Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa tổ chức Hội thảo tham vấn Dự thảo Báo cáo Quốc gia thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ 2015. Theo đó, đến thời điểm hiện tại Việt Nam đã đạt được hầu hết các mục tiêu đề ra.

Thành quả đã có...

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương nhấn mạnh, trong suốt 15 năm qua, Việt Nam luôn coi các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ là ưu tiên quan trọng hàng đầu, mặc dù còn gặp một số khó khăn, bất lợi về nguồn lực kinh tế. Chính phủ, các bộ, địa phương đã tập trung nhiều kinh phí, công sức để hiện thực hóa những mục tiêu cụ thể.

Đặc biệt, Việt Nam đã chuyển biến nhanh chóng, từ một nước nghèo thành một nước thu nhập trung bình, có hệ thống hạ tầng xã hội và kỹ thuật được cải thiện liên tục, theo hướng hiện đại và từng bước đồng bộ. Từ đó, chất lượng sống của người dân nói chung ổn định và cải thiện rõ rệt.

Điều phối viên Liên Hợp quốc kiêm Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, bà Pratibha Mehta cũng cho rằng, nội địa hóa các mục tiêu thiên niên kỷ lồng ghép với các mục tiêu phát triển của bộ, ngành, địa phương giúp Việt Nam hoàn thành tốt hơn các mục tiêu thiên niên kỷ này.

"Chặng đường 15 năm thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, với vai trò điều phối, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giúp Việt Nam kết nối thực hiện được các mục tiêu giảm nghèo, cải thiện tình trạng y tế, giáo dục cơ bản và giúp xây dựng được năng lực quốc gia", bà Pratibha Mehta chỉ rõ.

Đại diện đơn vị điều phối chính, Ông Trần Quốc Phương – Phó Vụ trưởng Vụ Lao động Văn hóa và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết thêm: “Những năm gần đây, Việt Nam đã lồng ghép nội dung và kết quả của mục tiêu thiên niên kỷ vào việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011-2015), ưu tiên xử lý những vấn đề còn nhiều thách thức; mở rộng việc triển khai hỗ trợ các địa bàn khó khăn, miền núi trong việc xây dựng các công trình hạ tầng giao thông, sử dụng năng lượng hiệu quả, đối phó với biến đổi khí hậu, sử dụng nước sạch và bảo đảm vệ sinh môi trường ở khu vực nông thôn…”.

Nhờ đó, Việt Nam đã hoàn thành nhiều mục tiêu thiên niên kỷ, như: (i) Xóa nghèo đói cùng cực; (ii) Đạt phổ cập giáo dục tiểu học; (iii) Thúc đẩy bình đẳng giới và đạt nhiều tiến bộ trong các chỉ tiêu về y tế, như: giảm tỷ lệ chết mẹ và tử trẻ em, kiểm soát sốt rét và bệnh lao, đẩy lùi lây lan của HIV/AIDS...

Đặc biệt, Việt Nam được đánh giá là một trong các quốc gia thành công về giảm nghèo và đã đạt Mục tiêu phát trển thiên niên kỷ về giảm nghèo trước thời hạn. Quá trình giảm nghèo ấn tượng trên là kết quả của tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, tự do hóa thương mại và các chính sách giảm nghèo, nhằm trực tiếp vào các nhóm yếu thế.

Đây là những kết quả thể hiện các hành động cụ thể của Việt Nam kể từ khi Việt Nam cùng 189 quốc gia thành viên của Liên Hợp quốc ký Tuyên bố Thiên niên kỷ thể hiện cam kết hợp tác toàn cầu mới về xóa nghèo đói, phát triển và bảo vệ môi trường.

Như vậy, Việt Nam đã đạt được nhiều thành quả của hầu hết các mục tiêu trong số 8 mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ mà Liên Hợp quốc đặt ra với hạn thực hiện là năm 2015.

Chỉ còn một số mục tiêu gần đạt, như mục tiêu thứ 5 về tăng cường sức khỏe bà mẹ, Việt Nam hướng tới mục tiêu giảm tỷ số tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản xuống còn 58,3/100.000 ca đẻ sống vào năm 2015. Tuy nhiên, tới năm 2014, tỷ số tử vong bà mẹ trẻ em liên quan đến thai của cả nước là 60. Dự kiến hết năm 2017, Việt Nam sẽ đạt mục tiêu này.

