Trong buổi thảo luận sáng 30/9 tại phiên họp Chính phủ tháng 9, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã trình bày báo cáo đề xuất việc tạm dừng thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô. Các ý kiến thành viên Chính phủ cũng đã nhất trí với đề xuất về việc tạm dừng thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô từ ngày 1/1/2016, giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2012 và Nghị định 56/2014/NĐ-CP của Chính phủ về Quỹ bảo trì đường bộ theo hướng bỏ thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô, báo cáo Chính phủ. Từ nay đến cuối năm, địa phương nào chưa thu vẫn phải thu theo đúng quy định.

Theo Bộ Giao thông vận tải, việc thu phí là đúng với quy định tại Luật Giao thông đường bộ, Pháp lệnh phí, lệ phí. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, tình hình kinh tế-xã hội, cũng như cách thức thực hiện của các địa phương là khác nhau (tổ chức thu, tỷ lệ trích lại cho các đơn vị thu, công tác thống kê, tuyên truyền...), chế tài xử phạt còn hạn chế, đặc thù phương tiện xe mô tô của nước ta... dẫn đến việc thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện là xe mô tô đạt hiệu quả thấp, gặp rất nhiều khó khăn. Mặc khác, việc thu phí với xe mô tô chưa có tiền lệ, có tính xã hội cao và việc tạm dừng đã nhận được sự đồng thuận của nhiều bộ, ngành, địa phương.

Trong buổi họp báo Chính phủ diễn ra ngày 1/10, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết, Nghị định số 18/2012/NĐ-CP của Chính phủ về Quỹ bảo trì đường bộ có quy định, toàn bộ khoản thu để lại địa phương để duy tu đường của địa phương. Qua gần 3 năm thực hiện, số thu không nhiều.

Theo ông Trường, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính đã tính đến việc UBND các phường, xã trực tiếp thu từ người có hộ khẩu ở địa phương để họ tự khai báo. Nhưng hiện nay, có thực trạng người chủ và người sử dụng không ở một nơi, chẳng hạn bố mẹ đăng ký xe máy sau đó cho con ra thành phố đi học, nên khả năng thu rất thấp. Đặc biệt, ở vùng sâu vùng xa, dù đã miễn thu với hộ nghèo nhưng vẫn ảnh hưởng đến thu nhập của người dân. Trên thực tế số thu không đủ số chi ở địa phương. Trước tình hình đó, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính mới đưa ra kiến nghị Chính phủ tạm dừng thu phí với mô tô, xe máy.

Trước đó, Bộ Tài chính cũng nhận định: việc triển khai thu phí gặp nhiều khó khăn do môtô là tài sản di động, không bắt buộc phải đăng kiểm lưu hành, người sử dụng xe không bắt buộc là chủ sở hữu nên rất khó kiểm soát và thu phí, đặc biệt trường hợp chủ xe (sinh viên, lao động tự do...) đăng ký ở địa phương này nhưng mang xe đến địa phương khác sử dụng.

Một trong những nguyên nhân nữa là trách nhiệm của tổ chức, cá nhân thực hiện công tác thu phí không được quy định rõ nên việc này phụ thuộc chủ yếu vào ý thức tự giác của người dân. Bên cạnh đó, có địa phương thu, nhưng cũng có tỉnh thành lại chưa hoặc dừng thu (như TP. HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa...) tạo nên sự không công bằng và tạo dư luận không tốt trong xã hội.

Trong 3 năm thực hiện thu phí, số tiền thu được không nhiều. Năm 2013-2014, mỗi năm thu được trên 550 tỷ đồng, nửa đầu năm nay được gần 175 tỷ đồng. Dù việc thu phí này phù hợp với Luật Giao thông đường bộ và Pháp lệnh phí, lệ phí, nhưng Bộ Giao thông Vận tải vẫn trình Chính phủ tạm dừng thu loại phí vốn chưa có tiền lệ này.

Theo thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, hiện có khoảng 40 triệu xe máy, bình quân thu khoảng 70.000 mỗi xe, nếu thu được hết sẽ được 2.800 tỷ, trong khi tổng số thu với ô tô chỉ khoảng 5 nghìn tỷ đồng. Số tiền đó nếu thu được sẽ có tác dụng khá lớn để duy tu đường địa phương. /.