Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển trong buổi Tọa đàm trực tuyến “Giáo dục phổ thông tổng thể: Bước đột phá của ngành giáo dục” do Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ tổ chức.

Tích hợp – phân hóa phải bổ trợ cho nhau

Đánh giá chung nhất về Chương trình giáo dục phổ thông quốc gia Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể là kế hoạch chung nhất của hệ thống giáo dục từ tiểu học đến trung học phổ thông. Trong đó, có quy định mục tiêu của từng cấp học, với mục tiêu, định hướng nội dung, phương pháp cụ thể.

“Mục tiêu của chương trình là muốn giáo dục giúp học sinh hình thành năng lực của người lao động mới, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” – Thứ trưởng nhấn mạnh.

Đặc biệt, sự đổi mới trong chương trình giáo dục phổ thông lần này là nội dung giáo dục sẽ theo hướng tích hợp, phân hóa.

Theo đó, Thứ trưởng Hiển cho biết “Tích hợp tức là khi dạy một nội dung, sẽ đạt nhiều mục tiêu khác nhau, phân hóa là dạy làm sao phù hợp với đặc điểm riêng của từng học sinh, phát huy cao nhất tiềm năng, năng lực, hứng thú, sở trường của từng em học sinh”.

Nội dung giáo dục nên thiết kế gần nhau để học mà dễ vận dụng, tạo điều kiện cho dạy học tích hợp, bên cạnh đó, thiết kế thành từng nhóm nội dung khác nhau cho từng nhóm đối tượng học sinh theo nguyện vọng của các em học sinh. Hai nội dung này phải được chú trọng từ bậc tiểu học cho đến trung học phổ thông và kể cả trên đại học.

Dạy tích hợp và phân hóa sẽ giúp học sinh phát triển năng lực của bản thân một cách tốt nhất

“Tích hợp và phân hóa nhìn thì ngược nhau nhưng nó lại có quan hệ qua lại với nhau, phải thống nhất với nhau. Bởi khi mình dạy cho các em các kiến thức tổng hợp, thì chính từng em sẽ phát huy những khả năng riêng, nghĩa là đã phân hóa. Khi mình dạy phân hóa, nghĩa là mình đã dạy cho từng em biết phát huy những kiến thức tổng hợp mà các em có được. Như vậy, tích hợp và phân hóa nhìn bề ngoài ngược nhau, nhưng nó lại có quan hệ qua lại hỗ trợ cho nhau” - Thứ trưởng khẳng định.

Đồng tình với quan điểm đó, PGS,TS. Phạm Hồng Quang, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên khẳng định dạy tích hợp và phân hóa là xu hướng tất yếu trong giáo dục. Bản chất của tích hợp và phân hóa giúp người học được lựa chọn rất cao. Đặc biệt là giáo dục sau phổ thông, những ngành nghề mà các em lựa chọn sau này.

Thứ trưởng Hiển khẳng định, việc đổi mới chương trình giáo dục sẽ thực hiện đồng bộ ở tất cả các cấp. Tuy nhiên, năm đầu tiên sẽ bắt đầu triển khai ở các lớp đầu cấp là: lớp 1, 6, 10. Năm tiếp theo sẽ là: lớp 2, 7, 11. Việc thử nghiệm không nhất phải ở tất cả các khâu, thực chất chương trình cũ, mới không khác nhau nhiều, chỉ khác nhau cách sắp xếp và mình hướng tới mục tiêu cao hơn.

Giáo viên là yếu tố tiên quyết của cách dạy mới

Đứng ở góc độ trường trung học phổ thông, bà Nguyễn Thị Thu Oanh – Hiệu trưởng trường trung học cơ sở/trung học phổ thông Nguyễn Tất Thành chia sẻ, từ trước đến nay, cấp trung học phổ thông chủ yếu trả lời câu hỏi học sinh biết những gì, vì vậy, khối lượng kiến thức là khá nhiều, nên các trường chưa chú ý được nhiều đến nhu cầu, hứng thú, sở trường của học sinh.

Do vậy, việc chuẩn bị cho học sinh xu hướng phân hóa nghề nghiệp là rất tốt và cần thiết. Đây là điểm nhấn quan trọng trong chương trình phổ thông mới. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó, yếu tố tiên quyết là ở đội ngũ giáo viên.

Về vấn đề này, PGS, TS. Phạm Hồng Quang cho rằng, trong chương trình tổng thể mới, đặt trọng tâm đổi mới về năng lực người giáo viên. Người giáo viên trước đây chủ yếu là năng lực truyền đạt, thì người giáo viên mới cần đề cao năng lực hướng dẫn.

Đánh giá những khó khăn mà giáo viên sẽ gặp phải trong chương trình phổ thông mới, PGS, TS. Quang cũng cho rằng, không có gì khó khăn, bởi bản thân người giáo viên trong quá trình đào tạo đã được học và nhà trường sư phạm phần lớn đào tạo theo quan điểm “biết 10 dạy 1”, tức là một nền tảng học vấn rộng, giúp giáo viên có thể thích ứng.

“Điều quan trọng nhất là, đội ngũ giáo viên cần nắm được tư tưởng đổi mới về phương pháp, giảng dạy, đánh giá và tạo ra diện mạo mới cho hệ thống các trường” – PGS, TS. Quang khẳng định.

Bên cạnh đó, khẳng định việc triển khai chương trình giáo dục mới sẽ không thể có giáo viên dôi dư, Thứ trưởng Hiển phân tích “Ở các môn tự chọn, nếu các em không chọn môn toán lý hóa, thì phải chọn môn khoa học tự nhiên, cũng là các giáo viên toán, lý, hóa dạy, nhưng với kiến thức nhẹ hơn; hoặc nếu các em không chọn môn sử, địa thì phải chọn môn khoa học xã hội, vẫn giáo viên sử, địa dạy nhưng kiến thức cũng nhẹ hơn./.