba là ông Đỗ Văn Hậu, Chủ tịch HĐQT PVN, với 64,35 triệu đồng/tháng. Ông Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam, thu nhập 61,32 triệu đồng/tháng… Thực hiện đúng quy định Theo Bộ Công Thương, thu nhập nói trên được phê duyệt dựa trên Nghị định 51/2013/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với viên chức quản lý doanh nghiệp và Chỉ thị số 11/CT-BCT ngày 22/4/2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về tăng cường công khai minh bạch đối với hoạt động kinh doanh điện, xăng dầu.../.