1. Cấm thi tuyển vào lớp 6

Đầu tháng 3/2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo cấm các trường (cả công và tư) tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 6. Nếu cơ sở giáo dục có số lượng học sinh đăng ký vào lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh thì phải xây dựng phương án tuyển sinh phù hợp, trình cấp có thẩm quyền ở địa phương quyết định.

Quy định này lập tức gây xôn xao dư luận, bởi nhiều trường ở đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh có lượng hồ sơ đăng ký rất lớn. Các năm trước, kỳ thi vào lớp 6 ở những trường này diễn ra khá căng thẳng với tỷ lệ chọi cao. Một số trường sau đó đã trình phương án đo chỉ số IQ (chỉ số thông minh), EQ (chỉ số cảm xúc), phỏng vấn bằng tiếng Anh, nhưng không được chấp nhận vì vẫn tạo ra áp lực mới cho các em.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sau đó công bố, một số trường tuyển sinh lớp 6 trên toàn Thành phố, trong đó có khối trung học cơ sở của trường chuyên Hà Nội - Amsterdam, sẽ xét tuyển dựa theo 3 tiêu chuẩn: Xét năng lực học tập qua học bạ; kết quả của các cuộc thi từ văn hóa đến nhạc họa, thể dục thể thao... và ưu tiên con em gia đình chính sách.

2. Chốt kinh phí Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông

Từ năm 2014, khi Dự thảo Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông được xây dựng đã gây xôn xao dư luận với số kinh phí “khủng” lên đến 34.000 tỷ đồng, mặc dù ngay sau đó Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đính chính đó là con số “nhầm lẫn”.

Cuối cùng, sau nhiều cuộc họp, phân tích của chuyên gia, cơ quan hoạch định chính sách, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 404/QĐ-TTg, ngày 27/03/2015 phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông.

Theo đó, tổng kinh phí cho Đề án là 778,9 tỷ đồng để thực hiện các nhiệm vụ: (i) Xây dựng, thử nghiệm chương trình; (ii) Biên soạn, thử nghiệm một bộ sách giáo khoa (do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thực hiện), trong đó có sách giáo khoa song ngữ (tiếng Việt và 1 số tiếng dân tộc ít người) đối với một số môn học ở cấp tiểu học, biên soạn và thử nghiệm sách giáo khoa điện tử; (iii) Thẩm định chương trình và thẩm định sách giáo khoa; (iv) Tập huấn, bồi dưỡng cho người tham gia xây dựng, biên soạn, thẩm định chương trình mới, xây dựng hệ thống tập huấn, bồi dưỡng giáo viên qua mạng để thực hiện chương trình mới, sách giáo khoa mới; (v) Cung cấp sách giáo khoa cho các trường vùng miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc ít người, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, học sinh khuyết tật.

Đề án cũng nêu rõ, việc biên soạn các bộ sách giáo khoa khác (trừ bộ sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện) và triển khai các hoạt động khác của Đề án sẽ huy động kinh phí của các nhà xuất bản, các tổ chức, cá nhân để biên soạn, không sử dụng kinh phí của Nhà nước.

3. Kỳ thi THPT quốc gia 2015

Lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức kỳ thi hai trong một, tức là một kỳ thi nhưng kết quả được sử dụng vào hai mục đích xét tốt nghiệp và xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.

Dù là lần đầu tiên tổ chức, nhưng kỳ thi này đã đạt được một số thành công nhất định, như: giảm thí sinh ảo, giảm tốn kém cho xã hội, giảm áp lực về giao thông, chỗ ở của thí sinh cho các thành phố lớn, đề thi phân hóa được thí sinh...

Tuy nhiên, kỳ thi này cũng bộc lộ một số điểm bất cập cần được xem xét, điều chỉnh cho các kỳ thi sau. Điển hình như tình trạng thí sinh lúng túng trong làm hồ sơ đăng ký dự thi dẫn đến nhiều sai sót, một số thí sinh không nộp hồ sơ theo thời gian quy định, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải kéo dài thời gian chỉnh sửa hồ sơ đến sát thời điểm diễn ra kỳ thi, gây khó khăn trong tổ chức thi; Một số cụm thi quốc gia do các trường đại học địa phương chủ trì, với số lượng thí sinh tăng đột biến, phải thuê địa điểm thi là các trường tiểu học, cán bộ coi thi là sinh viên chiếm số lượng lớn, nên có tình trạng 1 phòng thi có 2 giám thị đều là sinh viên; Đăng ký xét tuyển nguyện vọng còn nhiều lúng túng từ cả phía nhà trường và thí sinh...

Kỳ thì THPT quốc gia "2 trong 1" là một trong những đổi mới nổi bật của ngành giáo dục năm 2015

4. Thay đổi cách thức đánh giá cuối năm học đối với học sinh tiểu học

Theo Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT, ngày 28/08/2014 về Quy định đánh giá học sinh tiểu học, bắt đầu từ niên học 2014-2015, việc khen thưởng học sinh cuối học kì I và cuối năm học về một trong ba nội dung đánh giá trở lên, như: Khen thưởng về các môn học, Khen thưởng về năng lực, phẩm chất. Nội dung, số lượng học sinh được khen thưởng, tuyên dương do hiệu trưởng quyết định.

