Đây là con số được Tổng Thanh tra Nhà nước Huỳnh Phong Tranh cho biết trong cuộc phỏng vấn trên Báo điện tử Chính phủ.

Ông Tranh cho biết, từ năm 2011-2014, ngành Thanh tra đã triển khai thực hiện được 34.553 cuộc thanh tra hành chính, 476.928 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và phát hiện nhiều vi phạm về kinh tế.

Ngành đã kiến nghị thu hồi 111.791 tỷ đồng và 18.714 ha đất; lập biên bản, ban hành 839.399 quyết định xử phạt vi phạm hành chính 27.472 tỷ đồng; xử lý khác 56.230 tỷ đồng; đã kiến nghị xử lý kỷ luật 6.055 tập thể, 22.516 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 269 vụ, 323 người...

Tuy nhiên, số vụ việc tham nhũng chuyển cơ quan điều tra còn ít; tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản chưa cao.

Nguyên nhân của vấn đề này, theo ông Huỳnh Phong Tranh là do một số quy định của pháp luật còn bất cập, kể cả quy định của pháp luật về thanh tra và pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân là hình thức tham nhũng ngày càng tinh vi, rất khó phát hiện; các tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin về các dấu hiệu tham nhũng còn mức độ.
Chưa kể đến nguyên nhân chủ quan là do công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động thanh tra có lúc, có nơi chưa quyết liệt.

“Trình độ, năng lực của một số công chức thanh tra thực hiện nhiệm vụ còn hạn chế; thời gian và nghiệp vụ thanh tra còn chưa đủ để chứng minh, xác định hành vi tham nhũng”, ông Tranh thẳng thắn.

Trong năm 2015, ông Huỳnh Phong Tranh cho biết, hoạt động thanh tra chuyên ngành sẽ chú trọng thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về kỹ thuật, quy tắc quản lý ngành, lĩnh vực của các tổ chức, cá nhân, nhất các lĩnh vực mà dư luận quan tâm.
Về lĩnh vực cụ thể, năm 2015, Thanh tra Chính phủ sẽ tập trung thanh tra công tác phòng chống buôn lậu; thuế xuất khẩu, nhập khẩu; quản lý mua sắm tài sản; quản lý sản xuất và nhập khẩu trang thiết bị y tế và công trình y tế; quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai; quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản; quản lý, sử dụng vốn ngân sách nhà nước tại một số doanh nghiệp và các chương trình mục tiêu; thanh tra công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản và một số dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, nguồn vốn ODA, nguồn vốn ngân sách nhà nước...

Cũng trong năm 2015, ngành Thanh tra cũng tập trung tham mưu cho các cấp, các ngành triển khai đồng bộ và có hiệu quả hơn đối với các giải pháp phòng ngừa tham nhũng. Trong đó, trọng tâm là việc công khai, minh bạch các hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, gắn với nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính theo hướng giảm bớt khó khăn, phiền hà của các tổ chức, cá nhân gắn với xây dựng môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh.

“Cũng trong năm nay, Thanh tra Chính phủ sẽ tập trung tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng để tiến tới nghiên cứu việc sửa đổi toàn diện và luật hóa những quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng phù hợp với Việt Nam, đồng thời đề xuất những giải pháp đột phá bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác phòng, chống tham nhũng… nhằm thực hiện được mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng”, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết thêm./.