Chỉ có 8 tỉnh có hướng dẫn thu 15 tháng theo khóa học

Do thời hạn sử dụng thẻ bảo hiểm y tế của học sinh, sinh viên theo năm tài chính và phương thức đóng bảo hiểm y tế của học sinh, sinh viên là 6 tháng hoặc 1 năm một lần dẫn đến tình trạng trong giai đoạn chuyển tiếp: năm học 2015-2016 còn 3 tháng năm 2015 và cả năm 2016 chưa đóng gây khó khăn cho học sinh, sinh viên khi tham gia bảo hiểm y tế.

Để linh hoạt trong việc đóng bảo hiểm y tế của học sinh, sinh viên, liên Bộ Y tế - Tài chính đã ban hành Thông tư số 41/2014/TTLT-BYT-BTC quy định thời gian đóng là 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng.

Về vấn đề này, Ông Trần Đình Liệu – Trưởng ban Thu Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, hiện nay có 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đang triển khai thu bảo hiểm, trong đó có 58 tỉnh chuyển sang năm hành chính, linh hoạt 3 - 6 tháng/lần, chỉ có 8 tỉnh, thành phố có hướng dẫn thu 15 tháng theo khóa học.

Trong số 8 tỉnh, thành phố thu 15 tháng có TP. Hồ Chí Minh là đã điều chỉnh thống nhất thu 6 tháng/lần. Còn các tỉnh còn lại là: Bến Tre, Bình Định, Bình Phước, Hải Phòng, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Quảng Trị đã được Ủy ban liên ngành hướng dẫn lại thu theo 6 tháng hay 1 năm.

“Ngay từ đầu năm, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã mở đường dây nóng để giải quyết mọi phản ánh, thắc mắc của địa phương và người dân. Vào đầu năm học, 63 tỉnh, thành đều có hướng dẫn liên ngành, trong đó có yêu cầu cụ thể nhà trường làm gì, giáo viên làm gì, mức thu bao nhiêu, đối tượng nào đóng bao nhiêu… nên không thể có chuyện giáo viên không biết” – ông Liệu nhấn mạnh.

Hội nghị đã trả lời nhiều thắc mắc của dư luận về bảo hiểm y tế vừa qua

Ở một khía cạnh khác, ông Phạm Lương Sơn - Trưởng ban thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế cho biết, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm Xã hội quy định rất rành mạch trách nhiệm của các bộ, ngành.

"Về phía Bảo hiểm Xã hội, chúng tôi đã làm tròn trách nhiệm của mình bao gồm cả tham gia cùng với các bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước xây dựng chính sách pháp luật, trong nội ngành xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện cụ thể về tổ chức, thực hiện thu bảo hiểm y tế…", ông Sơn nhấn mạnh.

Giáo viên chủ nhiệm nhà trường không làm hộ bảo hiểm xã hội, mà việc thu bảo hiểm xã hội là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị, đặc biệt là với đối tượng do mình quản lý. Do vậy, không những nhà trường, mà cả bộ quốc phòng, công an đều phải có trách nhiệm thu bảo hiểm y tế của đối tượng do mình quản lý.

Bảo hiểm y tế học sinh không phải là chi trực tiếp cho học sinh, sinh viên

Trước nhiều ý kiến cho rằng việc tăng mức thu bảo hiểm y tế từ 3% lên 4,5% mức lương cơ sở là cao, bà Nguyễn Thị Minh - Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam phân tích: “Tăng mức đóng bảo hiểm y tế từ 3% lên 4,5% mức lương cơ sở nếu nhìn con số tương đối là cao (tăng 50%), nhưng nhìn con số tuyệt đối cũng chỉ hơn 100.000 đồng".

Điều quan trọng hơn là Đảng và Nhà nước ta hỗ trợ những nhóm khó khăn, yếm thế, ví dụ như: con em người nghèo hỗ trợ 100%, con em quân nhân, công an lực lượng vũ trang hỗ trợ 100%, người cận nghèo hỗ trợ tối thiểu là 70%... Như vậy, con em những gia đình bình thường, không thuộc các nhóm khó khăn, yếm thế, thì phải đóng bảo hiểm y tế 70%, tương đương với 424.000 đồng.

“Con số này so với các nước trên thế giới thì quá thấp. Thái Lan mức đóng từ 6-8%, Ttung Quốc 11,5%, Đài Loan 13,5%, Singapore 11% (tính theo thu nhập thực tế chứ không phải mức lương cơ sở như Việt Nam)”, bà Minh cho hay.

Nếu chúng ta muốn nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, thì buộc chúng ta phải nâng mức đóng lên.

“Chúng ta mới chỉ quan tâm đến mức nâng lên, mà chưa quan tâm đến việc nâng lên để làm gì, nó có cần thiết không, xung quanh các nước làm thế nào để theo. Bối cảnh hội nhập chúng ta không thể giữ mãi chất lượng kém, trong khi có nhiều người Việt Nam phải đi sang các nước khác để chữa bệnh với mức chi phí cao gấp 5, gấp 10 lần. Đó là điều rất vô lý”, lãnh đạo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam lý giải .

Sự tăng đó nếu tương ứng với chất lượng dịch vụ tăng thì sẽ không phải là cao. Thực tế, chúng ta phải nhìn nhận ngành y tế cũng đã có rất nhiều nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng không chỉ ở chuyên môn, mà còn ở tinh thần, thái độ thời gian vừa qua.

Khẳng định bảo hiểm y tế là một chính sách nhân đạo của Nhà nước, bà Minh nhấn mạnh, bảo hiểm y tế học sinh không phải là chi trực tiếp cho học sinh, sinh viên, mà quỹ này có tính chia sẻ.

"Tức là thu của số nhiều, chi cho những người bị bệnh, thu của cả những người không bị bệnh, chia sẻ cho những người bị bệnh. Chúng ta đóng bảo hiểm y tế không mong muốn chúng ta được hưởng, mà hi vọng không bị bệnh, nhưng nếu bị bệnh thì sẽ được hưởng chinh sách", bà Minh nhấn mạnh./.