Hội thảo “Từ MDGs tới SDGs: Kế thừa thành tựu của Việt Nam cho Chương trình Nghị sự Phát triển sau năm 2015” đã diễn ra ngày 17/4 với sự tham dự của Thủ tướng Na Uy - bà Erna Solberg, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và đại diện nhiều cơ quan Liên hợp quốc, đại sứ quán các nước.

Theo báo cáo thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDGs) toàn cầu 2014 của Liên hợp quốc, kết quả thực hiện MDGs là hết sức khả quan với việc hoàn thành tốt các mục tiêu về xóa đói nghèo cùng cực, tiếp cận nguồn nước sạch, bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục. Song bên cạnh đó, còn một số lĩnh vực MDGs tiếp tục gặp khó khăn, như: mục tiêu giảm tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh và bà mẹ, phổ cập giáo dục tiểu học và bền vững về môi trường.

Ở cấp độ quốc gia, mô hình thực hiện MDGs của Việt Nam với việc nội địa hóa các mục tiêu thiên niên kỷ và lồng ghép toàn diện các mục tiêu này vào chiến lược kế hoạch phát triển kinh tế xã hội đã được Liên hợp quốc và nhiều quốc gia trên thế giới ghi nhận, đánh giá cao.

Trong phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, sau nhiều nỗ lực và nhờ sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, thì nhiều mục tiêu của MDGs đã được Việt Nam về đích trước và đang nỗ lực để phấn đấu cơ bản hoàn thành mục tiêu trong năm 2015, tạo đà cho bước tiếp theo.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, phương châm của Việt Nam là đặt con người làm mục đích, là trung tâm của sự phát triển. Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng yếu tố con người và đặc biệt chú trọng ưu tiên đầu tư cho giáo dục, y tế và các dịch vụ xã hội khác cho mọi người dân, đặc biệt là cho trẻ em, phụ nữ, người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng gặp khó khăn.


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: chinhphu.vn)

Từ thực tiễn của Việt Nam, có thể nói rằng, Chương trình thực hiện các mục tiêu MDGs là đóng góp thiết thực nhất, ý nghĩa nhất cho công tác xóa đói, giảm nghèo trên thế giới. Tuy nhiên, không ít nơi trên thế giới vẫn còn đó những nguy cơ xung đột, thậm chí chiến tranh và còn xuất hiện rất nhiều yếu tố mới mang tính chất toàn cầu như dịch bệnh, thay đổi khí hậu, thiên tai... Những điều đó càng làm cho các nước nghèo khốn khó hơn.

Để cho thế giới có hòa bình, để không còn đói nghèo chúng ta cần sự chung tay của cộng đồng thế giới. Với ý nghĩa đó, Phó Thủ tướng cho biết, Việt Nam hoan nghênh và hết sức ủng hộ, đồng hành cùng với sáng kiến về Chương trình Nghị sự Phát triển sau năm 2015 của Liên hợp quốc. Các cơ quan của Việt Nam đã đang và sẽ nỗ lực xây dựng được mục tiêu, quan trọng hơn là cách tiếp cận và giải pháp, hoạt động thiết thực phù hợp với điều kiện của các nước đang phát triển.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tin tưởng rằng, với nỗ lực và cam kết của chính phủ các nước và Liên hợp quốc, của các tổ chức quốc tế, thì mục tiêu phát triển thiên niên kỷ sẽ tiếp tục được củng cố và sẽ sớm thống nhất Chương trình Nghị sự Phát triển sau năm 2015 với các mục tiêu cơ bản là phát triển bền vững.

Trong phát biểu của mình, Thủ tướng Na Uy, đồng thời là Chủ tịch nhóm vận động MDG cấp cao của Tổng thư ký Liên hợp quốc, bà Erna Solberg cho biết vô cùng ấn tượng trước những kêt quả mà Việt Nam đạt được trong việc thực hiện MDGs. Bà Erna Solberg đánh giá, Việt Nam không chỉ giảm đói nghèo, cải thiện về y tế, giáo dục khi thực hiện MDGs, mà còn là nguồn cảm hứng cho các cuộc thảo luận về phát triển trên toàn cầu.


Thủ tướng Nauy Erna Solberg (Ảnh: chinhphu.vn)

Đề cao bài học từ Việt Nam trong việc thực MDGs, Bà Erna Solberg cho rằng các nước khác nên học hỏi Việt Nam trong lĩnh vực này. Bà nói: “Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã kết hợp tốt giữa chính sách và nguồn lực để phát triển, giúp cho 30 triệu dân thoát nghèo trong 20 năm qua.”

Chia sẻ về cách tiếp cận và các hoạt động chuẩn bị cho SDGs, bà Erna Solberg cho biết, Na Uy ưu tiên đạt được các mục tiêu về giảm tỷ lệ tử vong ở bà mẹ khi sinh, tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh và tăng cường tuyên truyền sức khoẻ tình dục và sức khoẻ sinh sản. Đặc biệt, Na Uy tiếp tục chú trọng vào giáo dục và y tế và sẽ tăng gấp đôi tài trợ cho các nước trên thế giới trong 2 lĩnh vực này. Bà Erna Solberg cho rằng, đầu tư cho trẻ em chính là đầu tư tốt nhất mà chúng ta có thể thực hiện. Na Uy cũng quan tâm đến bình đẳng giới, đây không chỉ là vấn đề nhân quyền mà còn có ý nghĩa về mặt kinh tế.

Các mục tiêu SDGs sẽ phổ cập trên toàn cầu và áp dụng trong mọi quốc gia, sau năm 2015 chúng ta cần tập trung vào tính bền vững trong các lĩnh vực. Thủ tướng Erna Solberg đưa ra thông điệp: “Chúng ta có trách nhiệm bảo vệ hành tinh của chúng ta, chúng ta cần tăng cường nỗ lực nhằm thúc đẩy bình đẳng, phát triển dành cho mọi người... Chúng ta cần tập trung vào các nhóm dễ bị tổn thương, các nhóm bị ảnh hưởng do xung đột và khủng hoảng, những nhóm đang bị gạt ra ngoài lề. Chúng ta phải làm mọi thứ có thể trong khả năng để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau”./.

Kể từ khi các mục tiêu MDGs được phê duyệt đến nay, thế giới đã trở nên liên kết và phức tạp hơn. Tầm nhìn sau năm 2015 của SDGs có tham vọng lớn hơn nhiều và kêu gọi không để ai bị bỏ rơi. Báo cáo của Tông thư ký Liên hợp quốc “Con đường tới chân giá trị vào năm 2030: chấm dứt tình trạng nghèo đói, biến đổi cuộc sống của mọi người và bảo vệ hành tinh” công bố vào tháng 12/2014 khuyến nghị thông qua 17 mục tiêu SDGs do nhóm công tác bao gồm 70 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam đề xuất. Các mục tiêu đề xuất bao trùm nhiều lĩnh vực từ xóa đói nghèo, đạt được sự thịnh vượng, công bằng và bền vững, đến bảo vệ môi trườn và thúc đẩy xã hội hòa bình và hội nhập.