Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Tham nhũng còn nghiêm trọng và diễn biến phức tạp

Là người đầu tiên đặt câu hỏi chất vấn Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) đã đề cập ngay đến một vấn đề rất “nóng” đã và đang khiến dư luận rất quan tâm. Đó là vấn đề tham nhũng.

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng cho biết, trong thời gian qua, chúng ta đã làm rất quyết liệt, đạt được nhiều thành quả tích cực trên nhiều mặt, nhưng kết quả chưa đáp ứng được yêu cầu.

Thừa nhân tham nhũng còn nghiêm trọng và diễn biến phức tạp, Phó Thủ tướng cho hay, năm 2014, đã điều tra khám phá xét xử 256 vụ với 593 bị can, như vậy tăng 25 vụ và 25 bị can.

Tài sản thu hồi, vừa qua Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã họp đưa ra một con số, mà các cơ quan đã báo cáo, tài sản thu hồi năm 2013 đạt trên 10%, nhưng tài sản thu hồi năm 2014 với nhiều vụ án lớn đạt trên 22%.

Để hạn chế tham nhũng, theo Phó Thủ tướng, trước hết, cần thực hiện 8 biện pháp mà đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng đã đưa ra.

Hai là, phải tiếp tục xây dựng thể chế phòng, chống tham nhũng.

Ba là, điều tra, truy tố, xét xử, thanh tra kiểm toán để phát hiện những trường hợp tham nhũng, xét xử nghiêm các trường hợp tham nhũng đã được phát hiện, đặc biệt là xây dựng thể chế để làm sao không thể, không nên, không dám tham nhũng trong thời gian đến.

“Cùng với các biện pháp khác như tuyên truyền vận động nhân dân, hợp tác quốc tế và quan trọng phát huy vai trò cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc trong việc phát hiện các đối tượng tham nhũng để làm nghiêm”, Phó Thủ tướng nói.

Chính phủ hoan nghênh thái độ nghiêm túc của Hà Nội

Đề cập việc chặt hạ cây xanh ở Hà Nội và lấp sông Đồng Nai làm dự án gây bất bình dư luận, đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho biết, cử tri đặt câu hỏi có hay không việc đặt lợi ích doanh nghiệp lên trên lợi ích cộng đồng và đề nghị Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá trách nhiệm của địa phương trên, Chính phủ đã chỉ đạo xử xử lý như thế nào?

Về vấn đề thay thế cây xanh ở Hà Nội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Thủ đô có trên 1.000 tuyến phố có cây xanh hai bên. Sau khi có dư luận về việc chặt cây xanh, Thủ tướng đã có chỉ đạo kiểm tra, Thanh tra Cính phủ cũng vào cuộc. Thành ủy, UBND TP Hà Nội cũng chủ động thành lập đoàn thanh tra, làm rõ.

Theo đó, việc chặt cây ở đường Nguyễn Trãi, tức là đường Hà Nội - Hà Đông là vì làm đường sắt trên không. Theo Luật Đường sắt, thì phải chặt để đảm bảo an toàn trong hành lang 15 đến 18 mét.

Còn tuyến Nguyễn Chí Thanh đã chặt để cải tạo hàng cây này theo Đề án trồng mới thay thế các cây hư hỏng, ngã đổ.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ, việc làm đề án còn sơ sài. Trong quá trình triển khai thực hiện có những sai sót nhất định, như: không công khai dân chủ, không bộc bạch với dân, không hỏi ý kiến chuyên gia.

“Ví dụ người ta chặt cây phải là buổi tối, dân không hiểu tại sao lại chặt buổi tối, họ nghĩ thế này thế khác”, Phó Thủ tướng chân tình.

Nhưng, điều quan trọng thành phố Hà Nội đã rút ra kết luận và đã báo cáo với Chính phủ và Trung ương, đó là tổ chức kiểm điểm nghiêm túc các tổ chức, cá nhân vi phạm, khuyết điểm trong quá trình chỉnh sửa nâng cấp cây xanh Hà Nội, mà chủ yếu là tuyến Nguyễn Chí Thanh.

Về sông Đồng Nai, theo dư luận của báo chí nêu, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo và cử đoàn thanh tra liên ngành do Bộ tài nguyên môi trường trực tiếp vào tìm hiểu tận Đồng Nai xem xét hiện trường.

Đồng thời, Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội đã cử đoàn xuống phối hợp để xem xét thực tế.

Kiến nghị chính thức của đoàn thanh tra liên ngành do đồng chí Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Chính phủ đó là tạm dừng dự án lấp sông Đồng Nai để xem việc chắn dòng 100 mét, 70 mét, 50 mét, như vậy có ảnh hưởng đến dòng chảy không, có gây xói lở không, có ảnh hưởng đến các tỉnh, 6 tỉnh chung quanh không?

