Hoàn thành vượt mức kế hoạch, nhưng chưa thực bền vững

Tổng kết 6 năm thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP, ngày 27/12/2008, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết nguồn lực phân bổ và huy động hỗ trợ các huyện nghèo theo Chương trình 30a trong 6 năm (chưa kể kinh phí thực hiện các chính sách giảm nghèo chung như mua thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ giáo dục, hỗ trợ nhà ở…) là 20.189 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 17.051 tỷ đồng, ngân sách địa phương 2.000 tỷ đồng, hỗ trợ của các doanh nghiệp là 3.138 tỷ đồng.

“đến cuối năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo bình quân của 62 huyện nghèo đã giảm xuống còn 35% theo chuẩn nghèo cũ (bình quân giảm 5%/năm), đạt mục tiêu đề ra là giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống mức dưới 40%. Trong đó có 40/62 huyện đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2010 xuống dưới 40%; chỉ còn 22 huyện thuộc 6 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo trên 40% là Yên Bái, Điện Biên, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam và Ninh Thuận”.

Trong giai đoạn 2011-2014, các huyện nghèo cơ bản đều đạt mức giảm bình quân khoảng 6%/năm, cao hơn mục tiêu 4% của Nghị quyết 30a.

Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã nêu rõ “đến cuối năm 2014, tỷ lệ nghèo bình quân của 64 huyện nghèo còn cao gấp 5,5 lần so với tỷ lệ bình quân của cả nước. Tại một số huyện, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao trên 50%, cá biệt có huyện cao trên 60-70%”.

Điều này cho thấy kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh nhưng tỷ lệ hộ cận nghèo lại tăng; số hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm hơn 90% tổng số hộ nghèo chung tại các huyện nghèo (do trên địa bàn chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số); hệ thống vật chất cơ sở hạ tầng đã được quan tâm đầu tư nhưng chưa đáp ứng nhu cầu của người dân và địa phương, cơ cấu sản xuất, cơ cấu lao động chuyển dịch chậm....

Đến nay, tuy có 8 huyện tỷ lệ hộ nghèo đã đạt mức ngang bằng với tỷ lệ nghèo chung của tỉnh nhưng hạ tầng cơ sở, nhất là giao thông, sản xuất và đời sống vẫn còn nhiều khó khăn.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết, đánh giá 6 năm thực hiện Nghị quyết số 30a

Giảm bớt cho không, tăng cho vay, hỗ trợ vốn cho hộ nghèo

Nhấn mạnh giảm nghèo nhanh và bền vững là một nhiệm vụ trọng tâm được Chính phủ thường xuyên quan tâm chỉ đạo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định “tinh thần chung trong thời gian tới là phải thực hiện tốt hơn nữa Nghị quyết 30a để tập trung giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo nhất, khó khăn nhất của cả nước”.

Theo đó, các bộ, ngành theo chức năng, trách nhiệm của mình đều phải đặc biệt quan tâm đến nhiệm vụ này. Các địa phương cũng phải đưa mục tiêu giảm nghèo vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp với mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách theo hướng chính sách nào trùng lặp, kém hiệu quả thì loại bỏ; những chính sách nào đúng, phù hợp thì tiếp tục khẳng định; chính sách nào thấy cần bổ sung để làm tốt hơn thì tiến hành bổ sung.

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh việc các bộ, ngành đề nghị giảm bớt cho không là đúng, nhưng có khía cạnh vẫn phải tiếp tục duy trì, ví dụ như hỗ trợ hộ nghèo trong thời kỳ giáp hạt. Bên cạnh đó phải tăng tín dụng cho vay, mở rộng đối tượng cho vay để hỗ trợ hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo làm kinh tế.

“Đây chính là cho "cần câu" giúp hộ nghèo có phương tiện thoát nghèo”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành hữu quan tiếp tục cân đối, đảm bảo tăng cường nguồn lực của Trung ương trong trung hạn dành cho chương trình; đề nghị các địa phương cũng quan tâm dành nguồn lực của địa phương theo thẩm quyền cho thực hiện chương trình giảm nghèo; lồng ghép hiệu quả chương trình giảm nghèo với các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội khác, kiểm soát tốt các nguồn lực đầu tư. Tiếp tục quan tâm, huy động nguồn lực từ các nguồn khác để tăng tín dụng cho thực hiện chương trình giảm nghèo.

“Việc cố gắng tăng thêm nguồn lực, song phải đi liền với sử dụng hiệu quả nguồn lực cho triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững”. Do vậy, Thủ tướng nhắc nhở các bộ, ngành, địa phương trong khâu tổ chức thực hiện phải làm tốt việc kiểm tra, thanh tra, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ, xử lý những vướng mắc phát sinh trong triển khai thực hiện các chính sách giảm nghèo./.