Nghịch lý trên đã được các chuyên gia chia sẻ tại Hội thảo Hợp tác đào tạo nhân lực thúc đẩy thực hiện kế hoạch hành động các ngành trong chiến lược công nghiệp hóa trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 29/9/2015.

Sự hợp tác mới manh nha từ các trường

Nhận định về chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay, TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh - Phó Viện trưởng CIEM cho biết, sau gần 30 năm đổi mới, mặc dù đạt được một số thành tựu về phát triển nguồn nhân lực, nhưng so với nhiều nước trong khu vực và so với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thì chất lượng nguồn nhân lực ở Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu.

Đặc biệt, thiếu hụt đội ngũ có kỹ năng, công nhân có kỹ thuật, có tính chuyên nghiệp để phục vụ cho phát triển các ngành công nghiệp chiến lược của Việt Nam.

“Một trong những hạn chế rất lớn của tình trạng trên là sự liên kết giữa các doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo lao động còn lỏng lẻo. Thực tế cho thấy, dù lao động dồi dào, nhưng tình trạng thiếu hụt lao động còn phổ biến. Điều này hạn chế rất nhiều khả năng tham gia của các doanh nghiệp trong nước vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp nước ngoài”, bà Tuệ Anh nhấn mạnh.

Trên thực tế, ở Việt Nam thời gian qua việc liên kết giữa các trường với các đối tác là doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Nhật Bản đã và đang diễn ra.

TS. Phạm Xuân Dương - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải cho biết, ngay từ những năm 1990, Trường đã chủ động vận dụng cơ chế được Nhà nước cho phép mở rộng hợp tác quốc tế, hợp tác với các công ty, tập đoàn trong và ngoài nước, thông qua các hoạt động, như: thành lập các công ty, trung tâm liên doanh với nước ngoài, trung tâm tư vấn… do cán bộ, giảng viên Nhà trường điều hành, quản lý. Đồng thời, thiết lập quan hệ song phương với nhiều trường hàng hải trên thế giới, các tổ chức quốc tế và cả những công ty nước ngoài. Thông qua đó, Trường đã ký kết hợp tác trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học với các viện và trường đại học của Hoa Kỳ, Nga, Ba Lan, Nhật Bản…

Đặc biệt, nhấn mạnh sự hợp tác chặt chẽ với đối tác Nhật Bản trong đào tạo, PGS. Phạm Hoàng Lương - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cho hay, thời gian qua Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đã có 36 văn bản hợp tác được ký kết với các trường, viện từ Nhật Bản; 17 thỏa thuận với các công ty Nhật Bản. Hàng năm, hơn 30 doanh nghiệp Nhật Bản tói thăm và có các đề xuất hợp tác với Trường. Các lĩnh vực hợp tác chủ yếu ở các mảng là: đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

Tuy nhiên, nhìn nhận ở góc độ quản lý, ông Toma Masaaki - Tham tán, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam nhận định, “đó mới chỉ là sự chủ động liên kết của các trường đối với các doanh nghiệp, tổ chức. Nó thực sự chưa mang tầm quốc gia, có sự định hướng của Chính phủ”.

Tình trạng DN thiếu hụt lao động còn phổ biến

Cần có sự tham gia của Nhà nước mạnh mẽ hơn

Nói về kinh nghiệm hợp tác đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp của Nhật Bản, TS. Yoichi Sakurada - Viện nghiên cứu Mitsubishi (Nhật Bản) cho biết, để thực hiện các hình thức đào tạo nhân lực hiệu quả, Chính phủ Nhật Bản giao cho Bộ Kinh tế Thương mại và Công nghiệp là cơ quan điều phối. Cơ quan này sẽ chịu trách nhiệm gắn kết các dự án đào tạo giữa các trường, viện với các tổ chức kinh tế Nhật Bản dưới các hình thức hợp tác/ ủy thác.

Tuy nhiên, “để mối quan hệ 3 bên: Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp có thể hình thành, điều kiện quan trong nhất là phải cùng chung một nhận thức về nhu cầu hợp tác. Các doanh nghiệp có nhu cầu chia sẻ kinh nghiệm của các lao động có tay nghề, các trường đại học có nhu cầu đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu thực tiễn, chính phủ mong muốn xuất khẩu nguồn nhân lực toàn cầu. Hành động để tạo ra sự liên kết đó là sự điều phối”.

“Cơ quan điều phối có thể là bất cứ bộ nào, nhưng phải là cơ quan trung lập, tạo sự liên kết khách quan nhất. Hợp tác đào tạo từ góc độ quản lý nhà nước, phải có tầm nhìn dài hạn. Chẳng hạn 5 - 10 năm tới chúng ta cần nhân lực như thế nào để đào tạo ở thời điểm hiện tại” - Ông Toma Masaaki nói thêm.

Về phía các trường đại học, PGS. Lương mong muốn Nhà nước có những cơ chế, chính sách mở rộng cơ hội cho sinh viên thực tập tại các doanh nghiệp, để có thể xây dựng đề tài tốt nghiệp là giải quyết những vấn đề thực tiến của doanh nghiệp. Kết hợp từng bước xây dựng với các đối tác doanh nghiệp xây dựng các đề tài nghiên cứu theo đặt hàng của doanh nghiệp.

Riêng lĩnh vực hàng hải, TS. Dương mong muốn “Nhà nước cần có sự đầu tư tập trung cho các cơ sở đào tạo, huấn luyện, như: các trang thiết bị thí nghiệm, thực hành cho ngành đóng tàu, công trình ngoài khơi… Bên cạnh đó, ban hành các chính sách cụ thể yêu cầu các công ty vận tải biển, các nhà máy đóng tàu, các đơn vị sử dụng nhân lực hàng hải cam kết việc bố trí cho sinh viên được thực tập tại các đơn vị này”./.