“Hiện nay, Chính phủ đã giao đoàn thanh tra này tiếp tục làm việc với tỉnh Đồng Nai và các cơ quan chức năng để xem tác động môi trường của dự án này và báo cáo với Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định”, Phó Thủ tướng cho biết.

Cần chọn người tài vào bộ máy nhà nước

Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) lại tập trung chất vấn con người, bởi theo đại biểu này, thành hay bại của mọi chủ trương, chính sách đều từ con người, do con người.

“Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, dư luận xã hội và cử tri rất bất bình về một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước có những hành vi vòi vĩnh, nhũng nhiễu, quan cách, hách dịch, vô cảm, vô tâm, xa dân gần quan, lệch chuẩn trong văn hóa ứng xử với người dân. Tự đánh mất năng lực lắng nghe và năng lực tiếp thu, quên hẳn trong bộ nhớ hai từ cảm ơn và xin lỗi khi thực thi công vụ”, ông Tiến đặt thẳng thắn.

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng cho rằng, đây thuộc về đạo đức công vụ, Quốc hội đã có Luật Công chức, Luật Viên chức, chúng ta đã có 18 nghị định để hướng dẫn vấn đề này, yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện nghiêm những quy định của Đảng, Nhà nước về đạo đức công vụ đối với Nhân dân.

“Sắp tới, Chính phủ sẽ có một số biện pháp thanh tra, kiểm tra, đổi mới chế độ chính sách công vụ như mô tả việc làm, giảm biên chế, đặc biệt tổ chức thi tuyển để tìm những cán bộ tốt phục vụ Nhân dân. Đi liền với nó là tăng cường kỷ cương, kỷ luật, đánh giá, bình chọn một cách kịp thời để đưa những cán bộ không đủ tiêu chuẩn, đạo đức, năng lực, không phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của mình ra khỏi bộ máy trong thời gian đến để làm sao bộ máy trong sạch phục vụ nhân dân”, Phó Thủ tướng cho biết.

Thừa nhận, còn về tình trạng công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp về”, Phó Thủ tướng cho biệt: “Một mặt, chúng ta phải có giải pháp, quản lý, giáo dục, kỷ luật, lao động. Đặc biệt làm tốt việc mô tả việc làm mà chủ trương cải cách công vụ hiện nay. Đồng thời qua giám sát, dân chủ ở cơ sở phát hiện nhưng cán bộ như vậy để đưa ra khỏi bộ máy công quyền của chúng ta. Còn vấn đề tỷ lệ bao nhiêu chúng tôi cũng chưa nắm một cách chắc chắn nhưng lần trước có nói dư luận xã hội nói như vậy, không phải là Phó Thủ tướng nói. Nhưng báo cáo của các bộ tỷ lệ này thấp. Nhân đây đề nghị các địa phương và đặc biệt các đồng chí các bộ, các ngành rà soát đội ngũ của mình để sớm hạn chế tối đa tình trạng sáng cắp ô đi, tối cắp về. Đây cũng là mong mỏi của nhân dân chúng ta để xây dựng đội ngũ cán bộ của chúng ta.

Tôi thấy vừa rồi mình làm một số biện pháp thì thấy có giảm đi. Nghị quyết của Bộ chính trị tinh giảm biên chế thời gian đó thì loại này trước hết phải giảm sớm. Ai giảm? chính hệ thống chính trị, cơ sở các đồng chí, Đảng, chi bộ các đồng chí, lãnh đạo các vụ, phòng các đồng chí phải làm việc này để phát hiện những cán bộ đó, không phải nói chung chung. Tinh thần có giảm nhưng phải giảm mạnh hơn nữa trong thời gian tới mới đáp ứng được yêu cầu của Đảng, của Nhà nước, của nhân dân chúng ta.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cho biết thêm, vừa rồi Chính phủ đã cho thí điểm một số bộ, ngành thi tuyển đến cấp vụ trưởng, tổng cục trưởng, hiệu trưởng trường đại học, một số địa phương đã triển khai. Sau khi nghiên cứu chủ trương thí điểm, Bộ Chính trị đã có kết luận về việc thi tuyển cấp vụ, cấp phòng ở nước ta để tăng cường tính minh bạch, chọn người tài vào bộ máy.

“Đã có chủ trương của Bộ Chính trị về vấn đề này, sắp tới sẽ triển khai mạnh mẽ hơn, đảm bảo làm sao thi cử nghiêm túc, chọn cán bộ có năng lực, có phẩm chất vào bộ máy”, Phó Thủ tướng khẳng định./.