Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, phát biểu tại Hội thảo Vai trò mới của DNNN trong nền kinh tế, kinh nghiệm và bài học cho Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Văn phòng cựu Thủ tướng Anh Tony Blair (OTB) tổ chức sáng nay tại Hà Nội.

Mọi cải cách đều khó khăn

Bộ trưởng nhấn mạnh: "Cải cách không có phản đối không phải là cải cách, vì nó không đụng chạm đến ai cả. Chính phản đối mới làm cải cách tốt hơn vì phản đối tức là chúng ta đang đổi mới, còn cái gì đưa ra ai cũng gật thì chưa có gì đổi mới cả".

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh và ông Tony Blair

Đồng tình với nhận định của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, cựu Thủ tướng Anh, ông Tony Blair cũng cho biết: Khi tôi còn ở Chính phủ, nếu không có chống đối là cải cách kém, không la hét phản đối cũng phải xem lại, đề xuất đó không phải hay”.

Ông nhận xét, tất cả các thay đổi đều khó khăn, vì khi thay đổi một hệ thống bao giờ cũng có người không thích sự thay đổi đó. Có người tin rằng, nếu họ làm việc cho DNNN thì sẽ ổn định và chắc chắn hơn. Tuy nhiên các bằng chứng cho thấy, cải cách DNNN đã dẫn tới thu hút nhiều đầu tư FDI, làm tăng sức mạnh cho nền kinh tế.

Hợp tác giữa Văn phòng Tony Blair với Việt Nam bắt đầu từ năm 2012. Đến năm 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã quyết định giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư là đầu mối hợp tác giữa Văn phòng Tony Blair và Việt Nam. Văn phòng Tony Blair đặt tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư từ năm 2013 đến nay. Từ tháng 4/2014-4/2015, hai bên đã triển khai dự án hợp tác, tập trung nghiên cứu nhiều vấn đề, và đi sâu vào ba nội dung chính: Một là, học tập kinh nghiệm quốc tế và đặc thù Việt Nam trong cải cách DNNN; Hai là, hợp tác về nghiên cứu kinh nghiệm, triển khai thí điểm mẫu mô hình đầu tư PPP trong xây dựng kết cấu hạ tầng ở Việt Nam; Ba là, hợp tác nâng cao, cải thiện chất lượng trong thu hút FDI vào Việt Nam. Sau khoảng 10 tháng triển khai, dự án đã có nhiều kết quả quan trọng, điển hình như việc Văn phòng Tony Blair đã tham gia trực tiếp vào xây dựng Nghị định về PPP được thông qua vào tháng 2 vừa qua.

Cải cách thực chất để phát huy hiệu quả

Theo ông Tony Blair, vấn đề đặt ra hiện nay là, Việt Nam tiếp tục phát huy tiến bộ thế nào để tạo ra thịnh vượng, có nhiều cơ hội hơn nữa trong những năm tới. Ông cho rằng chính công cuộc cải cách DNNN sẽ đóng góp một phần trong sự thay đổi đó.

‘’Đổi mới là tất yếu và thường xuyên, giống như một cơ thể thì cũng có tế bào mới sinh ra và tế bào chết đi’’, Bộ trường Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.

Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện các hiệp định thương mại tự do mới, nhờ đó doanh nghiệp có thể tiếp cận các cơ hội mới. Và để làm được điều này, thì kinh nghiệm cho thấy phải đổi mới, sáng tạo và tư nhân hóa DNNN. Tất nhiên, không phải mọi công cuộc tư nhân hóa đều hiệu quả và tốt nhất nhưng nhìn chung, nếu học được cách tư nhân hóa tốt nhất sẽ là hiệu quả.

Trong 20 năm qua, Việt Nam đã cải cách từ 12.000 DNNN năm 1990 hiện xuống còn 5.600. Và cho tới nay, chỉ còn 800 doanh nghiệplà 100% vốn nhà nước, còn lại đều cổ phần hóa ở mức độ khác nhau. Tuy vậy, DNNN vẫn được giao quản lý tài sản hết sức lớn, trên 3 triệu tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước chiếm khoảng 1,1 triệu tỷ đồng, đây là một con số không nhỏ. Các DNNN đã tham gia, chi phối nhiều ngành lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế. Mặc dù chỉ chiếm 1% tổng số doanh nghiệpcủa cả nước, nhưng với lợi thế và lịch sử để lại, nên khối doanh nghiệp này vẫn đang chi phối và đóng góp tới 85% sản lượng và xăng dầu, 90% dịch vụ viễn thông, 56% dịch vụ tài chính dịch vụ… Song, hiệu quả hoạt động của DNNN vẫn còn nhiều tranh cãi.

Đối với vấn đề cổ phần hóa các DNNN ở Việt Nam, nếu nhìn vào số lượng thì có vẻ thành công, nhưng đi sâu lại thấy có vấn đề. Tỷ trọng cổ phần hóa còn thấp, có nơi chỉ khoảng 5%, đặc biệt ở những tập đoàn lớn. Cổ phần hóa có đi vào thực chất, làm sao có nhiều cổ đông và có thể thay đổi quản trị và chất lượng doanh nghiệp thì lúc đó cổ phần hóa mới có hiệu quả.

Ông Tony Blair cho rằng, chúng ta không cần nhiều người thúc đẩy cải cách, nhưng cần người đúng vị trí để đẩy mạnh quá trình đó, khi gặp cản trở phải biết cách vượt qua. DNNN bản thân nó không tạo ra thay đổi được, phải có mô hình hợp tác công tư, FDI, quản lý nhà nước… mới thay đổi được./.