Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì Hội nghị

Nhận diện khó khăn

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận, vẫn còn nhiều vấn đề trong triển khai chính sách, khiến việc chưa đạt tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế ở một số nhóm đối tượng chưa cao.

Cụ thể, tại nhóm tham gia theo hộ gia đình, thủ tục tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình chưa được cải cách triệt để. Người dân thiếu thông tin do hệ thống đại lý bán thẻ bảo hiểm y tế không ổn định, có nơi cán bộ đại lý vừa tập huấn, ký hợp đồng bán thẻ bảo hiểm y tế xong, thì tháng sau đã xin thôi việc.

Với nhóm đối tượng hộ nghèo, người dân tộc thiểu số. Năm 2015, một số xã, huyện được đưa ra khỏi danh sách vùng kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 1049/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 26/6/2014, nên đối tượng này giảm do không được ngân sách nhà nước mua bảo hiểm y tế.

Theo số liệu từ Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, tính đến ngày 31/05/2015, cả nước đã có 64,6 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, tăng 2,7 triệu người, tương đương 4,4 % so với cùng kỳ năm trước, đạt tỷ lệ bao phủ 71,4% dân số.

Mặc dù đã có sự gia tăng về số lượng người dân tham gia bảo hiểm y tế, nhưng hiện nay tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế các địa phương không đồng đều.

“Theo khảo sát của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, đến hết 31/5, có 31 địa phương có tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt dưới 70% dân số toàn tỉnh, trong đó có đến 15 tỉnh, thành phố mới bao phủ được dưới 60 % dân số”, Bà Nguyễn Thị Minh – Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết.

Bên cạnh đó, tính tuân thủ pháp luật trong việc tham gia bảo hiểm y tế chưa cao của một bộ phận không nhỏ các doanh nghiệp, người sử dụng lao động và của một số nhóm đối tượng thuộc diện bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế.

“Trên 40% doanh nghiệp có biểu hiện trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm y tế cho người lao động; một số tỉnh trên 20% học sinh - sinh viên, trong đó chủ yếu là sinh viên từ năm học thứ 2 của các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp chưa tham gia bảo hiểm y tế…”, bà Minh cung cấp thêm thông tin.

Quyết tâm hoàn thành mục tiêu

Trước thực trạng trên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, cần quyết tâm thực hiện mục tiêu 75% diện phủ bảo hiểm y tế trong toàn dân vào cuối năm 2015.

Trao đổi với các đại biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã phân tích và chỉ đạo ngành Y tế, bảo hiểm xã hội và các địa phương tháo gỡ từng khó khăn, vướng mắc.

Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện các biện pháp để nâng tỷ lệ mua bảo hiểm y tế trong học sinh, sinh viên đạt 100%. Cụ thể, tỷ lệ học sinh có thẻ bảo hiểm y tế đã đạt 90%, thì 10% còn lại, các trường cần tìm hiểu hoàn cảnh để vận động gia đình và các cháu đúng theo tinh thần bảo hiểm y tế (vừa chấp hành pháp luật, vừa đúng đạo lý “tương thân, tương ái”).

Đối với sinh viên hiện đạt 78%, thì trong 22% chưa đóng, thì phải xem kỹ nếu sinh viên thuộc hộ nghèo, nên xem xét hỗ trợ, song cũng phải tính cả trường hợp nhiều sinh viên gia đình khá giả, nhưng không mua bảo hiểm y tế.

Liên quan đến hỗ trợ đối tượng cận nghèo, Phó Thủ tướng nhận xét: 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đều có hộ cận nghèo nhưng mới có 33/63 địa phương có kế hoạch hỗ trợ cho đối tượng này mua thẻ bảo hiểm y tế, còn các địa phương khác vẫn đứng ngoài cuộc.

“Tôi đề nghị UBND các tỉnh, thành phố còn lại phải vào cuộc. Đây là chủ trương lớn, không phải chỉ là chỉ tiêu thành tích mà nó còn có ý nghĩa lớn hơn thế. Chúng ta có hệ thống bảo hiểm y tế mạnh gắn với nâng chất lượng khám chữa bệnh lên, thì mới thay đổi được chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh cho nhân dân”, Phó Thủ tướng nói.

Về đối tượng nông dân, diêm dân, ngư dân, mà Nhà nước đã hỗ trợ 30% tiền mua thẻ bảo hiểm y tế, Phó Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế.

Phó Thủ tướng lưu ý, không chỉ mở rộng các kênh bán bảo hiểm y tế, mà hệ thống khám chữa bệnh cũng phải phát triển tương ứng để đảm bảo quyền lợi tối đa cho người dân theo hướng các cơ sở y tế (không phân biệt công lập hay ngoài công lập) nếu đủ điều kiện đều được bảo hiểm y tế thanh toán khi điều trị cho bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế.

Vấn đề tin học hóa hệ thống bảo hiểm y tế một lần nữa được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh là yếu tố quyết định để vận hành hệ thống chính xác, nhịp nhàng; giải quyết được vấn đề chênh lệch số liệu cũng như trùng lắp, thiếu sót trong cấp thẻ bảo hiểm y tế. Và nhất là để người dân ở đâu, đi đâu cũng được khám chữa bệnh, thanh toán bảo hiểm y tế thuận tiện.

Phó Thủ tướng khẳng định: Tất cả bệnh viện và cơ sở y tế đã tin học hóa thì không có nghĩa sẽ xóa sạch hệ thống đó đi để làm lại mà đối tác cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin cho cơ sở y tế có thể tiếp tục làm nếu cơ sở y tế thấy tốt, nhưng phải theo đúng hướng dẫn để đấu nối hệ thống đồng bộ toàn quốc.

“Tin học hóa không chỉ phục vụ cho thanh toán BHYT mà sau này tất cả các dịch vụ về y tế, kể cả y tế dự phòng lẫn y tế điều trị đều qua hệ thống này. Chúng ta đặt thời hạn đến 31/12/2015 toàn bộ hệ thống y tế của Việt Nam phải được tin học hóa và nối mạng”, Phó Thủ tướng nói./.