Những ngày qua, Hội đồng Tiền lương Quốc gia vẫn chưa thể đưa ra quyết định mức tăng lương tối thiểu cho người lao động trong năm 2016, bởi chưa tìm được tiếng nói chung giữa đại diện người lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) và đại diện chủ sử dụng lao động (Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam - VCCI).

Chưa tìm được tiếng nói chung giữa các bên

Ngày 05/08/2015, Hội đồng Tiền lương Quốc gia tổ chức cuộc họp để thảo luận mức tăng lương tối thiểu vùng cho năm 2016. Theo đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - đơn vị đại diện cho người lao động, đề xuất để đảm bảo lộ trình tăng lương tối thiểu bằng mức sống tối thiểu, mức tăng lương cho năm 2016 phải đạt từ 16%-19%, với 3 phương án đề xuất: Phương án 1, tăng 420 - 600 nghìn đồng/ tháng so với 2015; Phương án 2, tăng từ 350 - 550 nghìn đồng/ tháng; Phương án 3, tăng từ 375.000 - 520.000 đồng/tháng.

Trong khi đó, đại diện giới chủ sử dụng lao động, VCCI chỉ đề xuất mức tăng khoảng 7%, tương đương với tăng từ 150.000 - 200.000 đồng/tháng. Con số này tương ứng với tỷ lệ tăng lương tối thiểu khoảng 7%-7,5%. Tỷ lệ này là khoảng cách chênh lệch quá xa so với phương án đề xuất của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam.

Vẫn còn khoảng cách khá xa giữa các đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng cho năm 2016

Lý giải nào là thỏa đáng?

Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động cho biết, hiện nay lương mới chỉ đáp ứng được 60% mức sống tối thiểu của người lao động.

Theo báo cáo khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn thực hiện trong 2 tháng 4 và 5/2015 (với gần 2.000 phiếu hỏi) thì nhu cầu chi tiêu tối thiểu của công nhân đang vượt quá mức lương tối thiểu (tính chung ở cả 4 vùng) là 22%.

Có nghĩa là tiền lương đang không đảm bảo mức sống tối thiểu cho phần lớn công nhân lao động.

Tuy nhiên, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho rằng, phương án tăng lương tối thiểu mà Liên đoàn lao động Việt Nam đề ra là không có căn cứ thực tiễn, không phù hợp với năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam hiện nay.

Cụ thể, VCCI cho rằng mức tăng lương tối thiểu không nên quá cao khi tốc độ tăng giá cả và tăng năng suất lao động không cao. Ngoài ra, doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong thị trường xuất - nhập khẩu, nên tăng lương cao quá sẽ giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến tăng trưởng chung của nền kinh tế.

“Nếu lương tối thiểu tăng lên không hợp lý sẽ thu hẹp sản xuất, giảm năng lực sản xuất và không tạo được thêm việc làm mới. Thậm chí, đẩy người lao động hiện đang có việc làm ra đường. Điều đó sẽ là vấn đề rất lớn. Chắc chắn vấn đề tăng lương tối thiểu không thể không dựa trên cơ sở bù đủ mức trượt giá, đồng thời dựa trên năng suất lao động” - ông Lộc nhấn mạnh.

Đánh giá về mức đề xuất của hai bên, Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho rằng mức đề xuất của cả hai đại diện lao động và chủ sử dụng lao động đều hợp lý.

Do đó, để đi đến thống nhất mức tăng trước khi trình Thủ tướng Chính phủ, thì bộ phận kỹ thuật cần cùng nhau tính toán lại các phương án có tính khả thi hơn. Nếu trong phiên họp tiếp theo (dự kiến cuối tháng 08), sau nhiều bỏ phiếu vẫn không thống nhất được, theo quy chế, Chủ tịch hội đồng sẽ quyết định lựa chọn phương án tăng lương tối thiểu.

Tuy nhiên, về quan điểm cá nhân, ông Huân cho rằng mức đề xuất phải trên 10% mới hợp lý./.