Thất nghiệp cử nhân ngày càng tăng

Trong quý 3/2015, cả nước có 1,13 triệu người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, giảm 15.900 người so với quý 2/2015.

Mặc dù tỷ lệ thấp nghiệp chung đang có xu hướng giảm, nhưng riêng tỷ lệ thất nghiệp của nhóm lao động đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học và nhóm thanh niên lại tăng lên so với các quý trước. Trong tổng số người thất nghiệp, nhóm thanh niên có độ tuổi từ 15-24 tuổi có 666.000 người thất nghiệp, chiếm tới hơn 1 nửa tổng số người thất nghiệp (59%), tăng 7,3% so với quý 2/2015, cao gấp 3,1 lần so với tỷ lệ thất nghiệp chung. Đặc biệt là tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên thành thị tăng từ 11,84% trong quý 2/2015 lên 12,12% trong quý 3/2015.

Một điểm đáng chú ý là tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm có bằng đại học và cao đẳng chuyên nghiệp vẫn tiếp tục tăng cao và không có dấu hiệu dừng lại. Theo đó, quý 3/2015, có tới 117.300 người có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp (chiếm 10,4%) và 225.500 người có trình độ đại học trở lên thất nghiệp (chiếm tới 20%). Hơn nữa, nếu như quý 2/2015, tỷ lệ thất nghiệp của cao đẳng chuyên nghiệp và đại học lần lượt là 6,79% và 4,6% thì đến quý 3/2015, con số này đã tăng lên lần lượt là 7,93% và 4,88%.

Nhìn nhận về tình trạng này, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng, tỷ lệ thất nghiệp cao và gia tăng ở nhóm thanh niên cho thấy cần tiếp tục tập trung hỗ trợ việc chuyển tiếp cho thanh niên từ nhà trường đến thị trường lao động. Còn tỷ lệ thất nghiệp cao ở nhóm có trình độ cao đẳng, đại học trở lên cho thấy giữa cung và cầu của nhóm này tiếp tục bất cập.

Ngoài ra, số liệu thống kê cũng cho thấy, so với quý 2/2015, tình trạng thất nghiệp dài hạn trên 12 tháng trầm trọng hơn (từ 22,7% lên 25%); tỷ trọng người thất nghiệp dưới 12 tháng là 75%.

Việc làm cho thanh niên và nhóm cử nhân là bài toán vẫn chưa có lời giải thỏa đáng

Thu nhập bình quân tháng của lao động hưởng lương tăng

Thu nhập của lao động là một trong những thông tin đáng quan tâm của Bản tin. Theo đó, trong quý 3/2015, thu nhập bình quân tháng từ việc làm chính thức của lao động làm công hưởng lương là 4,61 triệu đồng, của lao động nam là 4,83 triệu đồng, lao động nữ là 4,3 triệu đồng.

Trong đó, thu nhập bình quân tháng của lao động thành thị là 5,38 triệu đồng, của lao động nông thôn là 4 triệu đồng (bằng 74,3% của lao động thành thị).

Xét về hình thức sở hữu, tỷ lệ lao động làm việc trong các doanh nghiệp nhà nước tiếp tục có thu nhập bình quân cao nhất (6,16 triệu đồng), khu vực hợp tác xã có mức thu nhập thấp nhất (2,98 triệu đồng - bằng 48,8% doanh nghiệp nhà nước).

So với quý 2/2015, thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương trong quý 3 tăng bình quân 147.000 đồng (4,3%), với mức tăng cao hơn ở các nhóm lao động có mức tiền lương thấp.

Bên cạnh đó, nếu xét theo nghề, thu nhập bình quân tháng của nhóm quản lý cao nhất (7,77 triệu đồng). Tiếp theo là nhóm chuyên môn bậc cao (6,59 triệu đồng), thấp nhất là nhóm lao động giản đơn (3,16 triệu đồng).

Tuy nhiên cần lưu ý, mặc dù theo mức lương thống kê cho thấy thu nhập càng cao với nhóm lao động có trình độ, nhưng với xu hướng ngày càng tăng lao động trình độ đại học trở lên thất nghiệp cho thấy nhu cầu ở nhóm này không tăng nhiều và đang có sự cạnh tranh gay gắt. Do vậy, ngay từ những cấp học phổ thông mỗi học sinh nên có sự định hướng về ngành học phù hợp với năng lực của bản thân để sao cho khi qua đào tạo có thể tìm được công việc tốt nhất./.