Nếu như trước đây, việc ghi vào giấy khen phụ thuộc vào kết quả học tập (học lực) là chính thì giờ đây, việc ghi vào giấy khen (nếu có) về nội dung khen thưởng học sinh là hết sức linh hoạt do giáo viên chủ nhiệm và hiệu trưởng quyết định, không áp dụng theo khuôn mẫu có sẵn. Điều này đã nảy sinh nhiều vấn đề trong cách đánh giá và lựa chọn cách đánh giá của các giáo viên và các trường.

Cụ thể, có trường khen tặng cho học sinh theo các nội dung tương ứng là: “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của học sinh”; “Hoàn thành tốt nhiệm vụ của học sinh” hay “Hoàn thành nhiệm vụ của học sinh”. Hiểu nôm na như trước đây, xuất sắc tương đương với điểm 9,10; tốt tương đương với 7,8; hoàn thành không thôi thì tương đương với 5,6.

Trong khi có trường ghi vào giấy khen theo các mức: Đạt danh hiệu “xuất sắc toàn diện”, xuất sắc môn Toán”, “xuất sắc môn Tiếng Việt”, có nghĩa nếu học sinh đạt hết cả ba mặt kiến thức, kĩ năng; năng lực; phẩm chất sẽ được khen xuất sắc toàn diện, còn chỉ nổi bật một trong ba môn thì sẽ khen ở môn giỏi nhất.

Bản chất của việc bỏ cách thức đánh giá, khen thưởng học sinh về học lực là để giảm thiểu áp lực học hành đối với các em học sinh tiểu học. Đồng thời, với việc giáo viên, nhà trường sẽ chọn khen những mặt tốt của học sinh trên các phương diện học lực, phẩm chất, năng khiếu sẽ tạo động lực, khuyến khích các em nỗ lực hơn trong học tập.

Một học sinh không giỏi, không có nhiều năng lực nổi trội, nhưng có những phẩm chất tốt, như: hay giúp đỡ mọi người, tương thân tương ái, nhặt được của rơi trả người đánh mất… cũng sẽ được giấy khen; học sinh học không giỏi, nhưng nổi bật về một môn năng khiếu (nhạc, họa...) cũng sẽ được giấy khen... Điều này sẽ giúp các em nhận biết được điểm tốt của mình, tự tin hơn trong học tập.

5. Bộ Giáo dục công bố Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể

Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được Bộ Giáo dục công bố vào đầu tháng 8/2015. Thay vì học sinh phải học 13 môn như hiện nay, số môn học bắt buộc sẽ giảm chỉ còn 7-8 đối với THCS và còn 4 môn đối với THPT. Các môn học ở cả 3 cấp được chia thành môn bắt buộc và môn tự chọn. Tên một môn học có thể thay đổi ở từng cấp học.

Cấp THPT, để hài hòa giữa học phân hoá định hướng nghề nghiệp với học toàn diện, môn Khoa học Xã hội cùng với các môn Vật lý, Hoá học, Sinh học sẽ dành cho học sinh định hướng khoa học tự nhiên. Môn Lịch sử, Địa lý sẽ dành cho các học sinh định hướng khoa học xã hội. Học sinh có thể thay đổi môn học tự chọn và chuyên đề học tập tự chọn phù hợp với định hướng nghề nghiệp cá nhân, nhưng bắt buộc phải hoàn thành số lượng môn học, chuyên đề học tập tối thiểu theo quy định trong chương trình giáo dục.

Tuy nhiên, một trong những vấn đề được quan tâm bình luận phân tích của giới chuyên gia và dư luận là để môn Lịch sử là môn tích hợp hay môn độc lập. Trong nghị quyết ban hành chiều 27/11/2015, Quốc hội đã ra quyết nghị tiếp tục giữ Lịch sử là môn học độc lập trong chương trình sách giáo khoa mới.

6. Khai giảng cùng ngày trên cả nước

Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2014-2015 và triển khai năm học 2015-2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo diễn ra ngày 12/8/2015, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đưa chỉ đạo về việc sẽ triển khai ngày khai giảng trong cùng một ngày trên cả nước.

“Tôi bàn với Bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo năm nay nên kiên định chọn một ngày khai giảng thống nhất trong cả nước. Nếu có thể, vào cùng một thời điểm, tất cả các trường trong toàn quốc thực hiện nghi lễ chào cờ, đọc thư của Chủ tịch nước, sau đó hiệu trưởng phát biểu ngắn gọn rồi kết thúc phần lễ. Phần sau là ngày hội cho các cháu” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng, ngày Lễ Khai giảng năm nay được tổ chức thống nhất trên toàn quốc vào buổi sáng ngày 05/09/2015 - “Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường”. Nội dung Lễ Khai giảng khác với mọi năm không còn những bài diễn văn, không có những báo cáo thành tích dài lê thê, mà chú trọng tổ chức việc đón học sinh đầu cấp, chào cờ, hát Quốc ca, đọc thư của Chủ tịch nước và các hoạt động tập thể (văn hóa, văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian…), đảm bảo Lễ Khai giảng thực sự trở thành ngày hội khai trường, là ngày hội vì học sinh./.