Nguyễn Đăng Cảo còn có tên gọi là Đăng Hạo, người xã Hoài Bão, huyện Tiên Du (nay là thôn Hoài Bão, xã Liên Bão, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh). Đăng Cảo là anh của Nguyễn Đăng Minh (tiến sĩ khoa Bính Tuất 1646), bác của Nguyễn Đăng Tuân (tiến sĩ khoa Quí Sửu 1673) và Nguyễn Đăng Đạo (trạng nguyên khoa Quí Hợi 1683).

Năm 28 tuổi, Đăng Cảo đỗ Đình nguyên, đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ tam danh (thám hoa) khoa thi Bính Tuất, niên hiệu Phúc Thái 4 (1646) đời Lê Chân Tông.

Cùng khoa thi này, em ruột ông là Nguyễn Đăng Minh cũng đỗ tiến sĩ. Sau đó ông lại đỗ đầu khoa Đông các, được bổ chức Đông các Đại học sĩ năm 1659.

Theo sách “Bắc Ninh địa chí” thì: Nguyễn Đăng Cảo hồi trẻ có tài lạ, truyện đọc một lần là nhớ, đương thời gọi là thần đồng. Thi Hương, thi Hội, thi Đình, thi Đông các, ông đều đỗ đầu. Đi sứ sang nhà Thanh nổi tiếng, được triều đình nhà Thanh khen ngợi và phê tặng danh hiệu “khôi nguyên”.

Năm Kỷ Mùi, triều Phúc Thái, ông hộ tống đoàn đi sứ nhà Thanh đến Lạng Sơn, sứ nhà Thanh ra đối rằng:

Điểu nhập phong, thực tận trùng nhi hoá phượng, tức là “Chim vào gió, ăn hết sâu mà hóa phượng”, (chữ Phượng gồm chữ Điểu viết trong chữ Phong).

Đăng Cảo đối lại:

Nhân cư nhân trắc, đả phi thạch dĩ thạch tiên, tức là “Người ở cạnh núi, đẽo đá để thành tiên”, (chữ Nham bỏ chữ Thạch, đứng bên cạnh chữ Nhân thành chữ Tiên).

Khi đoàn sứ đi đến cửa ải, trời hửng nắng sau khi một tuần mưa dầm, sứ Tàu mang sách ra phơi, Đăng Cảo cũng kê ghế, rải chiếu nằm phơi bụng, sứ Tàu hỏi tại sao, ông đáp: “Sứ thần thượng quốc phơi sách, tôi phơi bụng”. Sứ thử tài, nói: “Sách Đại học bản chính bị đốt mất, phiền ngài viết lại cho”. Đăng Cảo viết lại từ chính văn đến chú giải lớn, nhỏ, như bản gốc. Sứ kinh ngạc nói: “Năm trước Thái sư (bên Tàu) tâu vua: “Sao Văn Khúc giáng ở nước Nam!”, quả đúng như vậy”.

Tiếng đồn đến vua nhà Thanh, vua Thanh muốn thử, bảo ông làm bài phú giải thích cho chư hầu về việc róc tóc. Ông làm xong ngay và đệ trình. Vua Thanh hết lời khen ngợi và phê rằng: “lời gọn, ý tận và sâu sắc, phong thêm là Khôi nguyên Bắc Triều”.

Sau, nhà Thanh lại đưa thư bắt ta nộp giường đồng một cái, 100 ông già đầu bạc, 100 người con gái tóc dài. Các quan không biết xử trí ra sao, ông liền nói: “Bắc Triều loạn đã lâu, chi dùng không đủ nên đòi ta”.

Đền thờ Nguyễn Đăng Cảo tại làng Hoài Bão, xã Liên Bão (Tiên Du, Bắc Ninh).

Đăng Cảo đáp với triều đình Thanh: “Xin 100 gốc lúa, 100 thúng muối, 100 con dê cái, để nộp”. Người nhà Thanh thấy vậy kính phục, họ lại đưa 10 vuông gấm, đòi may thành các loại áo xiêm, khăn, chăn, màn.Ông xin may một áo cổ dài, ống tay to và một cái quạt, trong đề mấy câu rằng “Mặc trên là áo, trang điểm ở dưới là xiêm, có dòng là khăn, có ống là túi, khoanh đầu là mũ, buông xuống có thể là màn, cho mình là chăn, vài xấu có thể trải giường”. Nhà Thanh bấy giờ kính phục và than rằng: “Địa linh, nhân kiệt đời nào cũng có, nhưng vượt trội hơn cả từ nay về sau chỉ có một Đăng Hạo”./.