Cụ thể, về hình thức thi, Dự thảo nêu rõ, sẽ thành lập cụm thi tỉnh và liên tỉnh và giao cho các trường đại học chủ trì. Cụm thi được thành lập để tổ chức thi cho thí sinh của ít nhất hai tỉnh (cụm thi liên tỉnh). Riêng đối với những tỉnh có khó khăn, nếu UBND tỉnh đề nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xem xét thành lập cụm thi tại tỉnh cho các thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Quá trình phối tổ chức các cụm thi, các trường đại học được giao chủ trì cụm thi sẽ chủ trì coi thi, chấm thi, in và gửi Phiếu báo kết quả thi; Chủ trì thành lập, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng thi; Tổ chức tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi, chi trả kinh phí cho tất cả cán bộ, giảng viên, giáo viên tham gia kỳ thi tại cụm thi theo quy định; Báo cáo Ban Chỉ đạo thi quốc gia về việc thực hiện nhiệm vụ tổ chức thi, những vấn đề nảy sinh trong quá trình tổ chức thi.

Việc tổ chức thi ở cụm thi liên tỉnh hoặc cụm thi tỉnh là giống nhau, theo đúng quy định của quy chế thi, cùng một quy trình và đều do trường đại học chủ trì nhằm đảm bảo sự công bằng, độ tin cậy của kết quả thi ở tất cả các cụm thi trên cả nước.

Về lệ phí thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương duy trì ổn định các mức thu lệ phí như năm 2014, không tăng thêm mức thu để không gây khó khăn cho thí sinh và gia đình. Cụ thể là: Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia lấy kết quả chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT không phải nộp lệ phí; Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia lấy kết quả để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng phải nộp lệ phí tuyển sinh tính theo số môn thí sinh đăng ký dự thi với mức thu giữ ổn định như năm 2014.

Đặc biệt, về chấm thi, để có độ phân hóa cao, chất lượng đề thi đóng vai trò rất quan trọng, đồng thời công tác coi thi, chấm thi cũng là những yếu tố tác động trực tiếp đến kết quả thi của thí sinh. Do vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương sử dụng thang điểm 20 trong kỳ thi THPT quốc gia, nhằm giúp công tác chấm thi phân hóa chi tiết hơn kết quả thi của thí sinh, hỗ trợ tốt cho công tác xét tuyển sinh của các trường đạinhọc, cao đẳng.

Trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ra quyết định thành lập Hội đồng chấm thẩm định để chấm thẩm định toàn bộ hoặc một phần số bài thi hoặc kiểm tra kết quả phúc khảo của một hoặc một số Hội đồng thi. Hội đồng chấm thẩm định do Cục trưởng Khảo thí và Kiểm định Chất lượng giáo dục làm Chủ tịch, có thẩm quyền quyết định cuối cùng về điểm chính thức của bài thi.

Ngoài ra, năm 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo mở rộng nhiều đối tượng miễn thi các môn của kỳ thi quốc gia nếu đáp ứng được một số điều kiện đề ra. Cụ thể như:

- Đối với người đã tham gia kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế hoặc Olympic khu vực các môn văn hoá được miễn thi tất cả các môn của kỳ thi THPT quốc gia nếu đáp ứng các điều kiện: Được triệu tập vào học kỳ hai lớp 12; Xếp loại cả năm lớp 12 có hạnh kiểm loại tốt, học lực từ loại khá trở lên; Có tên trong danh sách miễn thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

- Người trong đội tuyển tham gia các cuộc thi Olympic quốc tế hoặc khu vực về khoa học, kỹ thuật, thể dục thể thao, văn hoá văn nghệ được miễn thi tất cả các môn của kỳ thi THPT quốc gia nếu đáp ứng các điều kiện: Được triệu tập vào học kỳ 2 lớp 12; Xếp loại cả năm lớp 12: Hạnh kiểm và học lực từ loại trung bình trở lên; Có tên trong công văn đề nghị miễn thi và xác nhận tham dự tập huấn và dự thi đúng quy định của cơ quan tuyển chọn gửi đến sở Giáo dục và Đào tạo trước ngày thi THPT quốc gia cũng được miễn thi.

Riêng môn ngoại ngữ, thí sinh có các chứng chỉ quốc tế có uy tín theo quy định tại Công văn số 6031/BGDĐT-KTKĐCLGD ngày 23/10/2014 sẽ được miễn thi môn ngoại ngữ để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, do việc công nhận tốt nghiệp THPT căn cứ vào kết quả học tập lớp 12 và tổng điểm các môn thi (điểm mỗi môn thi phải lớn hơn mức tối thiểu theo quy định). Do vậy, phải quy đổi ra điểm đối với môn ngoại ngữ của thí sinh được miễn thi môn ngoại ngữ để xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Điểm quy đổi này được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT; thí sinh muốn sử dụng kết quả môn Ngoại ngữ để xét tuyển vào những trường đại học, cao đẳng sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để tuyển sinh phải dự thi môn Ngoại ngữ trong kỳ thi THPT quốc gia./.