Ý nghĩa tốt

Tôn chỉ của các tổ hợp tác, hợp tác xã do Đoàn tổ chức là làm sao tạo công ăn việc làm cho tất cả thành viên và giúp họ nuôi sống bản thân, phụ giúp gia đình muốn phát triển bền vững các đoàn viên phải đồng lòng, hợp sức thành lập ra hợp tác xã thanh niên làm kinh tế với mục đích trước mắt là giải quyết công ăn việc làm cho những bạn đoàn viên thất nghiệp trong mỗi chi đoàn.

Hợp tác xã, tổ hợp tác xã thanh niên là phương pháp tập hợp thanh niên kiểu mới, việc ra đời và chính thức đi vào hoạt động của hợp tác xã sẽ góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cải thiện định đời sống cho đoàn viên thanh niên. Mô hình này cũng nhằm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và thực hiện việc xây dựng mô hình kinh tế của thanh niên tại xã nông thôn mới.

Thực tế triển khai hiệu quả

Những năm qua, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã xác định, xây mô hình hợp tác xã vừa là trách nhiệm của thanh niên đối với phong trào xây dựng nông thôn mới, đồng thời là nhiệm vụ quan trọng trong công tác đoàn hiện nay. Việc xây dựng các mô hình hợp tác xã sẽ thu hút được đông đảo lực lượng thanh niên tại các địa phương tham gia, qua đó giúp tạo việc làm, phát triển kinh tế cho thanh niên tại các địa phương, đồng thời tạo điều kiện cho thanh niên có thể khẳng định được bản thân với gia đình và xã hội.

Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tham gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2013-2015. Theo đó, đến năm 2015, tất cả cơ sở Đoàn có hoạt động hoặc công trình, phần việc xây dựng nông thôn mới hằng năm. Phấn đấu đến năm 2020, không có hộ đói do thanh niên làm chủ, giúp 20.000 hộ thanh niên thoát nghèo bền vững... Đặc biệt, Đề án đặt mục tiêu đến năm 2020 xây dựng và duy trì hoạt động hiệu quả 5.000 tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên, 5.000 tổ tiết kiệm tại các xã.

Trong những năm qua, nhờ thực hiện tốt các phong trào do Trung ương Đoàn phát động, cũng như được sự ủng hộ của các cơ quan từ Trung ương đến địa phương, nhiều mô hình kinh tế hợp tác xã đã đi vào hoạt động và từng bước đạt được những kết quả tích cực.

Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trao bằng khen cho 4 thanh niên nông thôn tiêu biểu

Điển hình nhất đó là mô hình hợp tác xã của 03 trong 04 thanh niên xuất sắc vinh dự được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trao tặng bằng khen, đồng thời được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao giải thưởng Lương Định Của (giải thưởng giành cho những thanh niên có thành tích đặc biệt xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ, phát triển ngành nghề, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới) năm 2014. Đây cũng là những mô hình hợp tác xã thanh niên điển hình trong xây dựng nông thôn mới hiện nay cần được nhân rộng trên toàn quốc.

Cụ thể là: Mô hình Hợp tác xã nuôi ong Phong Thổ do anh Trần Xuân Phong (sinh năm 1984) ở xã An Khang, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang thành lập. Đến nay, anh đã thành lập Hợp tác xã nuôi ong Phong Thổ, 1.500 đàn ong, tạo việc làm thường xuyên cho 22 lao động tại địa phương, với mức lương 3-4 triệu đồng mỗi tháng. Tổng doanh thu đạt 16 tỷ đồng/năm.

Mô hình Hợp tác xã thanh niên sản xuất bánh khẩu sén do anh Sìn Văn Dưỡng, thị xã Mường Lay, tỉnh Điện cùng 30 đoàn viên trong chi đoàn và hội viên câu lạc bộ thanh niên nông thôn làm kinh tế giỏi chung sức thành lập. Hiện nay, Hợp tác xã đã góp phần giải quyết nhiều công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Với sự năng động và sáng tạo, lợi nhuận hàng năm của Hợp tác xã đạt khoảng 450 triệu đồng.

Mô hình Hợp tác xã Thanh niên, do Bí thư Xã đoàn Hoà Thành, TP Cà Mau Hồ Vũ Phong làm chủ nhiệm. Tháng 1/2011, được Phòng Tài chính - Kế hoạch thành phố Cà Mau cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mang tên Hợp tác xã Thanh niên, ngành nghề kinh doanh là dịch vụ nuôi trồng thuỷ sản, với số vốn góp ban đầu là 34 triệu đồng. Qua nhiều năm hoạt động, anh vận động các thành viên trong hợp tác xã tăng thêm các hoạt động như trồng khoai từ trên các bờ vuông nuôi tôm, tôm công nghiệp, nuôi cá bống tượng, ép cá bống tượng giống, trồng hoa màu, trồng bông thiên lý và phối hợp với các ngành chức năng mở nhiều lớp tập huấn kỹ thuật cho các thành viên trong hợp tác xã. Mỗi năm, thu nhập của hợp tác xã đạt trên 1 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 34 lao động thường xuyên, 100 lao động thời vụ.

