Về việc bàn về phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 của Hội đồng tiền lương Quốc gia chưa thành công do đại diện người lao động là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và đại diện người sử dụng lao động là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) không đồng thuận,Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Người phát ngôn của Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, để đạt được sự đồng thuận, thì Hội đồng Tiền lương Quốc gia thường phải thương lượng nhiều lần.

Cụ thể, qua 2 năm thực hiện, để đạt được sự thống nhất tương đối về mức lương tối thiểu khuyến nghị Chính phủ, thì Hội đồng Tiền lương Quốc gia thường phải thương lượng nhiều lần. Năm 2014 là 3 lần.

Theo quy định của Khoản 2, Điều 91, Bộ luật Lao động, thì căn cứ vào nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, điều kiện kinh tế - xã hội và mức tiền lương trên thị trường lao động, Chính phủ công bố mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương Quốc gia.

Ngày 03/07/2013, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Hội đồng tiền lương Quốc gia, gồm 15 thành viên là đại diện của 3 bên: (1) Đại diện cho người lao động là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; (2) Đại diện cho người sử dụng lao động là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Da giày Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ; (3) Đại diện cho Chính phủ là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Hàng năm, nhiệm vụ của Hội đồng tiền lương Quốc gia là tính toán, thương lượng và thống nhất mức lương tối thiểu vùng để khuyến nghị Chính phủ xem xét, quyết định.

“Do mỗi bên đều có phân tích, tính toán mức lương tối thiểu dựa trên các yếu tố có lợi hơn cho bên mình đại diện nên kết quả thường có sự chênh lệch”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên lý giải nguyên nhân vì sao phải thương lượng nhiều lần.

Lần thương lượng thống nhất mức lương tối thiểu vùng năm 2016, các bên cũng không đạt được sự đồng thuận. Cụ thể là, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và đại diện người sử dụng lao động là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chưa đồng thuận về mức lương tối thiểu.

Tại phiên họp của Hội đồng Tiền lương quốc gia ngày 05/08/2015, mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 dự kiến của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là khoảng 16,8% so với lương tối thiểu năm 2015.

Cụ thể, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất ba phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2016.

Phương án 1: Mức lương tối thiểu (MLTT) vùng năm 2016 được đề xuất tăng cao nhất 420.000 – 600.000 đồng/tháng

Vùng

MLTT 2016

Tăng so với 2015

Mức tăng %

Vùng 1

3.700.000

600.000

19

Vùng 2

3.250.000

500.000

18

Vùng 3

2.830.000

430.000

17,9

Vùng 4

2.570.000

420.000

19,5

Phương án 2: Mức lương tối thiểu vùng năm 2016 tăng từ 350.000 - 550.000 đồng/tháng

Vùng

MLTT 2016

Tăng so với 2015

Mức tăng%

Vùng 1

3.650.000

550.000

17,4

Vùng 2

3.200.000

450.000

16,3

Vùng 3

2.800.000

400.000

16,6

Vùng 4

2.300.000

350.000

16,2

Phương án 3: mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 tăng từ 375.000 đến 520.000 đồng/tháng

Vùng

MLTT 2015

MLTT 2016

Tăng so với 2015

Mức tăng %

Vùng 1

3.100.000

3.620.000

520.000

16,7

Vùng 2

2.750.000

3.220.000

470.000

17,0

Vùng 3

2.400.000

2.785.000

385.000

16,0

Vùng 4

2.150.000

2.525.000

375.000

17,5



Trong khi đó, VCCI tiếp tục bảo lưu quan điểm mức tăng lương không quá 10%.

Khoảng cách biệt lớn giữa đề xuất của hai bên xuất phát chủ yếu từ chỗ hai bên có sự khác biệt trong cách tính toán mức sống tối thiểu như chi phí nuôi con, chi phí nhà ở…

Trong khi bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương quốc gia và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam áp dụng hệ số 0,7 cho chi phí nuôi con của người lao động thì VCCI chỉ tính hệ số 0,5.

Trước tình hình trên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết, Hội đồng tiền lương Quốc gia sẽ tiếp tục thảo luận, thương lượng một lần nữa. Trường hợp vẫn chưa đạt được sự đồng thuận thì Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia sẽ chọn phương án phù hợp để báo cáo Chính phủ.

Căn cứ quy định của Bộ luật Lao động và khuyến nghị của Hội đồng tiền lương Quốc gia, Chính phủ sẽ xem xét, quyết định việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2016.

Trước đó, sau phiên họp của Hội đồng Tiền lương quốc gia ngày 05/08/2015, Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho biết, phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đưa ra các phương án phân tích hợp lý. Nhưng, phía người sử dụng lao động cũng gặp nhiều áp lực trong bối cảnh cạnh tranh, các chi phí đầu vào tăng lên.

Đặc biệt, ngoài lương tối thiểu, các chính sách bảo hiểm xã hội thực hiện từ ngày 01/01/2016 có thay đổi làm áp lực tăng chi phí của doanh nghiệp, khả năng của doanh nghiệp khó chịu đựng.

Để giải quyết vấn đề tăng lương tối thiểu vùng năm 2016, ông Huân cho biết Hội đồng Tiền lương sẽ họp lần thứ ba, cũng là lần cuối cùng vào ngày 03/09 tới.

Nếu trong phiên họp này, hai bên tiếp tục không đạt được thỏa thuận để có một phương án chung đưa ra bỏ phiếu, Chủ tịch Hội đồng sẽ sử dụng quyền được quy định trong quy chế để quyết định phương án đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng trình Chính phủ phê duyệt và áp dụng từ ngày 01/01/2016./.