Đảm bảo đúng lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế

Giá dịch vụ y tế tính đúng, tính đủ phải bao gồm 7 yếu tố chi phí gồm: chi phí thuốc, vật tư trực tiếp; chi phí điện, nước, xử lý chất thải; chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị, mua thay thế công cụ, dụng cụ trực tiếp sử dụng để thực hiện các dịch vụ; chi phí tiền lương, phụ cấp; chi phí sửa chữa lớn, khấu hao trang thiết bị; chi phí khấu hao nhà cửa; chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Hiện nay, giá dịch vụ y tế mới tính một phần chi phí trực tiếp (3/7 yếu tố trực tiếp) do đó mỗi đơn vị thuộc bộ, ngành và mỗi địa phương có một bảng giá khác nhau nên giá thanh toán của bảo hiểm y tế đối với các bệnh viện cùng hạng (cùng trình độ, cơ sở vật chất, kỹ thuật...) khác nhau gây bất bình đẳng trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế...

Theo lộ trình, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế sẽ chia làm ba giai đoạn. Giai đoạn gần nhất là đến năm 2016, tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp; đến năm 2018, tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý; đến năm 2020, tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định.

Từ cuối năm 2014, Bộ Y tế đã ban hành thông tư số 50/2014/TT-BYT quy định việc phân loại phẫu thuật, thủ thuật và định mức nhân lực trong từng ca phẫu thuật, thủ thuật. Thông tư có hiệu lực từ đầu năm 2015. Ngoài một số phí như phụ cấp trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật thì tiền lương được kết cấu vào giá dịch vụ năm 2015.

Đến phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2015, Chính phủ tiếp tục đồng ý để Bộ Tài chính và Bộ Y tế ban hành Thông tư liên tịch, đến cuối năm nay sẽ tính 100% tiền lương của bệnh viện huyện và trạm y tế vào giá dịch vụ y tế. Trước mắt, mức giá dịch vụ y tế mới được áp dụng để cơ quan bảo hiểm xã hội thanh toán cho bệnh viện đối với người có thẻ bảo hiểm y tế, còn với người không có thẻ bảo hiểm y tế thì vẫn được tính theo giá hiện hành cho đến năm 2016.

Giá dịch vụ y tế đang trong lộ trình tính đúng, tính đủ

Song hành với nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh

Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ được kỳ vọng sẽ nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đồng thời tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng giữa các bệnh viện công và bệnh viện tư, buộc các bệnh viện phải nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ y tế, phục vụ người bệnh. Bởi, Việc tính tiền lương vào giá dịch vụ y tế đồng nghĩa, người bệnh sẽ trả lương cho cán bộ y tế.

Thực tế cho thấy, sau 2 năm bắt đầu điều chỉnh giá dịch vụ y tế, mặc dù hầu hết các địa phương mới chỉ điều chỉnh ở mức 60%-80% của 3 yếu tố, nhưng đã mang lại những hiệu quả nhất định, quyền lợi của người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế được nâng lên. Các bệnh viện sử dụng 15% tiền khám bệnh, tiền giường/ngày để mua thêm giường, ghế, cải tạo, sửa chữa phòng khám khang trang hơn, các buồng bệnh đã có sự thay đổi, đáp ứng nhu cầu của người bệnh

Mục tiêu của lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân là đến năm 2020 phải đạt ít nhất 80% số dân tham gia bảo hiểm y tế, do đó giá dịch vụ y tế có vai trò quan trọng trong thực hiện chính sách bảo hiểm y tế. Khi giá được tính đủ tiền lương và chi phí trực tiếp, bệnh viện sẽ từng bước chuyển đổi mô hình hoạt động sao cho hiệu quả hơn. Đồng thời, đây là điều kiện bắt buộc để các bệnh viện nâng cao chất lượng dịch vụ y tế; nếu người bệnh không đến khám, chữa bệnh hoặc cơ quan bảo hiểm xã hội không ký hợp đồng, thì bệnh viện không có nguồn kinh phí hoạt động. Đáng chú ý, khi giá dịch vụ y tế được tính đủ, giá tại bệnh viện công lập và ngoài công lập sẽ tương đương, không tạo mặt bằng hai giá như hiện nay, khi đó sẽ khuyến khích xã hội hóa, tạo sự cạnh tranh giữa các bệnh viện (cả công và tư).

Để việc tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế triển khai đúng lộ trình, đạt hiệu quả như kỳ vọng, các thành viên Chính phủ cũng nhất trí phải làm tốt công tác truyền thông để người dân đồng thuận cao với lần điều chỉnh giá dịch vụ y tế tới đây./.