Khẳng định vai trò xung kích của thanh niên

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện hợp tác xã, tổ hợp tác chăn nuôi đã có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển.

Đến cuối năm 2013, cả nước có khoảng 9.725 hợp tác xã nông nghiệp, tăng 2.258 hợp tác xã so với năm 2002. Trong đó, 93,8% là hợp tác xã chăn nuôi, trồng trọt. Về tổ hợp tác, cả nước có 140.297 tổ hợp tác, khoảng 2,3 triệu thành viên tham gia. Tổ hợp tác hình thành và phát triển rộng khắp các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, trong đó tập trung lớn nhất vẫn là trong nông nghiệp.

Nhờ những chủ trương, chính sách hỗ trợ kịp thời của Đảng và Nhà nước, cùng sự quan tâm, định hướng của Trung ương Đoàn cũng như đoàn thanh niên các cấp, thời gian qua, rất nhiều mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, liên kết chăn nuôi do thanh niên làm chủ đã thành công trên cả nước, khẳng định vai trò xung kích của thanh niên trong phát triển kinh tế nông thôn. Điển hình như:

Tổ hợp tác nuôi bồ câu đạt hiệu quả của thanh niên xã Phú Thượng, Chợ Lách tỉnh Bến Tre

Xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách, hầu hết thanh niên có hoàn cảnh khó khăn đều chí thú làm ăn, nhưng do ít đất sản xuất và chưa tìm ra phương hướng phát triển kinh tế phù hợp, nên cuộc sống còn khá bấp bênh, chủ yếu dựa vào nguồn thu nhập từ công việc làm thuê.

Tháng 12/2011, tranh thủ sự hỗ trợ của dự án phát triển kinh doanh với người nghèo nông thôn, xã đoàn Phú Phụng đã tiến hành thành lập mô hình tổ hợp tác nuôi bồ câu, với 10 thành viên là những thanh niên thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo trong Xã. Mục tiêu chính của tổ liên kết nhằm giúp cho đoàn viên, thanh niên có việc làm trong thời gian nhà rỗi, tăng thêm thu nhập, góp phần thoát nghèo bền vững, từ đó tích cực tham gia sinh hoạt đoàn.

Tham gia mô hình, mỗi thành viên được cung cấp 10 cặp bồ câu Pháp đang sinh sản và hỗ trợ thức ăn, trị giá 3 triệu đồng. Bồ câu là loại vật nuôi ít bị bệnh, không tốn nhiều thời gian chăm sóc, thức ăn của chúng dễ tìm, chuồng nuôi được xây dựng khá đơn giản. Bồ câu mới sinh sau 20 ngày nuôi sẽ ra ràng, mỗi cặp bồ câu bán lấy thịt có giá 70.000 đồng, bồ câu giống có thời gian sinh trưởng trên 2 tháng, mỗi cặp có giá 250.000 đồng.

Sau gần một năm hoạt động, mô hình đã phát huy hiệu quả tích cực. Đến nay, số lượng bồ câu của mỗi tổ viên đã tăng lên 40-50 cặp. Đối với 10 cặp bồ câu sinh sản ban đầu sẽ hoàn trả và tiếp tục cho thanh niên nghèo trong Xã mượn để làm vốn sản xuất.

Gần đây, mặt hàng bồ câu thịt đang hút hàng, sản lượng cung ứng không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường, do đó việc mở rộng mô hình là một nhu cầu cần thiết giúp nhiều thanh niên có cơ hội thoát nghèo, từ đó tổ hợp tác nuôi bồ câu thứ 2 của Xã đã ra đời.

Với kết quả đã đạt được, Tổ hợp tác nuôi bồ câu xã Phú Phụng đã trở thành mô hình điểm làm kinh tế đạt hiệu quả của Xã, đồng thời, mở ra một hướng đi triển vọng trên con đường lập thân, lập nghiệp của thanh niên địa phương.

