Đó là một trong những nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận trong phiên trả lời chất vấn của đại biểu quốc hội chiều ngày 16/11/2015.

Đảm bảo về mặt kiến thức thì sẽ tích hợp

Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm đó là về đề xuất thay đổi cách giảng dạy môn Lịch sẻ từ một môn học độc lập thành một môn học tích hợp. Đại hiểu Lê Văn Lai (Đoàn Quảng Nam) thẳng thắn “Sai lầm này không có chỗ cho sự khắc phục. Nếu không dừng, không hoãn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có dám khẳng định trách nhiệm trước nhân dân về tính đúng đắn của vấn đề?”.

Về vấn đề này, Bộ trưởng khẳng định, môn Lịch sử không bị coi nhẹ.

“Chúng tôi khẳng định đã coi trọng môn Lịch sử hơn so với chương trình hiện hành. Theo Ban soạn thảo báo cáo, chúng tôi đã kiểm tra, thì hiện nay bậc phổ thông dạy môn Lịch sử với 1,5 tiết/tuần. Trong thiết kế Dự thảo đang lấy ý kiến, các cháu không học chuyên ban khoa học xã hội có 2,5 tiết/ tuần học Lịch sử, các cháu chuyên ban có 4 tiết/tuần môn Lịch sử. Tất cả tiết này đều bắt buộc. Như vậy, nội dung và khối lượng kiến thức lịch sử tăng lên”.

Giải thích thêm về việc đưa môn Lịch sử vào môn Công dân với Tổ quốc, Bộ trưởng cho biết “Thứ nhất là theo tinh thần chủ trương tích hợp. Thứ hai, Luật Giáo dục Quốc phòng An ninh được Quốc hội thông qua có quy định giảng dạy lịch sử giữ nước, lịch sử quốc phòng. Chúng tôi dự kiến đưa Lịch sử vào đó để tránh trùng lắp”.

Ngoài ra, có một số môn học khác cũng dự kiến có giảng dạy lịch sử. Ví dụ giảng dạy văn học gắn với lịch sử, khi giảng về "Hịch tướng sĩ", "Bình Ngô đại cáo", "Tuyên ngôn độc lập" nếu không gắn với lịch sử thì các cháu không thể hiểu được, không thể dạy được; hay trong Địa lí cũng sẽ gắn với lịch sử, không chỉ là tên đất, tên đảo mà các địa danh gắn với chiến công, quá trình xây dựng bảo vệ Tổ quốc của cha ông…

Tuy nhiên, do vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về việc dạy tích hợp môn Lịch sử thì về giáo viên tích hợp như thế nào? có "râu ông nọ căm cằm bà kia" giữa các môn?, nên Bộ trưởng nhấn mạnh “Khi dư luận phân vân thì cần tiếp tục thảo luận. Nếu tích hợp mà vẫn đảm bảo thì sẽ tích hợp. Ban soạn thảo, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ làm việc với các chuyên gia và các nhà khoa học để có kết luận cuối cùng”.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận trả lời chất vấn của đại biếu quốc hội ngày 16/11/2015

Cần tăng cường lực lượng giảng viên

Bên cạnh vấn đề về đổi mới giáo dục, tình trạng cung - cầu lao động đang có sự vênh nhau ở nước ta là điều băn khoăn của nhiều đại biểu quốc hội.

Thừa nhận một trong những nguyên nhân là từ chất lượng giáo dục và đào tạo, Bộ trưởng Luận cho rằng, trong những năm qua Quốc hội cũng nhiều lần lưu ý việc lập nhiều trường đại học, tuyển sinh nhiều, không đáp ứng thị trường lao động.

Để giải quyết bất cập này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành thanh, kiểm tra các ngành và đóng hoạt động đào tạo ở những cơ sở không đảm bảo yêu cầu. Bộ cũng dùng chỉ tiêu đảm bảo chất lượng như chỉ tiêu số lượng sinh viên/giảng viên cơ hữu của nhà trường và chỉ tiêu diện tích trường lớp/sinh viên để buộc cơ sở đào tạo phải bổ sung, nâng cao chất lượng giảng dạy.

“Do đó việc đào tạo, tuyển dụng và nâng cao chất lượng thầy cô đã tăng lên rõ rệt” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Nói thêm về băn khoăn “thừa thầy, thiếu thợ” của nhiều đại biểu, Bộ trưởng Luận cho rằng “Chỉ thừa thầy kém và cũng đúng là thiếu thợ, nhưng chỉ là thiếu thợ giỏi”. Do vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn khuyến khích các trường tăng cường lực lượng giảng viên.