Đối với kiến nghị này, một số bộ, ngành liên quan, như: Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị trực thuộc Bộ Giao thông Vận đang cân nhắc sẽ dừng thu loại phí này, bởi việc thu phí hiện nay đang gặp một số khó khăn, bất cập. Tuy nhiên, các cơ quan này cũng cho rằng, chờ lấy ý kiến đầy đủ các địa phương (đến nay mới có một nửa số tỉnh có ý kiến) để tạo sự đồng thuận, bởi đa số vẫn muốn tiếp tục thu phí bảo trì đường bộ với xe máy. Bởi thực tế cho thấy, có nhiều địa phương kiến nghị dừng việc thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy, như: Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hà Nội, Bình Định Phú Yên, TP. Hồ Chí Minh...

Theo số liệu thống kê của Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương, năm 2013 dự kiến thu khoảng 2.600 tỷ đồng với xe máy, nhưng chỉ thu được 520 tỷ đồng (đáp ứng khoảng 20%); năm 2014 thu khoảng hơn 500 tỷ đồng, đến tháng 06/2015 mới thu được khoảng 180 tỷ đồng (khoảng 7%).

Có thể thấy rằng, việc thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy đang gặp rất nhiều khó khăn, như: tại các địa phương (thôn, bản) những nơi mà quan hệ họ hàng, láng xóm vẫn được đề cao, khiến việc thu phí sẽ nặng tính tự nguyện hơn là nghĩa vụ, hay việc ai sẽ là người thực hiện các chế tài cũng là một vấn đề nan giải. Trong khi đó, hiện nay, việc tổ chức thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy tại một số địa phương còn cao hơn nguồn thu mang lại.

Tại cuộc họp nói trên, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng - đơn vị đề xuất dừng thu phí đường bộ đối với xe máy, cũng cho rằng, hiện nay còn rất nhiều tỉnh, thành trên cả nước rất cần nguồn thu này. “Đối với hai địa phương là TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, thì nguồn thu từ phí bảo trì đường bộ với xe máy không đáng bao nhiêu so với nguồn thu trên địa bàn nhưng các tỉnh khác thì lại rất cần”. Bộ trưởng Thăng nói.

Bên lề kỳ họp 13 HĐND TP. Hà Nội, Chủ tịch HĐND Nguyễn Thị Bích Ngọc cho hay, Hội đồng ủng hộ bỏ phí bảo trì đường bộ với xe máy vì nhiều ý kiến phản ánh bất cập. Đơn cử như phương thức thu, việc thôn làng, tổ dân phố đi thu tiền gặp nhiều khó khăn. Không ai kiểm tra việc này như thế nào cho nên người nộp, người không. Tiếp đến là vấn đề xử phạt, quy định nói xử phạt tăng đến 3 lần, nhưng thẩm quyền xử phạt đấy giao cho ai, như thế nào thì chưa rõ.

Trao đổi với phóng viên Bản tin Tài chính Kinh doanh - Đài Truyền hình Việt Nam sáng ngày 16/07/2015, Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, việc thu phí đường bộ đối với xe máy hiện nay dễ gây một số vấn đề như bất bình đẳng. Bởi sẽ có một số người tuân thủ đầy đủ, nhưng không ít người khác sẽ không nộp và hiện vẫn không có phương tiện gì để kiểm tra, kiểm soát. Nếu có phương tiện để thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát thì chi phí sẽ rất lớn.

Việc có dừng thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy sẽ chờ quyết định chính thức từ Chính phủ. Tuy nhiên, chính sách phải phù hợp với thực tiễn cuộc sống và nếu chưa được sự đồng thuận của người dân, thì cần nghiên cứu điều chỉnh, thậm chí là dừng lại.

Tài liệu tham khảo:

1. Đoàn Loan (2015). Bộ Giao thông đề xuất dừng thu phí bảo trì đường bộ với xe máy, truy cập từ http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/giao-thong/bo-giao-thong-de-xuat-dung-thu-phi-bao-tri-duong-bo-voi-xe-may-3248871.html

2. Bá Đô (2015). Hà Nội nghiên cứu bỏ phí bảo trì đường bộ với xe máy, truy cập từ http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/ha-noi-nghien-cuu-bo-phi-bao-tri-duong-bo-voi-xe-may-3248331.html