Đến cuối năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm từ 1,8-2%

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2020, bên cạnh các chính sách giảm nghèo nói chung, Nhà nước tiếp tục thực hiện các chính sách đặc thù trên địa bàn các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ như Chính sách chăm sóc, giao khoán và bảo vệ rừng; Chính sách khai hoang, phục hóa, tạo ruộng bậc thang; Chính sách tăng cường hỗ trợ cán bộ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; Chính sách giáo dục, đào tạo, dạy nghề, nâng cao dân trí; Chính sách cán bộ đối với các huyện nghèo…. góp phần vào công tác giảm nghèo bền vững.

Một số địa phương đã ban hành cơ chế, chính sách giảm nghèo đặc thù và tổ chức thực hiện như: chính sách hỗ trợ cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn về sản xuất và đầu tư cơ sở hạ tầng; chính sách hỗ trợ 100% mệnh giá thẻ bảo hiểm y tế đối với hộ cận nghèo trên địa bàn, hỗ trợ chi phí đồng chi trả cho hộ nghèo, hộ cận nghèo khi đi khám chữa bện; hộ mới thoát nghèo được tiếp tục hưởng một số chính sách trong vòng 02 năm, như: khám chữa bệnh, vay vốn tín dụng, đào tạo nghề, giáo dục - đào tạo; chính sách hỗ trợ cho mỗi điểm bán trú dân nuôi có từ 30 học sinh trở lên 01 suất lương tối thiểu/người/tháng cho người nhận quản lý, chăm sóc các cháu học sinh bán trú như ở Yên Bái..; có 6 tỉnh, thành phố đã nâng mức chuẩn nghèo, cận nghèo cao hơn mức chuẩn nghèo của quốc gia.

Năm 2014, ngân sách Trung ương đã bố trí 6.242 tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trong đó Chương trình 135 là: 3.129,8 tỷ đồng; Chương trình 30a (huyện nghèo và các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo) là 3.060,2 tỷ đồng; Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo là 32 tỷ đồng; Dự án nâng cao năng lực, truyền thông và giám sát đánh giá là 20 tỷ đồng)

Với kinh phí được bố trí từ Ngân sách Trung ương, các tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện các dự án về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các huyện nghèo, xã nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng, nhân rộng các mô hình giảm nghèo có hiệu quả.

Năm 2014, tổng nguồn vốn để thực hiện mục tiêu giảm nghèo khoảng 34,7 nghìn tỷ đồng. Trong đó: Vốn NSNN hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo, hộ nghèo, vùng nghèo là 30,8 nghìn tỷ đồng (vốn cho chương trình giảm nghèo là 7 nghìn tỷ đồng; vốn thực hiện các chính sách giảm nghèo là 23,8 nghìn tỷ đồng); Vốn huy động: 3,8 nghìn tỷ đồng.

Nhờ đó, đến cuối năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm từ 1,8-2%/năm (từ 7,8% xuống còn 5,8-6%); riêng tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân 5%/năm (từ 38,20% năm 2013 xuống còn 33,20% năm 2014), đảm bảo theo kế hoạch đầu năm.

Trong năm đã thực hiện cho 433.192 lượt hộ nghèo vay vốn, với doanh số 9.577.443 triệu đồng; 502.420 lượt hộ cận nghèo vay vốn, với doanh số 10.544.862 triệu đồng; 61.500 lượt học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay với doanh số 3.410 triệu đồng…

Song, vẫn còn đó nhiều khó khăn

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo, bà Phạm Thị Hải Chuyền cũng chỉ rõ, kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, tỷ lệ tái nghèo hàng năm còn cao, chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.

Mặc dù tỷ lệ nghèo đã giảm nhanh ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, nhưng nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%, cá biệt còn trên 60-70%.

Số hộ nghèo là dân tộc thiểu số chiếm gần 50% tổng số hộ nghèo trong cả nước, thu nhập bình quân của hộ dân tộc thiểu số chỉ bằng 1/6 mức thu nhập bình quân của cả nước.

- Chính sách giảm nghèo tương đối toàn diện, bao trùm mọi mặt đời sống của người nghèo, dân tộc thiểu số nhưng còn dàn trải, phân tán, khó thực hiện, hiệu quả chưa cao;

- Vẫn chưa khai thác, huy động được nhiều nguồn lực tại chỗ, chưa phát huy được nội lực trong dân và chính người nghèo; quan điểm trông chờ, ỷ lại vào vào nguồn vốn ngân sách vẫn còn tồn tại không ít ở một số địa phương và người nghèo.

Mặt khác, trong bối cảnh kinh tế suy thoái, hoạt động kinh doanh gặp khó khăn, hạn chế đến việc huy động nguồn lực hỗ trợ cho giảm nghèo ở các doanh nghiệp.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế, yếu kém cần tập trung khắc phục trong công tác giảm nghèo, trong đó nổi lên là công tác giảm nghèo chưa thực sự bền vững.

Điều này thể hiện qua số hộ tái nghèo còn lớn; số hộ nghèo trong các huyện nghèo, trong đồng bào dân tộc còn cao. Chính sách mặc dù được rà soát song vẫn còn trùng dẫm, chồng chéo, khó thực hiện, hoặc xảy ra tình trạng chính sách chưa đi liền với cân đối được nguồn lực.