Tổ hợp tác dịch vụ chăn nuôi thôn Bắc Cường, thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc

Những năm gần đây, khi người dân Thổ Tang từ bỏ nông nghiệp để chuyển sang kinh doanh thương mại, đất dành cho chăn nuôi, sản xuất không còn được quan tâm đúng mức, dẫn tới tình trạng lãng phí và hiệu quả sử dụng thấp. Với suy nghĩ cần khai thác hiệu quả quỹ đất, tạo ra những sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đồng thời giải quyết việc làm và nâng cao mức thu nhập cho thanh niên tại địa phương, năm 2007, đoàn viên Vũ Trung Học hợp tác với một số người bạn thuê đất, nuôi gà siêu trứng. Nguồn vốn, phương án sản xuất được Tỉnh đoàn Vĩnh Phúc hỗ trợ, tư vấn. Ngay vụ thu hoạch đầu tiên, với 8.000 con gà, mỗi ngày thu hoạch 7.500 quả trứng, bán ở thời điểm hiện tại là 1.800 đồng/quả. Như vậy, chỉ tính riêng tiền bán trứng gà, doanh thu mỗi ngày của Tổ hợp tác khoảng 13,5 triệu đồng.

Thấy được lợi ích mà Tổ hợp tác thôn Bắc Cường mang lại, thanh niên trong Xã làm đơn xin gia nhập ngày càng đông. Hiện nay, số lượng tổ viên Tổ hợp tác đã lên đến gần 20 người. Tổ hợp tác đang có kế hoạch mở rộng, thay đổi cơ cấu sản xuất theo hướng tăng thêm diện tích, vật nuôi, cây trồng.

Tổ hợp tác nuôi Rắn hổ hèo Ấp Đồng Cơ – Xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang

Ấp Đồng Cơ, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang có địa bàn rộng dân chủ yếu lại làm nông nghiệp và có vốn kinh nghiệm trong chăn nuôi nên điều kiện nơi đây rất thuận lợi cho việc nuôi rắn hổ hèo với số lượng lớn.

Xuất phát từ tình hình thực tế của địa bàn thích hợp nuôi rắn hổ hèo và được sự cho phép của Đảng ủy, UBND xã, Ủy ban hội xã Vĩnh Phú, ngày 29/7/2014 vừa qua Tổ hợp tác nuôi Rắn hổ hèo ấp Đồng Cơ tiến hành ra mắt với 8 thành viên, trong đó bầu ra 1 tổ trưởng, 1 tổ phó, và 1 thư ký. Tổ hợp tác sinh hoạt định kỳ mỗi tháng một lần nhằm tạo nơi sinh hoạt, chia sẻ kinh nghiệm kỹ thuật chăn nuôi hiệu quả trong việc nuôi rắn.

Tổ hợp tác thanh niên chăn nuôi heo xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai

Để giúp nhau phát triển kinh tế gia đình vào đầu năm 2013, Tổ hợp tác thanh niên chăn nuôi heo xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai được thành lập. Từ khi được thành lập, Tổ hợp tác là nơi học tập, trao đổi kiến thức quan trọng trong chăn nuôi của các thành viên, giúp các thành viên thu được lợi nhuận cao trong chăn nuôi.

Hiện nay, Tổ hợp tác có 20 thành viên với tổng số gần 2.000 đầu heo cả heo nái và heo thịt. Bước đầu Tổ hợp tác thanh niên chăn nuôi heo xã Gia Tân 1 đã đem lại lợi ích thiết thực cho các thành viên tham gia.

Để phát triển những mô hình hay

Thứ nhất, cần giới thiệu rộng rãi những mô hình, cách làm hay của thanh niên trên cả nước thông qua các buổi sinh hoạt đoàn, tình nguyện, giúp thanh niên lập thân, lập nghiệp, đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế nông thôn.

Thứ hai, hỗ trợ hơn nữa các mô hình kinh tế hợp tác xã, tổ hợp tác thanh niên. Theo đó, trong thời gian tới, các địa phương trên cả nước chủ động thu hút các nhà đầu tư xây dựng cơ sở giống cấp bố mẹ, nhằm cung ứng đủ con giống đối với chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ theo hình thức liên kết với doanh nghiệp. Đồng thời, bố trí hợp lý chuồng trại, ứng dụng các quy trình, công nghệ nuôi tiên tiến, sử dụng bể biogas xử lý chất thải, đảm bảo môi trường cho chăn nuôi tại các hợp tác xã, tổ hợp tác phát triển bền vững. Bên cạnh đó, từng bước phát triển liên kết giữa các hợp tác xã, tổ hợp tác với các doanh nghiệp, hộ sản xuất để hình thành các hiệp hội, ngành hàng trên địa bàn cả nước.

Thứ ba, các cơ sở Đoàn hỗ trợ đẩy mạnh, nhân rộng các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên chăn nuôi tại những địa bàn, những tỉnh phù hợp, tạo thu nhập và giải quyết việc làm cho thanh niên ở khu vực nông thôn trong cả nước./.