Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Lễ phát động và Hội thảo

Sáng kiến “Không còn nạn đói” được Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Moon đã đưa ra vào năm 2012 với 5 mục tiêu chính cần phải đạt tới năm 2025 gồm: 100% dân cư có đủ lương thực quanh năm; không còn trẻ em dưới 2 tuổi suy dinh dưỡng; hệ thống sản xuất, kinh doanh phát triển bền vững; tăng năng xuất sản xuất và thu nhập của các hộ nông dân nhỏ; và không có thất thoát và lãng phí lương thực thực phẩm.

Trong nhiều thập kỷ qua, nhờ sự nỗ lực của mỗi quốc gia và sự hỗ trợ tích cực của các tổ chức quốc tế, đứng đầu là FAO, sản xuất lương thực trên thế giới đã đạt được những thành tựu to lớn, an ninh lương thực được cải thiện, nhiều quốc gia đã vươn lên tự túc được lương thực.

Tuy nhiên, việc đảm bảo an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng và giảm đói nghèo vẫn đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt tại các nước đang phát triển khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nơi mà sản lượng lương thực sản xuất ra chỉ chiếm 50% trong khi dân số lại chiếm trên 60% thế giới.

Hiện nay, trên thế giới vẫn còn 805 triệu người thiếu đói; hơn 160 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, lâm vào tình trạng chậm phát triển; tình trạng "nạn đói tiềm ẩn", do thiếu các dưỡng chất thiết yếu như vitamin A, sắt và kẽm được ghi nhận là trên khoảng 2 tỷ người.

Trong khi đó, với tình trạng đất nông nghiệp bị suy giảm cả về diện tích lẫn độ phì nhiêu, nguồn nước cho nông nghiệp trở nên khan hiếm hơn và đặc biệt là tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt là những thách thức rất lớn trong việc đảm bảo an ninh lương thực cho hơn 7 tỷ người trên hành tinh.

Hơn nữa, việc đầu tư cho sản xuất nông nghiệp giảm sút, cùng những rào cản và trợ cấp bóp méo thương mại nông sản làm gia tăng thách thức cho việc đảm bảo an ninh lương thực cho những nước nghèo.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam hoan nghênh và đánh giá cao sáng kiến “Không còn nạn đói” của Tổng Thư ký LHQ đưa ra nhằm đảm bảo cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người dân trên thế giới với 5 mục tiêu chính cần phải đạt tới năm 2025.

Phát biểu tại Lễ phát động, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, diện tích đất đai của Việt Nam không lớn (33 triệu ha), trong đó có 10,3 triệu ha có thể sử dụng trong nông nghiệp. Nhờ thực hiện đường lối đổi mới, từ một nước nghèo - thiếu lương thực, kém phát triển, Việt Nam đã vươn lên trở thành quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình.

Năm 2014, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 6,5 triệu tấn gạo và nhiều loại nông lâm thuỷ sản với tổng kim ngạch đạt gần 31 tỷ USD; tỷ lệ hộ nghèo còn 7,6% và cơ bản đã hoàn thành những Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ (MDG) do LHQ phát động. Chính sự phát triển nhanh của nông nghiệp, nhất là sản xuất lương thực đã giúp Việt Nam đứng vững qua những cuộc khủng hoảng kinh tế của thế giới và khu vực, duy trì được tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế bình quân khoảng 7%/năm trong 30 năm qua và bảo đảm được an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và đời sống người dân ngày càng được cải thiện tốt hơn. Mặc dù đạt được nhiều kết quả trong phát triển kinh tế và xoá đói giảm nghèo, song nông nghiệp Việt Nam đang phải đương đầu với hai thách thức lớn, đó là khả năng cạnh tranh và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định, để đối phó với những thách thức trên, Chính phủ Việt Nam đang triển khai thực hiện hai chương trình lớn về xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Theo đó, Việt Nam thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó các giải pháp trọng tâm là thúc đẩy ứng dụng khoa học kỹ thuật và tổ chức lại sản xuất, gắn sản xuất với thị trường theo hướng tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị; thu hút nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, đồng thời nỗ lực thực hiện các biện pháp giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trưởng đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), kiêm Chủ tịch Nhóm đói nghèo Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ông Hiroyuki Konuma cho rằng, Việt Nam đã giảm được hơn 70% số người suy dinh dưỡng từ những năm 1990-1992 và đạt được Mục tiêu MDG thứ nhất này, nên xóa sạch nạn đói không phải là mục tiêu bất khả thi. Ông cũng cho biết thêm, việc FAO tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Việt Nam và các đối tác phát triển, trong đó có các tổ chức xã hội dân sự, sẽ giúp giải quyết những thách thức đang còn phía trước và đạt được mục tiêu chung của chúng ta là “Không còn nạn đói”.

Đánh giá về mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Cao Đức Phát cho biết: Thời gian qua Việt Nam đã có sự nỗ lực và đạt được thành tựu to lớn, được Quốc tế công nhận về xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, xóa đói giảm nghèo chưa thật sự bền vững, nhiều nơi tỷ lệ hộ nghèo hơn 30%, có lúc người dân thiếu lương thực và Chính phủ phải trợ cấp, đặc biệt là các nông hộ nhỏ ở các vùng miền núi, đồng bào các dân tộc. Một bộ phận nông dân còn thiếu dinh dưỡng, trong đó, đặc biệt tỷ lệ khá cao trẻ em dưới 5 tuổi bé, nhẹ cân, còi, thiếu dinh dưỡng và hệ thống sản xuất lương thực chưa được bền vững, tỷ lệ tổn thất lương thực thực phẩm cả trong sản xuất và tiêu dùng còn khá cao.

Để thực hiện được 5 mục tiêu trong Sáng kiến “Không còn nạn đói”, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cần phải có nỗ lực chung của cả xã hội, các ngành, các cấp và các biện pháp cụ thể, bao gồm các giải pháp về kỹ thuật, cơ chế chính sách, cũng như tuyên truyền, vận động và tổ chức thực hiện. Việt Nam cùng các tổ chức Liên hợp quốc và các nhà tài trợ quốc tế xúc tiến và xây dựng một chương trình hành động cụ thể ngay sau Lễ phát động ngày hôm nay. Chính phủ dự kiến thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành, có tổ công tác liên ngành để tổ chức triển khai thực hiện.

Nhiệm vụ để thực hiện chủ trương này là rất lớn và cũng rất phức tạp, đòi hỏi sự nỗ lực không chỉ của ngành Nông nghiệp mà của nhiều bộ, ngành có liên quan. Ông Cao Đức Phát, cũng khẳng định: Bộ Nông nghiệp sẽ tập trung cao hỗ trợ cho nông dân phát triển sản xuất lương thực một cách bền vững, đặc biệt là ở các vùng miền núi, vùng còn nhiều khó khăn như vùng cao, vùng đồng bào các dân tộc, nỗ lực giảm thiểu tổn thất sản xuất, hướng dẫn người tiêu dùng sử dụng lương thực thực phẩm hợp lý, góp phần xóa bỏ tình trạng thiếu dinh dưỡng ở người lớn và đặc biệt là ở trẻ em.

Hưởng ứng Sáng kiến, Chính phủ Việt Nam đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan đầu mối, phối hợp với các Bộ ngành liên quan cùng sự trợ giúp của LHQ và các nhà tài trợ xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình/Kế hoạch hành động “Không còn nạn đói” của Việt Nam giai đoạn 2015-2025, trước mắt là kế hoạch thực hiện đến 2020./.