Nguồn lực cho giảm nghèo có cố gắng song chưa đáp ứng được yêu cầu, cùng với đó việc sử dụng nguồn lực có những nơi hiệu quả chưa cao; nhiều nơi còn ỷ lại vào ngân sách trung ương, chưa quan tâm huy động các nguồn lực để phục vụ cho công tác giảm nghèo.

Nhận thức về tầm quan trọng của công tác giảm nghèo có nơi, có lúc còn hạn chế, dẫn tới trách nhiệm quan tâm chỉ đạo cũng chưa đúng mức.

“Đây là một hạn chế rất đáng nói, là khuyết điểm chủ quan nhưng hết sức quan trọng. Trên thực tế, nơi nào cấp ủy, chính quyền quan tâm tập trung chỉ đạo thì nơi đó có chuyển biến, có kết quả rõ ràng”, Thủ tướng nói.

Để giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn dưới 5%

Về mục tiêu giảm nghèo của năm 2015, Ban Chỉ đạo Trung ương xác định, phấn đấu đạt và vượt mục tiêu giảm nghèo theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội, giảm tỷ lệ hộ nghèo trong cả nước còn dưới 5%, các huyện nghèo còn dưới 30%.

Theo đó, mục tiêu tổng quát là đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, hạn chế tái nghèo; góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các huyện nghèo, xã nghèo.

Mục tiêu cụ thể là giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân từ 1-1,5%/năm theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020, trong đó tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các huyên, xã nghèo giảm bình quân từ 3-4%/năm. Tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo, cận nghèo. Đưa thu nhập của nhóm hộ nghèo tăng 2 lần so với năm 2015.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Trong mọi hoàn cảnh, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến việc đảm bảo tiến bộ công bằng xã hội, xóa đói giảm nghèo, chăm lo đời sống nhân dân”.

“Thoát nghèo, vào hộ cận nghèo, nếu chúng ta không tiếp tục có chính sách hỗ trợ, đồng bào lại quay trở lại nghèo. Đây là điều chúng ta hết sức trăn trở” - Thủ tướng chia sẻ.

Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu công tác giảm nghèo triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, trong đó tập trung vào 4 nhóm giải pháp quan trọng.

Thứ nhất, Thủ tướng yêu cầu năm 2015 và những năm tiếp theo, cả nước tập trung chỉ đạo thực hiện nhằm mục tiêu giảm 1-1,5% hộ nghèo, số hộ nghèo trong các huyện nghèo giảm 3-4%, xuống dưới 30%.

Thủ tướng yêu cầu: “Phải coi công tác giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Coi đây là một tiêu chí hoàn thành nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền”.

Thứ hai, tập trung rà soát chính sách để loại bỏ những chính sách lạc hậu, không còn phù hợp và bổ sung những chính sách mới, phù hợp. Các chính sách sửa đổi, bổ sung phải hướng vào hỗ trợ hộ nghèo, hỗ trợ vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo 2 hướng là hỗ trợ sản xuất và hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

Về hỗ trợ sản xuất, Thủ tướng yêu cầu tập trung vào hỗ trợ cho nhân dân trong sản xuất trồng cây lương thực, cây công nghiệp, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc; giao đất, giao rừng cho người dân gắn với phát triển và bảo vệ rừng, điều chỉnh các chính sách về giữ rừng, bảo vệ rừng; hỗ trợ lương thực, giống, khuyến nông, đào tạo nghề, lãi suất cho vay phát triển sản xuất; hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn khó khăn và thu hút lao động tại chỗ gắn với hỗ trợ đào tạo nghề thông qua doanh nghiệp. Về tiếp cận các dịch vụ cơ bản, Thủ tướng yêu cầu trong chương trình giảm nghèo giai đoạn 2016-2020, sẽ thực hiện hỗ trợ các dịch vụ xã hội cơ bản như nhà ở, nước sạch, bảo hiểm y tế, giáo dục, tiếp cận thông tin, đầu tư hạ tầng.

Thứ ba, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu huy động các nguồn lực cho công tác giảm nghèo và thực hiện lồng ghép, sử dụng hiệu quả các nguồn lực.

Thủ tướng cho biết, ngân sách Trung ương sẽ cân đối để bảo đảm chi cho nhiệm vụ này đồng thời đề nghị các địa phương tiết kiệm chi để bố trí thêm.

Bên cạnh đó, cần huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, cộng đồng; khuyến khích nỗ lực vươn lên của người nghèo, hộ nghèo.

Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Chính sách xã hội tăng thêm dư nợ tín dụng người nghèo so với chỉ tiêu 10% hiện nay để tăng mức hỗ trợ và mở rộng đối tượng hộ nghèo được hỗ trợ tín dụng chính sách; đảm bảo mục tiêu thoát nghèo bền vững.

Cuối cùng, Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2020 chuẩn bị tiến hành tổng kết, đánh giá chương trình giảm nghèo giai đoạn 2011-2015 và xây dựng Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 với những tiêu chuẩn, tiêu chí cao hơn, gắn với việc xây dựng, ban hành và thực hiện chuẩn nghèo mới. Thủ tướng cũng yêu cầu khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định về chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách xóa đói, giảm nghèo và hỗ trợ đồng bào dân tộc để Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trong thời gian tới./.