Phát biểu tại buổi tiếp, Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng quan hệ Việt Nam – Nhật Bản đã và đang phát triển hết sức tốt đẹp. Hai nước đã nâng cấp thành quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á năm 2014.

Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng tại buổi tiếp

“Việt Nam sắp chính thức tham gia vào những hiệp định hợp tác lớn về kinh tế - thương mại với các nước đối tác trong khu vực và trên thế giới, như: Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại với Liên minh châu Âu, dự kiến sẽ ký vào tháng 11/2015. Cuối năm 2015, Việt Nam sẽ gia nhập vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Đây sẽ là cơ hội cho Việt Nam thu hút đầu tư, mở rộng xuất khẩu, cải cách môi trường đầu tư. Tuy nhiên, thách thức với Việt Nam cũng rất lớn, nếu không chủ động nắm bắt thời cơ”, Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Ông Nakagaki Yoshihiko cho biết, các doanh nghiệp Nhật Bản luôn quan tâm đến thị trường Việt Nam, coi Việt Nam là điểm đến tiềm năng. Mong muốn trong tương lai hai bên bên tiếp tục hợp tác những lĩnh vực mà Nhật Bản có thế mạnh như phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, đào tạo nguồn nhân lực… Nhân dịp sang thăm Việt Nam lần này, doanh nghiệp của Nhật Bản cũng muốn tìm hiểu và hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, tiềm năng, hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và Chiến lược công nghiệp hóa Việt Nam – Nhật Bản.

Ông Nakagaki (người ngồi giữa) tại buổi tiếp


Ông Nakagaki Yoshihiko khẳng định các thành viên của Hiệp hội Xúc tiến Ngoại giao nhân dân Nhật Bản sẽ tiếp tục tích cực hợp tác và có những đóng góp thiết thực trong mở rộng tăng cường quan hệ hai nước, không chỉ trong lĩnh vực thương mại, kinh tế mà cả trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, đặc biệt trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Liên quan đến những vấn đề doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm, Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ là một trong những vấn đề then chốt của Việt Nam. Do ngành công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển nên Việt Nam phải nhập khẩu một tỷ lệ lớn các linh kiện và bán thành phẩm, tỷ lệ nội địa hóa thấp dẫn đến hàng hóa có giá trị gia tăng thấp. Thời gian qua, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam phát triển chưa tương xứng tiềm năng. Vì vậy, phía Việt Nam mong muốn Nhật Bản cử chuyên gia hỗ trợ cho ngành công nghiệp này.

Về lĩnh vực nông nghiệp đặc biệt là lĩnh vực xuất khẩu gạo, Thứ trưởng cho rằng Việt Nam đang thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong đó hướng tới nền nông nghiệp phát triển bền vững. Trong lĩnh vực xuất khẩu gạo, Việt Nam mới chỉ tập trung vào số lượng, chưa xây dựng thương hiệu, giá bán thấp, thời gian tới cần sự hợp tác từ phía Nhật Bản về cải cách giống, vận dụng khoa học kỹ thuật, xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam.

Toàn cảnh buổi tiếp

Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã xác định ưu tiên phát triển 6 ngành gồm: điện tử; máy nông nghiệp; chế biến nông thủy sản; đóng tàu; môi trường và tiết kiệm năng lượng; sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô. Hiện nay hai bên đã thống nhất được kế hoạch hành động của 5 ngành: điện tử; máy nông nghiệp; chế biến nông thủy sản; đóng tàu; môi trường và tiết kiệm năng lượng. “Việt Nam luôn sẵn sàng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục quan tâm và sang đầu tư tại Việt Nam”, Thứ trưởng nhấn mạnh thêm.

Ông Nakagaki Yoshihiko cảm ơn sự tiếp đón của Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng và hy vọng thời gian tới, giữa Việt Nam và Nhật Bản càng có sự hợp tác chặt chẽ, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản sang đầu tư tại Việt Nam.