Nhiều bước tiến trong công tác giảm nghèo

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững, năm 2014, công tác này đã có những bước tiến quan trọng. Tổng nguồn vốn để thực hiện mục tiêu giảm nghèo năm 2014 khoảng 34,7 nghìn tỷ đồng.

Trên cơ sở khung Nghị quyết số 80/NQ-CP, các chính sách giảm nghèo tiếp tục được bố trí kinh phí và phát huy tác dụng, hỗ trợ có hiệu quả cho hộ nghèo, người nghèo, như: bố tri khoảng 12.822 tỷ đồng thực hiện mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, dân tộc thiểu số, đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em dưới 6 tuổi và người cận nghèo, học sinh sinh viên; khoảng 60 ngành lao động nghèo được đào tạo nghề miễn phí gắn với tạo việc làm, trong đó có trên 1.532 lao động thuộc các huyện nghèo được hỗ trợ đào tạo nghề; trên 530 ngàn hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở và 700 hộ nghèo được hỗ trợ nhà phòng tránh lũ; trên 1,7 hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện…

Bên cạnh đó, các chính sách giảm nghèo đặc thù cũng đã góp phần vào công tác giảm nghèo.

Một số địa phương đã ban hành cơ chế, chính sách giảm nghèo đặc thù ,như: hỗ trợ cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn về sản xuất và đầu tư cơ sở hạ tầng; hỗ trợ 100% thẻ bảo hiểm y tế đối với hộ cận nghèo; hộ mới thoát nghèo được tiếp tục hưởng một số chính sách trong vòng 02 năm như: khám chữa bệnh, vay vốn tín dụng, đào tạo nghề, giáo dục- đào tạo...

Trên cơ sở triển khai đồng bộ có hiệu quả các chính sách, chương trình giảm nghèo, đến cuối năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm 1,8-2%/năm (từ 7,8% xuống còn 5,8-6%); riêng tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân 5%/năm (từ 38,20% năm 2013 xuống còn 33,20% năm 2014), đảm bảo theo kế hoạch đầu năm.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh kết luận tại cuộc họp Ban chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững

Năm 2015: Giảm tỷ lệ hộ nghèo trong cả nước còn dưới 5%

Trong năm 2015, Ban chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững xác định tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chính sách, dự án giảm nghèo theo hướng bền vững, tăng cường khả năng tiếp cận của đối tượng thụ hưởng và sự tham gia của người nghèo.

Tập trung chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 64 huyện nghèo và các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao được hỗ trợ áp dụng một số cơ chế, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy định của Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP; thực hiện Khung Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 80/NQ-CP đã được phê duyệt tại Quyết định số 1200/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tập trung chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 76 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, Quyết định 2324/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết 76.

Năm 2015, phấn đấu đạt mục tiêu giảm nghèo theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội, giảm tỷ lệ hộ nghèo trong cả nước còn dưới 5%, các huyện nghèo còn dưới 30%.

Trong giai đoạn 2016-2020, Ban Chỉ đạo đưa ra mục tiêu đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, hạn chế tái nghèo; góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân; tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận một cách tốt nhất đến các dịch vụ xã hội cơ bản.

Cụ thể là, giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân từ 1%-1,5%/năm theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020, trong đó tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các huyện, xã nghèo giảm bình quân từ 3%-4%/năm; tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo, cận nghèo; cơ sở hạ tầng các huyện, xã nghèo được củng cố, tăng trưởng; thu nhập của nhóm hộ nghèo tăng 2 lần so với năm 2015.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách giảm nghèo

Kết luận tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững về kết quả thực hiện công tác giảm nghèo năm 2014 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2015, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu trong năm 2015 các Bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách giảm nghèo trên cơ sở kết quả đã rà soát.

Trước mắt, khẩn trương tích hợp những chính sách hiện hành, chủ động nêu rõ những nội dung, chính sách cần sửa đổi, bổ sung; phù hợp với nguồn lực để bảo đảm tính khả thi trong triển khai thực hiện; trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong quý I năm 2015 để các văn bản, chính sách phát huy tác dụng ngay trong năm 2015.

Về định hướng rà soát, thiết kế chính sách giảm nghèo, Phó Thủ tướng yêu cầu ưu tiên tập trung cao độ cả chính sách và nguồn lực đối với vùng đặc biệt khó khăn và đồng bào dân tộc thiểu số, theo hướng đa chiều và giảm nghèo bền vững, dựa vào cộng đồng để vừa hỗ trợ người nghèo vươn lên, vừa góp phần phát triển cộng đồng.

Việc thiết kế chính sách tiếp tục thực hiện theo hướng tăng cho vay, giảm cho không; mức hỗ trợ theo thứ tự ưu tiên: hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; cân đối và lồng ghép nguồn lực.

Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục nghiên cứu xây dựng chuẩn nghèo mới theo hướng tiếp cận đa chiều; tiếp tục thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo bình quân 2% trong cả nước, bình quân 4% tại các huyện nghèo, phấn đấu ở mức cao hơn.

Phó Thủ tướng giao Ủy ban Dân tộc phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất cụ thể về nội dung, phạm vi và mối quan hệ của Chương trình 135 với Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục huy động nguồn lực hỗ trợ công tác giảm nghèo từ các doanh nghiệp, tổ chức, cộng đồng và người dân; tôn vinh tập thể và cá nhân có đóng góp tích cực, hiệu quả cho công tác giảm nghèo.

Năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm 2%; riêng tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo, vùng đặc biệt khó khăn giảm 5%. Đời sống của hộ nghèo, người nghèo từng bước được nâng lên, đi từ xóa đói giảm nghèo phấn đấu từng bước tiến tới giảm nghèo bền vững.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng nêu rõ công tác giảm nghèo vẫn chưa thực sự bền vững, tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng miền núi và đồng bào dân tộc vẫn còn cao, tỷ lệ tái nghèo vẫn còn nhiều. Cơ chế chính sách tuy đã được rà soát nhưng vẫn còn chồng chéo, trùng lắp, khó thực hiện; đòi hỏi các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục khắc phục./.