Có thể nói, 3 mô hình hợp tác xã thanh niên trên đã và đang tạo động lực to lớn cho hàng triệu thanh niên Việt Nam trong phong trào nông thôn mới nói chung và phong trào phát triển các mô hình hợp tác xã nói riêng.

Song, vẫn còn nhiều bất cập trong triển khai

Mặc dù đạt được nhiều thành công, nhưng thực tiễn triển khai thực hiện các chương trình hành động của đoàn thanh niên còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, cụ thể:

- Năng lực đoàn viên thanh niên đảm nhiệm dẫn dắt các mô hình này còn hạn chế, vẫn còn nhiều lúng túng trong tìm hướng phát triển sản xuất-kinh doanh, tiếp cận thị trường. Vì thế, nhiều hợp tác xã sau khi thành lập một thời gian ngắn đã hoạt động không hiệu quả, hoặc chỉ tồn tại một cách hình thức.

- Công tác tuyên truyền mới đi vào chiều rộng, thiếu chiều sâu, vì vậy, từ nhận thức đến hành động và trách nhiệm của người dân, đặc biệt là lực lượng thanh niên tham gia chưa nhiệt tình, thiếu hiệu quả…

- Việc khó tiếp cận các nguồn vốn (Vốn 120 Trung ương Đoàn, vốn tín chấp từ Ngân hàng Nông nghiệp, vốn Chương trình Nông thôn mới…) đang là một nguyên nhân dẫn đến hoạt động kém hiệu quả của các mô hình.

- Thiếu vắng sự quan tâm của chính quyền địa phương cũng làm giảm động lực của các mô hình.

Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Để mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã phát triển thực chất và có hiệu quả, trong thời gian tới cần thực hiện những giải pháp sau:

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của thanh niên về kinh tế hợp tác xã. Theo đó, cần tuyên truyền, giáo dục các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về xây dựng và phát triển kinh tế hợp tác xã, nhất là Chỉ thị số 20 CT/TƯ, ngày 02/02/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường lãnh đạo thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (Khóa IX) về tiếp tục đổi mới phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; tiếp tục tuyên truyền Luật Thanh niên; Luật Hợp tác xã năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành các chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tập thể của Chính phủ.

Bên cạnh đó, cần tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm trao đổi kinh nghiệm phát triển mô hình hợp tác xã ở các cấp, đưa các nội dung phát triển kinh tế tập thể vào sinh hoạt đoàn, hội tại cơ sở, tư vấn pháp lý thông qua Trung tâm tư vấn, hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm cho thanh niên, đội ngũ cán bộ đoàn các cấp. Phối hợp lựa chọn các mô hình hợp tác xã điển hình ở các địa phương, nhằm biểu dương, tôn vinh các gương thanh niên làm kinh tế giỏi thông qua hệ thống truyền thông để tuyên truyền nhân rộng.

Hai là, phối hợp đào tạo, tập huấn và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Đoàn - Hội về kinh tế hợp tác xã. Trên cơ sở thực hiện chủ trương của Trung ương Đoàn, Liên minh Hợp tác xã phát động, các địa phương cần có sự phối hợp nhằm tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn và bồi dưỡng cán bộ, đoàn viên, hội viên, thanh niên, nhất là cán bộ nòng cốt để thành lập hợp tác xã của thanh niên. Tăng cường tư vấn pháp lý cho thanh niên về nội dung liên quan đến phát triển loại hình hợp tác thanh niên, kiến thức về khởi sự doanh nghiệp và lập nghiệp. Đẩy mạnh trao đổi kinh nghiệp phát triển mô hình hợp tác xã trong thanh niên với các hội đoàn thể khác (như: hội phụ nữ, cựu chiến binh, nông dân...). Qua đó, trang bị những kỹ năng, kiến thức, cần thiết để nâng cao năng lực quản lý kinh tế, thu hút, tập hợp thanh niên tham gia hợp tác phát triển kinh tế.

Xây dựng các tài liệu cần thiết như cẩm nang, sổ tay, tài liệu giới thiệu mô hình, hướng dẫn quy trình thành lập và tổ chức hoạt động của các mô hình hợp tác, tổ hợp tác và hợp tác xã cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên, trọng tâm là cung cấp tài liệu cho địa bàn nông thôn, giúp tổ chức cơ sở đoàn và đoàn viên, thanh niên tham gia có hiệu quả vào công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Phát huy các câu lạc bộ khuyến nông, khuyến ngư, các Tổ hợp tác sản xuất, các tổ tín dụng và vay vốn, các chi đoàn, chi hội nông thôn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp; trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong sản xuất kinh doanh, tư vấn nghiệp vụ và định hướng phát triển loại hình kinh tế tập thể như: tổ hợp tác và hợp tác xã thanh niên.

Ba là, tích cực tham gia phối hợp với các ngành chức năng, các tổ chức tín dụng hỗ trợ vốn, kỹ thuật cho thanh niên phát triển kinh tế gia đình, nhằm đào tạo nghề, tư vấn, hướng nghiệp và giới thiệu việc làm cho thanh niên nông thôn.

Đặc biệt, để tăng trưởng nguồn vốn nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội, thường trực các cơ sở đoàn cần để chủ động tiếp cận được các nguồn vốn để hỗ trợ thanh niên làm kinh tế tập thể./.