Song, phía trước còn nhiều khó khăn

Về nhận diện thời cơ và thách thức, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ rõ, việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ tạo ra các cơ hội việc làm và các hoạt động thương mại sẽ rộng mở ở một số lĩnh vực. Thêm vào đó, việc chủ động tham gia các FTA thế hệ mới như (TPP, Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu, Việt Nam - Liên minh châu Âu…) và việc thực hiện các FTA cũng sẽ mở ra khối lượng giao dịch thương mại, dòng vốn FDI lớn thời gian tới. Do đó, Việt Nam cũng được dự báo sẽ trở thành một trong những nền kinh tế mở nhất trong khu vực.

Tuy nhiên, những thách thức trong giai đoạn 2011-2015 mà Việt Nam phải đối mặt là tình trạng suy giảm kinh tế, nợ xấu từ các ngân hàng thương mại và hoạt động thiếu hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước. Vấn đề tăng trưởng chậm, nợ xấu tồn tại, nợ công tăng nhanh, tỷ lệ giảm nghèo chậm lại, tác động của biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nhiều tới sinh kế người nghèo đang là những vấn đề Việt Nam tiếp tục phải giải quyết.

Mặt khác, làn sóng đô thị hóa thời gian tới sẽ làm phức tạp thêm tình trạng nghèo thành thị, sự bất bình đẳng và khoảng cách giàu nghèo giữa khu vực thành thị và nông thôn, người nghèo dễ bị tổn thương đặc biệt ở những khu vực khó khăn.

Trong khi đó, vốn ODA cho Việt Nam cũng đã được dự báo sẽ giảm mạnh thời gian tới và vấn đề biến đổi khí hậu cũng tạo nên sức ép lớn cho nền kinh tế.

Đòi hỏi nỗ lực lớn hơn nữa

Góp ý để Báo cáo Quốc gia thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ 2015 có vai trò quan trọng trong cung cấp thông tin định hướng cho xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn mới, Thứ trưởng Phương yêu cầu, bên cạnh việc nhấn mạnh những tiến trình và thành tựu đạt được, cần nêu bật những công việc còn dở dang về MDG, cùng với những nguyên nhân chưa hoàn thành. Ví dụ như về HIV/AIDS, suy dinh dưỡng, môi trường bền vững; tiến trình chưa đồng bộ ở cấp địa phương và giữa các nhóm dân cư, đặc biệt là các nhóm dân tộc; những rủi ro tiềm ẩn trong duy trì những thành tựu về MDGs.

“17 mục tiêu lớn SDG, 169 mục tiêu cụ thể và hàng trăm chỉ số sẽ đòi hỏi nỗ lực lớn hơn, không chỉ trong việc quốc gia hóa, ưu tiên hóa, mà còn trong thực hiện giám sát. Quá trình này cần cách tiếp cận liên ngành, hệ thống thông tin tốt, hợp tác nhiều bên và nguồn lực quốc gia” – Thứ trưởng Phương nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên Liên Hợp quốc kiêm Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam cũng như các nước đang phải giải quyết nhiều vấn đề về kinh tế, môi trường... Vì vậy, Báo cáo Quốc gia thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ 2015 cần chỉ rõ hơn những rủi ro và đâu là giải pháp bền vững để Việt Nam giữ được thành tựu của các mục tiêu thiên niên kỷ đã đạt được.

Hơn nữa, những bài học và kinh nghiệm trong Chương trình Quốc gia thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ 2015 sẽ rất tốt để Việt Nam thực hiện những chương trình sau năm 2015.

Nhằm giúp Việt Nam giải quyết các thách thức đặt ra trong giai đoạn mới và tận dụng các cơ hội tiềm năng, Phó Vụ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, Việt Nam cần thực hiện quyết liệt các cải cách kinh tế để xóa bỏ các tồn tại cơ bản của nền kinh tế, tăng cường vốn con người và nâng cao năng suất lao động qua giáo dục, đào tạo, xây dựng kết cấu hạ tầng để duy trì tăng trưởng, thúc đẩy khoa học công nghệ, tận dụng các lợi ích của hội nhập toàn cầu./.