“Các cháu cứ yên tâm ôn tập”

Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm đó là kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 đang tới gần. Đại biểu Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội) đặt câu hỏi “Năm ngoái kỳ thi là do các tỉnh làm kết quả cao, năm nay do các cơ sở giáo dục đại học chủ trì, liệu tỷ lệ tốt nghiệp có thấp đi?”

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Luận cho biết: “Chúng tôi quan niệm quá trình thi cử cũng là một hoạt động giáo dục nghiêm túc, chúng ta không thể để chỗ cho sự không trung thực, gian lận trong thi cử phá hoại ảnh hưởng đến giáo dục nhân cách của các cháu. Còn đã là thi tốt nghiệp phổ thông phải là phần lớn các cháu, chứ không thể có sự thay đổi đột ngột ở đây được”.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh “Các cháu cứ yên tâm ôn tập, làm bài một cách cố gắng nhất. Các thầy cô luôn mong chờ, trân trọng ghi nhận những kết quả của các cháu. Không để những cú sốc lớn trong quá trình triển khai, vì mục tiêu của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo không phải là tạo ra cú sốc, mà tạo ra sự biến chuyển về chất lượng tốt lên”.

Bên cạnh đó, trả lời băn khoăn của các đại biểu về vấn đề bạo lực học đường diễn ra ngày càng nhiều, trong khi hạnh kiểm của phần lớn các học sinh vẫn được đánh giá là tốt, Bộ trưởng cho biết :“Về nguyên nhân trong nhà trường, Bộ có theo dõi, khảo sát và làm việc với Bộ Công an, thì thấy có vấn đề liên quan đến phương thức giáo dục thời gian qua quá chú trọng việc dạy chữ, truyền thụ kiến thức cho các cháu. Nhiều môn học liên quan đến giáo dục đạo đức, trang bị các cháu hiểu biết về lòng yêu nước, đối nhân xử thế trở thành môn văn hoá, cũng như những môn toán, lý, hoá. Điều này dẫn đến việc các cháu phát triển mất cân đối”.

Do vậy, Đề án Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã chuyển từ phương thức giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức một chiều sang chú ý phát triển năng lực phẩm chất, chú ý nhiều hơn hỗ trợ, tạo điều kiện các cháu hình thành thói quen, kỹ năng tự học, có kỹ năng trải nghiệm thực tế hình thành năng lực, phẩm chất đúng như chúng ta mong muốn.

“Tóm lại, thực hiện thật tốt nội dung trong Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 và Nghị quyết số 88/2014/QH13, ngày 28/11/2014 của Quốc hội là giải pháp căn cơ nhất để giải quyết nạn bạo lực học đường” - Bộ trưởng khẳng định.

Chính sách miễn giảm ngành sư phạm đã “hết thời”

Có nhiều băn khoăn về vấn đề thu hút nhân lực giỏi cho ngành giáo dục, đại biểu Phạm Thị Chung (Kon Tum) đặt câu hỏi: “Một trong số giải pháp nâng cao chất lượng nhà giáo là đào tạo lại, thực tế học sinh chọn học ngành sư phạm ngày càng ít, thậm chí trong một cuộc khảo sát có trên 50% giáo viên được hỏi đã trả lời không chọn nghề nhà giáo nếu được chọn lại, đào tạo lại có là giải pháp căn cơ để nâng cao chất lượng đào tạo?”

Về vấn đề này, ngay từ khi bắt đầu trả lời phiên chất vấn, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã khẳng định, việc thực hiện đổi mới giáo dục, cụ thể là đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông, đổi mới thi cử, đánh giá, cũng như đổi mới quản lý trong nhà trường, đổi mới quản lý ngành đều cần nhiều giải pháp đồng bộ, cùng song song thực hiện. Tuy nhiên, yếu tố con người trong công cuộc đổi mới luôn quan trọng nhất.

“Cụ thể trong các nhà trường, muốn đổi mới, thì yếu tố giáo viên phải được đặt ra như một nhiệm vụ quan trọng nhất. Vì vậy việc đổi mới đào tạo giáo viên trong các trường sư phạm, đào tạo lại, bồi dưỡng giáo viên đang làm việc trong các nhà trường phổ thông là việc mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phải tiến hành cùng với việc đổi mới nội dung chương trình sách giáo khoa phổ thông, đổi mới thi cử, đánh giá” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Phân tích rõ hơn về chính sách thu hút nhân tài cho ngành giáo dục, Bộ trưởng cho biết: “15 năm trước, bằng chính sách miễn giảm học phí cho sinh viên học trường sư phạm, các trường đã thu hút được học sinh ưu tú mà chúng tôi gọi là “thế hệ 3 con 9” (điểm sàn vào các trường sư phạm là 27 điểm). Sau này, do kinh tế phát triển, thu nhập người dân tăng lên, chính sách miễn giảm học phí không đủ sức thu hút người giỏi. Cộng với chính sách Chính phủ hỗ trợ cho sinh viên vay tín dụng đi học, miễn giảm học phí, học bổng, các cháu có điều kiện tính toán lựa chọn nhiều hơn.

“Việc làm, thu nhập tương lai mới là những điều quyết định đến lựa chọn của các cháu có vào trường sư phạm hay không” - Bộ trưởng nhận định.

Về giải pháp, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đề nghị Quốc hội quan tâm để hỗ trợ triển khai quy định chiến lược đã được ghi trong Nghị quyết số 29-NQ/TW là chế độ tiền lương được ưu đãi ở bậc cao nhất. Khi đó, các thầy cô giáo cũng được động viên về mặt tinh thần. Đồng thời, đề nghị Quốc hội tiếp tục bàn luận đến những chính sách thu hút nhân tài cho ngành giáo dục thời gian tới./.