Diễn biến nguy hiểm của dịch bệnh

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, MERS-CoV do vi rút Corona mới lần đầu được phát hiện tại Ả rập Xê út vào tháng 9/2012 và đã lây lan sang các nước Pháp, Đức, Italy, Tunisia, Anh. Ngày 17/12/2013 các nhà khoa học Hà Lan và Qatar đã nghiên cứu dựa trên kết quả phân tích gen cho thấy, vi rút có nguồn gốc từ dơi, lây truyền qua lạc đà và từ lạc đà lây nhiễm cho người.

MERS-CoV có thể lây truyền trực tiếp từ người sang người thông qua tiếp xúc gần hoặc qua nước bọt. Việc lây nhiễm sang cán bộ y tế đã được xác định tại một số chùm ca bệnh ở Ả rập Xê út, Jordan. Hiện bệnh MERS-CoV chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu.

Hầu hết bệnh nhân mắc MERS-CoV phát triển bệnh hô hấp cấp tính nặng với các triệu chứng sốt (có thể sốt cao), ho và khó thở. Một số trường hợp có triệu chứng về rối loạn tiêu hóa (như: đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn và nôn).

Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến ngày 15/6, Tổ chức Y tế Thế giới thông báo đã ghi nhận 1.313 trường hợp mắc bệnh tại 26 quốc gia, trong đó có 460 trường hợp tử vong.

Các nước có bệnh nhân nhiễm MERS-CoV chủ yếu thuộc vùng Trung Đông. Tại Ả Rập Xê Út, Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất vẫn ghi nhận thêm các trường hợp mắc mới.

Tại khu vực châu Á, các nước đã phát hiện bệnh là Malaysia, Philippines, Hàn Quốc, Trung Quốc. Đặc biệt, tại Hàn Quốc, trong vòng chưa đầy một tháng, kể từ khi ghi nhận trường hợp nhiễm đầu tiên là ngày 20/5/2015 đến ngày 18/6 đã ghi nhận 165 trường hợp mắc bệnh, trong đó có 23 người tử vong.

Dấu hiệu lâm sàng của bệnh MERS-CoV, gồm: Sốt trên 38°C; Ho; Khó thở, có tổn thương nhu mô phổi (viêm phổi hoặc hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển) dựa trên lâm sàng hoặc hình ảnh XQ tổn thương phổi ở các mức độ khác nhau và kèm theo có hội chứng suy thận cấp.

Những ứng phó của Việt Nam

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến nhanh và có khả năng lây lan sang Việt Nam, Bộ Y tế đã có hàng loạt giải pháp nhằm phòng chống dịch bệnh, cũng như sẵn sàng đưa ra các giải pháp ứng phó nếu xuất hiện bệnh nhân nhiễm MERS-CoV tại Việt Nam.

Ngay trong đầu tháng 6/2015, Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch hành động phòng chống MERS-CoV, nhằm phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh này và xử lý kịp thời không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong.

Theo đó, kế hoạch được chia thành 3 tình huống, gồm: Tình huống 1 là chưa ghi nhận ca bệnh tại Việt Nam (ngành y tế sẽ tập trung vào việc phát hiện sớm ca bệnh tại Việt Nam để xử lý triệt để, tránh lây lan ra cộng đồng và các cán bộ y tế); Tình huống 2 là xuất hiện các ca bệnh xâm nhập vào Việt Nam (ngành y tế sẽ tiến hành khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lân lay ra cộng đồng); Tình huống 3 là dịch lây lan trong cộng đồng (đáp ứng nhanh, khoanh vùng, xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lây lan rộng trong cộng đồng).

