Nhiều cột mốc đáng nhớ

Tối ngày 02/7, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã tham dự lễ chào mừng 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam - Mỹ, đồng thời kỷ niệm 239 năm Quốc khánh Mỹ tại Hà Nội. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius cùng hơn 1.000 khách mời tham dự buổi lễ trọng thể này.

Tổng thống Bill Clinton (phải) cụng ly với Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius và bạn đời của đại sứ, Clayton Bond

Hai nước chính thức bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa vào ngày 11/7/1995. Tuyên bố của hai nhà lãnh đạo Việt Nam – Mỹ đã gác lại quá khứ và mở ra chương mới trong lịch sử hai quốc gia.

Ngay sau khi trở thành tổng thống thứ 42 của nước Mỹ, ông Clinton đã rất quan tâm tới vấn đề cải thiện quan hệ với Việt Nam. Tháng 2/1992, lực lượng hỗ hợp tìm kiếm người mất tích trong chiến tranh (JTF-FA) được thành lập với mục tiêu hoàn tất thống kê về số người Mỹ mất tích trong Chiến tranh Việt Nam.

Một năm sau, chính quyền Clinton mở đường cho Việt Nam nối lại các khoản vay từ Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB). Ngày 03/03/1994, ông Clinton dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại với Việt Nam.

Sau khi tuyên bố bình thường hóa quan hệ, Mỹ và Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh hợp tác. Năm 2000, Bill Clinton trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam sau năm 1975.

Cựu Tổng thống Clinton, người đã tuyên bố bình thường hóa quan hệ hai nước cách đây 20 năm, nhấn mạnh: 20 năm trước, khi chúng ta nói đến bình thường hóa, thế hệ chúng tôi vô cùng khó khăn vì chúng tôi ai cũng biết hoặc quen một người bị thương hay đã mất trong chiến tranh Việt Nam. "Bản thân tôi nghĩ rằng nước Mỹ còn có thể đạt được nhiều hơn trong quan hệ với Việt Nam" - cựu Tổng thống có nhiều duyên nợ với Việt Nam nhấn mạnh.

Để minh chứng điều này, ông nêu ngay trường hợp ông Pete Peterson, đại sứ Mỹ đầu tiên tại Việt Nam, đã cưới một người vợ gốc Việt và hiện sống ở Úc dường như "có thể đến Việt Nam dễ dàng hơn". "Khi chúng ta bình thường hóa quan hệ hai nước, chúng ta hiểu nhau, tự chúng ta đã giải phóng chính mình" - cựu Tổng thống Mỹ nhấn mạnh.

Cựu Tổng thống Bill Clinton chia sẻ kỷ niệm đáng nhớ khi ông trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam sau chiến tranh vào năm 2000, đã đến thăm khu thực địa người Việt Nam và người Mỹ đang tìm hài cốt của một phi công Mỹ chết ở Việt Nam.

Ông tâm sự, khi con gái người quân nhân Mỹ này nhìn thấy người Việt Nam nỗ lực tìm từng mảnh xương, cô đã vô cùng xúc động. Cô gái không tưởng tượng rằng không trên một mảnh đất rộng lớn thế, có rất nhiều người Việt Nam xa lạ cùng nỗ lực tìm những mảnh xương nhỏ của một quân nhân Mỹ. "Tôi xin cảm ơn chính phủ Việt Nam đã cùng chúng tôi hợp tác với nước Mỹ tẩy những chất độc còn sót lại ở Việt Nam, tìm hài cốt quân nhân Mỹ, chúng ta cần cùng nhau làm điều này" - ông Clinton nói.

Mở rộng vòng tay, thay vì trả đũa

20 năm sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Mỹ đã gặt hái được những thành tựu nổi bật trên lĩnh vực kinh tế, ngoại giao và hợp tác quốc phòng.

Điểm lại các lĩnh vực hợp tác phát triển mạnh mẽ của 2 nước, cựu Tổng thống Bill Clinton khẳng định, Tổng thống Barack Obama đang mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ với Việt Nam qua Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và hy vọng điều này sẽ nhận được sự ủng hộ của cả 2 đảng trong Quốc hội Mỹ như đã ủng hộ bình thường hóa quan hệ Mỹ - Việt Nam cách đây 20 năm. Cựu Tổng thống Mỹ trích dẫn lời nói của thầy giáo mình 50 năm trước: “Những gì chúng ta cố gắng làm ngày hôm nay là làm xã hội hạnh phúc, đến với nhau thay vì trả đũa, không phải bằng nắm đấm mà bằng vòng tay mở rộng”.

