Ngày 26/8, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Viện Khoa học Lao động và Xã hội (ILSSA), Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD), Trường Đại học Copenhagenphối hợp tổ chức Hội thảo công bố báo cáo “Đặc điểm kinh tế nông thôn Việt Nam: Kết quả điều tra hộ gia đình nông thôn năm 2014 tại 12 tỉnh”.

Đã có nhiều điểm sáng

Tại buổi Hội thảo, ông Lưu Đức Khải, Trưởng ban Chính sách phát triển nông thôn (CIEM) cho biết, có khoảng cách chênh lệnh trong thu nhập của người dân.

Cụ thể, kết quả nghiên cứu cho thấy, bình quân thu nhập của người nông dân năm 2014 là 87 triệu đồng/1 hộ/1 năm, thấp nhất khoảng trên 50 triệu, tập trung ở khu vực Tây Bắc, như: Điện Biên, Lai Châu và cao nhất là trên 130 triệu tập trung ở những tỉnh có kinh tế năng động hơn, như: Long An, Hà Tây cũ...

Khoảng cách thu nhập chênh lệnh trên là do trong thu nhập của hộ nông dân có nhiều cấu phần tạo nên thu nhập của hộ từ: nông nghiệp, phi nông nghiệp, tự làm và nhiều thu nhập khác nữa.

Điều đáng lưu ý là trong các loại thu nhập đó, thu nhập từ nông nghiệp đang giảm đi từ 28% xuống còn 18%.

“Điều đó cho thấy, vai trò của nông nghiệp đang giảm đi một cách tương đối, nói như vậy không có nghĩa rằng nông nghiệp đang mất đi vai trò, bởi vì hoạt động của nông nghiệp giúp nâng cao và ổn định được thu nhập và đặc biệt là đối với hộ nghèo”, ông Lưu Đức Khải nói.

Tỷ trọng thu nhập về nông nghiệp giảm, tỷ trọng về lao động việc làm, tự làm khoảng 40% và làm công ăn lương chiếm trên 30%-40% cho thấy, vai trò đang tăng lên của làm công ăn lương, cũng như tự làm của hộ nông dân. Điểm này cho thấy người nông dân đang năng động hơn và tự phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, tự mình thoát nghèo.

Điều đáng mừng là tỷ lệ hộ nghèo ở các địa phương giảm đáng kể, cụ thể năm 2012 số hộ nghèo là 27,1% thì đến năm 2014 chỉ còn 13,2%. Các vấn đề khác như tiếp cận nước sạch, vệ sinh môi trường, chất lượng nhà ở tại các vùng nông thôn cũng diễn tiến theo hướng tích cực.

Vấn đề di cư ở nông thôn cũng được cải thiện, năm 2012 tỷ lệ hộ gia đình có người di cư lâu dài là 22% nhưng đến năm 2014 chỉ còn 15%.

Song, vẫn còn nhiều điểm tối

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra những điểm tối trong bức tranh đời sống nông thôn Việt Nam. Cụ thể là, tỷ lệ hộ nghèo tuy có giảm nhưng khả năng tái nghèo vẫn còn rất cao, cho thấy người dân nông thôn chưa có sự thoát nghèo bền vững.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hộ không thoát nghèo hoặc thoát nghèo rồi, nhưng rất dễ rơi vào tình trạng tái nghèo, đấy là việc phát triển không bền vững, thể hiện ở việc người dân ở đây sinh kế của họ thu nhập rất bấp bênh.

Đáng chú ý, tỷ lệ hạnh phúc trong cuộc sống, tức là chỉ số hài lòng về cuộc sống của người dân nông thôn trong đợt điều tra lần này giảm sút so với cuộc điều tra năm 2012.

Cuộc điều tra Tiếp cận nguồn lực gia đình nông thôn Việt Nam (VARHS) tại 12 tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Đắc Lắc, Đắc Nông, Hà Tây (cũ), Phú Thọ, Nghệ An, Quảng Nam, Khánh Hòa, Lâm Đồng và Long An, được thực hiện trong khuôn khổ hợp tác chặt chẽ giữa Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn; Viện Khoa học Lao động và Xã hội và Nhóm nghiên cứu Kinh tế Phát triển thuộc trường Đại học Copenhagen, Đan Mạch. Lần đầu tiên được thực hiện vào năm 2002 và sau đó được mở rộng quy mô điều tra 02 năm một lần từ năm 2006 đến năm 2014. Số lượng mẫu điều tra tăng lên sau mỗi vòng điều tra, nhưng có tới trên 2.200 hộ gia đình được điều tra lặp lại. Quy mô mẫu điều tra năm 2006 là 2.317 hộ gia đình và quy mô mẫu điều tra các năm 200, 2010 và 2012 tương ứng là 3.265, 3.198 và 3.704 hộ gia đình. Mới đây nhất năm 2014, có 3.648 hộ gia đình được điều tra.

Cụ thể, số người được hỏi cảm thấy hạnh phúc chỉ là 43,9%, giảm 5,2% so với năm 2012.Trong khi đó, số người cảm thấy không hạnh phúc chiếm 56,1%, tăng 6% so với năm 2012.

Về chỉ số này, TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện IPSARD lý giải: “Cơ hội về việc làm, sinh kế càng ngày càng khó khăn hơn, trong khi tài nguyên không thể khai thác hơn được, tình trạng mất trật tự an ninh, an toàn vệ sinh thực phẩm tăng lên, niềm tin vào cộng đồng giảm sút... đó là những nguyên nhân chính khiến chỉ số hạnh phúc của người dân nông thôn giảm sút”.

Cùng quan điểm này, ông Lưu Đức Khải cho rằng, tỷ lệ người dân nông thôn hài lòng với cuộc sống giảm đi vì trong xã hội nông thôn đang có nhiều thay đổi, những diễn biến này tạo ra tâm lý không ổn định, tạo cho người nông dân cảm thấy bất an, không hài lòng với cuộc sống.

Chính vì vậy, theo ông Lưu Đức Khải, thời gian tới Nhà nước cần tập trung vào các chính sách phát triển kinh tế hộ gia đình nông thôn, an sinh xã hội, đẩy mạnh cải cách dịch vụ công cho người dân nông thôn. Qua đó mới cải thiện đời sống và chỉ số hài lòng của người dân.

Cũng theo ông Khải, cốt lõi vấn đề là sinh kế của người dân, cần phải có chính sách để phát triển sinh kế của tỉnh bền vững cho người dân. Trong số các sinh kế, thì sản xuất nông nghiệp ở nông thôn vẫn chiếm vai trò quan trọng.

Ở góc độ khác, TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn lại nhìn nhận, tỷ lệ người dân nông thôn chưa qua đào tạo, không có bằng cấp ở nông thôn còn khá cao, chiếm trên 70% dân số, gây ra nhiều khó khăn trong việc áp dụng tái cơ cấu nông nghiệp, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân.

Vì thế, cần xem lại cách đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng phù hợp với thị trường, đào tạo phải gắn liền với nhu cầu sử dụng người lao động, như vậy mới hiệu quả, giúp người dân thoát nghèo bền vững./.