Chiều 22/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Báo cáo của Chính phủ do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến hết tháng 8/2015, qua 9 kỳ họp của Quốc hội và 40 phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã triển khai thực hiện đầy đủ nội dung của 7 nghị quyết của Quốc hội và 8 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề; 7 nghị quyết Quốc hội và 6 thông báo kết luận của Ủy ban thường vụ Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn.

Chính phủ cũng đã nhận và trả lời 1585 phiếu chất vấn bằng văn bản (trong đó 1362 phiếu tại kỳ họp Quốc hội, 223 phiếu tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội); trả lời 1.147 chất vấn trực tiếp (822 chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội, 325 chất vấn tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội).

Cũng theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thực hiện yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã gửi Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban có liên quan của Quốc hội 18 báo cáo kết quả thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015.

Trong phần đánh giá thực hiện, Chính phủ nêu rõ, các thành viên Chính phủ đã chủ động, thường xuyên đôn đốc, xử lý các vấn đề mà Quốc hội giám sát, chất vấn.

“Tuy nhiên, hiện nay số lượng hoạt động giám sát và chất vấn khá lớn, có một số nội dung còn trùng lặp. Một số nội dung chất vấn thành viên Chính phủ, nhưng lại thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của lãnh đạo địa phương”, Phó Thủ tướng cho biết.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận, vẫn còn phần lớn các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp không được Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai thực hiện, không có đầu mối theo dõi, kiểm tra, đôn đốc để đảm bảo cho việc thực hiện đạt kết quả tốt.

Và điều đó đã dẫn tới thiếu thống nhất trong việc tổ chức thực hiện hoặc trùng lặp trong việc báo cáo thực hiện, khó kiểm tra, giám sát, đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu có liên quan.

Tổng hợp nội dung báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội về nội dung nêu trên, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đánh giá, về cơ bản, các báo cáo của Chính phủ đã bám sát các nghị quyết của Quốc hội.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hạnh Phúc cũng chỉ rõ, chỉ có một số báo cáo theo lĩnh vực có nội dung đáp ứng đúng theo yêu cầu đề cương đã gửi (Các báo cáo thuộc lĩnh vực xây dựng, tài nguyên và môi trường, lao động, thương binh và xã hội, tư pháp); một số báo cáo đã bám sát theo đề cương nhưng còn thiếu phần báo cáo tổng hợp tình hình trả lời phiếu chất vấn của đại biểu Quốc hội (Các báo cáo thuộc lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, nội vụ, công an, thanh tra, dân tộc); một số báo cáo đã bám sát theo đề cương nhưng chủ yếu nêu kết quả thực hiện và giải pháp thời gian tới mà ít nêu tồn tại, hạn chế, nguyên nhân (Các báo cáo thuộc lĩnh vực tài chính, ngân hàng, giao thông vận tải); một số báo cáo còn chưa bám sát đề cương, chủ yếu nêu kết quả đạt được và biện pháp thực hiện trong thời gian tới, ít nêu tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và trách nhiệm của người đứng đầu (Các báo cáo thuộc lĩnh vực công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn, giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao và du lịch, thông tin và truyền thông).

Bên cạnh đó, trong điều hành của Chính phủ, báo cáo thẩm tra cũng chỉ ra một số chỉ tiêu mà Quốc hội giao, Chính phủ đã thực hiện nhưng chưa đạt được đầy đủ yêu cầu. Đó là việc ban hành nghị định về phát triển công nghiệp hỗ trợ; việc ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ quản lý vật tư nông nghiệp; việc xử lý các cơ sở sản xuất, làng nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và kéo dài ; việc giải quyết dứt điểm 528 vụ việc khiếu nại về đất đai phức tạp, tồn đọng, kéo dài; tiến độ phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; mục tiêu giảm số người chết do tai nạn giao thông...

Báo cáo thẩm tra cũng nêu rõ những tồn tại trong công tác xét xử, các Tòa án chưa thực hiện đầy đủ yêu cầu theo các nghị quyết của Quốc hội, như: Vẫn còn trường hợp kết án oan người vô tội, một số loại án chưa đạt chỉ tiêu giảm ít nhất 1% tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan so với năm trước; chưa khắc phục được triệt để tình trạng phạt tù nhưng cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ không đúng quy định của pháp luật; chưa khắc phục triệt để tình trạng bản án, quyết định tuyên không rõ ràng, gây khó khăn cho công tác thi hành án…/.