Cựu Tổng thống Bill Clinton

Cựu Tổng thống Bill Clinton khẳng định Mỹ đánh giá cao quan hệ với Việt Nam, tích cực ủng hộ Việt Nam trên nhiều lĩnh vực. “Những nỗ lực mà 2 nước đạt được trong quá trình thay thế xung đột trước đây bằng hòa giải hiện nay là một dẫn chứng sinh động cho việc giảm thiểu bất đồng, thực sự hữu ích để các nước học tập trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, xung đột” - ông nhấn mạnh. Về vấn đề biển Đông, cựu Tổng thống Bill Clinton cho rằng các nước liên quan đều phải tôn trọng lẫn nhau, chia sẻ trách nhiệm, giải quyết thông qua đối thoại và có sự tham gia của tất cả các bên, không nên có những hành động đơn phương.

Các lĩnh vực hợp tác khác cũng khiến ông Clinton ấn tượng. Ông nhắc lại kỷ niệm 20 năm trước đã cùng hai thượng nghị sỹ McCain và Kerry lập ra quỹ cung cấp 100 học bổng cho sinh viện Việt Nam, con số mà ông từng nghĩ đã là nhiều. Song, số lượng sinh viên Việt Nam ngày nay theo học tại các trường đại học Mỹ lên tới hơn 17.000 người, nhiều hơn cả số lượng sinh viên Canada và Mexico ở Mỹ, và đứng thứ 8 trên thế giới.

“Những thành tựu mà Việt Nam đạt được cách đây 20 năm, từ mức thu nhập bình quân đầu người chưa đầy 1 USD Mỹ/ngày, đến mức hơn 2.000 USD Mỹ/người/năm hiện nay, là rất đáng trân trọng,” ông nói, và nhận xét ngày nay Việt Nam chi 20% tổng ngân sách hàng năm cho giáo dục, nhiều hơn tỷ lệ của Chính phủ Mỹ; học sinh Việt Nam đứng 12 trên thế giới về toán học là thành quả rất đáng tự hào.

Hai mươi năm trước, thương mại hai nước là 500 triệu USD Mỹ, nay đã lên tới 35 tỉ USD Mỹ; Việt Nam vượt Thái Lan để trở thành nhà xuất khẩu hàng đầu của ASEAN vào thị trường Mỹ.

"Tôi hy vọng TPP của Tổng thống Obama nhận được sự ủng hộ từ cả hai đảng như tôi đã nhận được với quyết định bình thường hóa quan hệ với VN 20 năm trước", ông Bill Clinton nói.

Cựu Tổng thống cũng đề cập đến sự hợp tác hiệu quả giữa hai nước trong việc đảm bảo an ninh khu vực và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình: "Mỗi quốc gia trong khu vực đều phải được đối xử công bằng, được đảm bảo các quyền, và cám ơn VN đã kêu gọi Mỹ ủng hộ cách tiếp cận này".

Ông cũng bày tỏ hy vọng chuyến thăm tới đây của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Mỹ sẽ đạt được kết quả tốt đẹp, người Mỹ sẽ hiểu nhiều hơn về đất nước và con người Việt Nam.

"Chúng ta, thay vì trả đũa, hãy nắm tay nhau, tiếp cận với nhau không phải bằng những nắm đấm mà bằng những vòng tay mở rộng", ông Clinton dẫn lại câu nói của Thượng nghị sĩ James William Fulbright, người thầy của mình, để kết thúc bài phát biểu.

Trước đó, chiều 2-7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tiếp cựu Tổng thống Bill Clinton. Tổng Bí thư và Chủ tịch nước hoan nghênh cựu Tổng thống Bill Clinton trở lại thăm Việt Nam; đánh giá cao những đóng góp của cựu Tổng thống và phu nhân Hillary Clinton trong quá trình dỡ bỏ cấm vận thương mại, bình thường hóa và tích cực thúc đẩy quan hệ song phương Việt Nam - Mỹ trong 20 năm qua; đặc biệt là các hoạt động của Quỹ Clinton trong việc hỗ trợ Việt Nam xóa đói, giảm nghèo, khắc phục hậu quả chiến tranh, y tế, bảo vệ môi trường…

Cho rằng với nhân dân Việt Nam, cựu Tổng thống Bill Clinton và phu nhân luôn là những người bạn thân thiết, Tổng Bí thư và Chủ tịch nước khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng và nhà nước Việt Nam là coi trọng và nỗ lực thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Mỹ vì lợi ích lâu dài của nhân dân 2 nước./.