Tại sao lại có sự chênh lệch trong chế độ phụ cấp cho các cán bộ, công chức?

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (TP. Đà Nẵng) cho rằng, trên thực tế, ngoài chế độ tiền lương chung, ngành nghề chỉ được hưởng phụ cấp công vụ 25%, nhưng cũng có nhiều ngành nghề vừa được hưởng phụ cấp công vụ, vừa hưởng phụ cấp đặc thù, phụ cấp thâm niên lên đến 55%.

Tại sao không quy định mỗi ngành nghề chỉ được hưởng một loại phụ cấp duy nhất, hưởng phụ cấp này thì không được hưởng phụ cấp kia và ngược lại.

Cũng đều là cán bộ, công chức nhà nước như nhau, vì sao lại có sự khác nhau quá xa như vậy?

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết, chế độ tiền lương chúng ta đang thực hiện bắt đầu từ tháng 10/2004 theo Kết luận số 21 ngày 7/8/2003 của Hội nghị Trung ương 8 khóa IX.

Trong kết luận của Trung ương 8, khóa IX có nêu 2 nguyên tắc cơ bản: (i) Công chức, viên chức áp dụng chung bảng lương theo ngạch, theo bậc; (ii) Điều kiện lao động đặc thù và ưu đãi ngành, nghề, thực hiện bằng chế độ phụ cấp. Đây được coi là khoản tiền lương bổ sung khi xác định lương theo ngạch, bậc thì chưa tính đến. Trên cơ sở đó, các cơ quan có thẩm quyền đã quy định áp dụng các chế độ phụ cấp đặc thù ngành, nghề.

Đến nay, ngoài công an, quân đội, cơ yếu, các cơ quan chức năng ban hành một số phụ cấp.

Cụ thể, có 19 ngành nghề được hưởng phụ cấp ưu đãi về trách nhiệm theo nghề, với khoảng 1,4 triệu người, chiếm khoảng 52% tổng số cán bộ công chức, viên chức. Phụ cấp thâm niên nghề có 9 ngành, nghề được hưởng khoảng 1,1 triệu người, chiếm khoảng 40% tổng số cán bộ công chức, viên chức.

Nguyên nhân, do mức lương trong các ngạch bậc tính theo mức lương cơ sở còn thấp, nên các cơ quan có thẩm quyền được quy định ngay trong các luật chuyên ngành và trong các văn bản của các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương đã mở rộng đối tượng áp dụng chế độ phụ cấp theo ngành, nghề để bổ sung thu nhập cho cán bộ công chức, viên chức.

“Do đó, đã làm phát sinh nhiều bất hợp lý giữa các ngành, nghề với nhau”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ chỉ rõ.

Vừa qua, Bộ Nội vụ đã tham mưu cho các cấp có thẩm quyền, nhất là Ban cán sự Đảng Chính phủ nhằm hoàn thiện Đề án cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng đến năm 2020.

“Nếu thực hiện Đề án này sẽ khắc phục được những bất cập, bất hợp lý đã nêu trên”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, do chưa cân đối được nguồn để thực hiện Đề án này, nên trước mắt Trung ương chưa thông qua mà giao cho Ban cán sự Đảng Chính phủ tiếp tục hoàn thiện Đề án và thông qua trung ương vào thời điểm thích hợp khi có điều kiện.

“Trong lúc Trung ương chưa thông qua Đề án, thì không bổ sung chế độ phụ cấp theo ngành, nghề ưu đãi trách nhiệm đặc thù”, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cung cấp thêm thông tin.

Không được áp dụng quy định về chức danh "hàm"

Xung quanh vấn đề hàm, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho hay, tính đến thời điểm hiện nay, trong các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước chưa có văn bản nào quy định về hàm đối với một số cơ quan, tổ chức, đơn vị đối với một số đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức.

Từ tháng 6/2014, Bộ Nội vụ đã thành lập một tổ để nghiên cứu xung quanh chức danh hàm.

Sau khi Quốc hội có Nghị quyết số 87, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, chúng tôi tiến hành thành lập một ban nghiên cứu, mời nhiều cơ quan, như: Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Văn phòng Quốc hội, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

“Chúng tôi tiến hành, đánh giá, hội thảo, nghiên cứu, lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà quản lý, các nhà khoa học”, người đứng đầu Bộ Nội vụ giải trình.

Cắt ngang bài giải trình của Bộ trưởng Bình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu Bộ trưởng thay vì đi giải thích cách làm của Bộ Nội vụ, thì cần tập trung trả lời vào nội dung câu hỏi, đó là: Trung ương làm như thế có đúng không?

“Tới giờ này không có văn bản nào của Đảng, của Nhà nước quy định là cho phép làm”, Bộ trưởng Bình lúng túng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lại nhắc lại câu hỏi: “Bây giờ địa phương có được làm không?”.

“Hiện bây giờ thì chưa có quy định nào nên không thể làm được”, Bộ trưởng Bình trả lời.

Không chấp nhận với sự thiếu dứt khoát của người đứng đầu Bộ Nội vụ, Chủ tịch Quốc hội lại yêu cầu: “Đồng chí nói dứt điểm, có phải ý đồng chí là việc này trên thực tế là có, đang làm nhưng làm như thế là không có quy định của pháp luật nào, là sai. Tuy nhiên, đấy là một thực tế, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đang được giao nghiên cứu. Trong khi đang nghiên cứu thì địa phương cũng không được mở rộng, không được làm, đúng không?”.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ trả lời: “Đúng như vậy”./.