Bên cạnh các hoạt động truyền thông, khuyến cáo tới cộng đồng, Bộ Y tế cũng đẩy mạnh việc kiểm soát tình hình dịch bệnh tại các cửa khẩu, hệ thống giám sát cúm trọng điểm quốc gia, tại các bệnh viện và cộng đồng. Tại các cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất đã được tăng cường giám sát, phát tờ khai y tế cho hành khách nhập cảnh từ Hàn Quốc, các nước vùng Trung Đông và thông tin danh sách hành khách về từng địa phương để tiếp tục theo dõi, giám sát và ứng biến kịp thời. Tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế tại trung tâm y tế các quận, huyện và trạm y tế xã, phường về các biện pháp phòng chống dịch, giám sát tại cộng đồng, cơ sở y tế, sẵn sàng kích hoạt mọi hoạt động phòng chống dịch MERS-CoV, ứng phó với các tình huống có thể xảy ra. Thực hiện nghiêm túc công tác phòng hộ cá nhân cho các cán bộ y tế trong việc khám, điều trị, chăm sóc bệnh nhân để tránh lây nhiễm; củng cố và duy trì hoạt động của đội cơ động phòng chống dịch tại đơn vị y tế.

Bên cạnh đó, ngành y tế thiết lập các mạng lưới bệnh viện sẵn sàng điều trị bệnh nhân MERS-CoV; có kế hoạch mở rộng các cơ sở điều trị bệnh nhân theo từng tình huống dịch để tránh quá tải; thực hiện nghiêm ngặt việc phân luồng khám bệnh, cách ly, điều trị, công tác chống nhiễm khuẩn, lây nhiễm chéo tại các bệnh viện; rà soát, cập nhật và bổ sung hướng dẫn chẩn đoán, điều trị MERS-CoV...

Ngày 15/6/2015, tại cuộc họp đánh giá tình hình triển khai hoạt động sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch bệnh MERS-CoV và kế hoạch trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, cả nước đã có bốn đội phản ứng nhanh phòng chống dịch MERS-CoV của khu vực miền Bắc, miền Nam, miền Trung và Tây Nguyên được thành lập, sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh.

Cùng ngày, Bộ Y tế đã có công văn khẩn yêu cầu các địa phương cần phối hợp với Ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp, công trường xây dựng tăng cường tuyên truyền đối với công dân Hàn Quốc và các nước vùng Trung Đông đang lao động, làm việc về các biện pháp phòng chống dịch bệnh MERS-CoV thông qua các hoạt động tổ chức công đoàn cơ sở, các cuộc họp chuyên đề, chương trình phát thanh, tờ rơi, áp phích. Yêu cầu những người trở về từ vùng dịch bệnh phải chủ động khai báo y tế tại cửa khẩu và tự theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày, nếu xuất hiện các dấu hiệu ho, sốt, viêm đường hô hấp phải thông báo ngay cho cơ sở y tế hoặc số điện thoại đường dây nóng.

Ngày 18-19/6, Bộ Y tế đã làm việc với UBND hai thành phố lớn của cả nước là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Theo đó, tại Hà Nội, đã chi 25 tỷ đồng để mua trang thiết bị phòng chống dịch, tổ chức tập huấn và truyền thông cho người dân về dịch bệnh MERS. Các bệnh viện được chỉ định tiếp nhận bệnh nhân MERS đã sẵn sàng, kể cả tính đến trường hợp xấu nhất phải cách ly cả bệnh viện. Hiện các trung tâm y tế đang tổ chức giám sát sức khỏe của hơn 2.000 trường hợp đến từ các quốc gia có dịch...

Tại TP. Hồ Chí Minh, đã có 4 bệnh viện được Bộ Y tế chỉ định thực hiện tiếp nhận, thu dung điều trị cho bệnh nhân nhiễm MERS, bao gồm: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2. Các bệnh viện đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch MERS; xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch; củng cố quy trình chuyên môn điều trị bệnh MERS tại bệnh viện, sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh nguy hiểm này khi có ca bệnh xảy ra. Bên cạnh đó, tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đang được tăng cường các biện pháp chống dịch 24/7, với 4 máy đo thân nhiệt từ xa, 87 nhiệt kế, 780 bộ quần áo chống dịch các loại, 13 máy phun hóa chất khử trùng...