Trong Hội thảo giới thiệu Báo cáo cập nhật của Việt Nam cho Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (BUR1) mới đây tại Hà Nội, Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Văn Tuệ cho biết, trong thời gian qua, Việt Nam đã tích cực thực hiện các hoạt động nghiên cứu, phát triển các Hành động giảm nhẹ khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia (NAMA) tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Tuệ phát biểu tại Hội thảo

Tại Hội thảo, ông Fumihico Okiura – Phó trưởng đại diện JICA tại Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Ông cho rằng Việt Nam đã thành công trong việc chuẩn bị Báo cáo cập nhật hai năm một lần lần thứ nhất cho Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu và khẳng định, kết quả này sẽ góp phần củng cố sự hợp tác giữa các đơn vị Bộ TN&MT với các đơn vị của các Bộ, ngành, cơ quan cũng như các tổ chức quốc tế trong việc đẩy mạnh các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam và thực hiện các nghĩa vụ của một nước tham gia Công ước khí hậu.

Báo cáo cập nhật hai năm một lần lần thứ nhất của Việt Nam cho Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (BUR1) có 4 chương, gồm: Bối cảnh quốc gia; Kiểm kê quốc gia khí nhà kính; Các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; Nhu cầu tài chính, công nghệ, tăng cường năng lực và trợ giúp nhận được cho các hoạt động biến đổi khí hậu.

Theo BUR1, tổng lượng phát thải khí nhà kính tại Việt Nam là 246,8 triệu tấn CO2 tương đương bao gồm lĩnh vực sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp (LULUCF) và 266 triệu tấn CO2 tương đương không bao gồm LULUCF. Phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng chiếm tỷ trọng lớn nhất là 53,03% tổng lượng phát thải không tính LULUCF, tiếp theo là lĩnh vực nông nghiệp chiếm 33,20%. Phát thải từ các lĩnh vực công nghiệp hóa và chất thải tương ứng là 7,97% và 5,78%.

BUR1 còn có các phương án giảm nhẹ khí nhà kính trong từng lĩnh vực như: Năng lượng; nông nghiệp; LULUCF. Cùng với đó là những nhu cầu tài chính, công nghệ, tăng cường năng lực và trợ giúp nhận được cho các hoạt động biến đổi khí hậu.

Tính đến tháng 6/2014, Việt Nam đã có 253 dự án Cơ chế phát triển sạch và 11 chương trình hoạt động theo cơ chế phát triển sạch được đăng ký với trên 10 triệu chứng chỉ phát thải được chứng nhận. Tổng lượng khí nhà kính giảm được khoảng 137 triệu tấn CO2 tương đương.

Việc sớm trình Báo cáo cập nhật 2 năm một lần khẳng định việc thực hiện cam kết của Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu cũng như hoàn thành nghĩa vụ của một nước đang phát triển tham gia Công ước khí hậu./.