Đây cũng chính là chủ đề của hội thảo “Tăng cường tính định hướng thị trường trong hoạt động khoa học và công nghệ” do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức chiều nay, ngày 29/12.

Hành lang pháp lý đã sẵn sàng

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, tính đến năm 2014, Việt Nam có hơn 80 hiệp định hợp tác về khoa học và công nghệ, là thành viên của gần 100 tổ chức quốc tế về khoa học công nghệ. Đồng thời, từ khi có Luật Khoa học và Công nghệ (2000, sửa đổi 2013) đến nay, Việt Nam có hơn 540 hợp đồng, thỏa thuận về hợp tác quốc tế tại các cơ sở R&D, có hơn 400 nhiệm vụ hợp tác song phương giữa các tổ chức khoa học và công nghệ Việt Nam với các tổ chức khác trên thế giới.

Mở đầu hội thảo, TS. Nguyễn Minh Ngọc, Viện nghiên cứu Kinh tế và Phát triển nhận xét, trong thời gian qua, hoạt động khoa học và công nghệ đã có nhiều đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta. Kết quả nghiên cứu và các kiến nghị từ nhiều đề tài có tính ứng dụng cao, góp phần sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, tạo ra các sản phẩm, quy trình mới và nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp.

Đánh giá cao vai trò của định hướng thị trường trong đổi mới sáng tạo, theo TS. Trần Thăng Long, thì định hướng thị trường là nguyên lý quản lý thể hiện việc triển khai tư tưởng marketing vào quá trình R&D. Định hướng thị trường có ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của một tổ chức. Muốn phát triển định hướng thị trường phải bắt đầu từ sự đổi mới về nhận thức và thái độ, rồi đến hành vi của lãnh đạo và toàn thể tổ chức. Một khi đã quyết tâm triển khai và tạo dựng cho định hướng thị trường trở thành văn hóa tổ chức, thì khả năng vượt trội và thành công của tổ chức sẽ cao hơn rất nhiều.

Về thực trạng phát triển thị trường công nghệ ở Việt Nam, TS. Nguyễn Hữu Xuyên, Viện Nghiên cứu Sáng chế và Khai thác công nghệ cho biết, giao dịch trên thị trường công nghệ hiện nay ở nước ta chủ yếu là mua bán trang thiết bị, máy móc và toàn bộ dây chuyền công nghệ, mà chưa chú ý đến các giao dịch, mua bán các bí quyết công nghệ và tài sản trí tuệ.

TS. Đặng Ngọc Sự trình bày tại hội thảo

Để thúc đẩy giao dịch trên thị trường công nghệ, các đơn vị trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, như: Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ đã tổ chức thành công nhiều Chợ Công nghệ và Thiết bị (Techmart) trình diễn kết nối cung cầu về công nghệ, hội nghị sàn giao dịch công nghệ và các định chế trung gian. Thông qua các hoạt động này, đã có nhiều hợp đồng được ký kết.

Đơn cử như, tại Techmart 2015, tổ chức tại Hà Nội vào tháng 10 năm nay, đã thu hút trên 750 đơn vị tham gia với 600 gian hàng. Trong đó, có hơn 500 doanh nghiệp, 22 trường đại học về công nghệ, 32 sở khoa học và công nghệ, 57 nhà sáng chế không chuyên và nhiều sản phẩm công nghệ đến từ các quốc gia trên thế giới, đồng thời đã có 463 hợp đồng, bản ghi nhớ được ký kết với tổng giá trị trên 380 tỷ đồng.

Đáng lưu ý là, để tạo hành lang pháp lý cho thị trường công nghệ phát triển, Nhà nước đã ban hành một số chính sách liên quan đến kích cung, kích cầu và các định chế trung gian nhằm hỗ trợ các hoạt động chuyển giao công nghệ, mua bán sáng chế, như: Quyết định số 214/2005/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thị trường công nghệ, Quyết định số 2075/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2020, Thông tư số 16/2014/TT-BKHCN về điều kiện thành lập, hoạt động của tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ…

Nhìn chung, các chính sách đã tạo ra hành lang pháp lý tương đối đầy đủ cho thị trường công nghệ phát triển. Tuy nhiên, việc nhận biết và vận dụng các chính sách được các tổ chức đánh giá còn gặp nhiều khó khăn, vai trò của Nhà nước đối với phát triển thị trường công nghệ trong thời gian qua còn nhiều hạn chế trong việc kích cung, kích cầu và phát triển các định chế trung gian về công nghệ. Đặc biệt, trong quá trình thực thi đã bộc lộ nhiều bất cập như chưa phù hợp với cơ chế thị trường, vấn đề về quyền sở hữu kết quả nghiên cứu chưa rõ ràng, các chính sách hỗ trợ còn thiếu đồng bộ, nên hiệu quả mang lại chưa cao.

Để các chính sách thực sự phát huy tác dụng

TS. Nguyễn Minh Ngọc cho rằng, để phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả đầu tư cho khoa học và công nghệ, các công trình nghiên cứu cần phải được định hướng để đáp ứng nhu cầu thị trường và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.

Bên cạnh đó, theo TS. Nguyễn Hữu Xuyên, trong bối cảnh toàn cầu hóa, để góp phần thực hiện mục tiêu tăng giá trị giao dịch mua bán các sản phẩm, dịch vụ khoa học và công nghệ trên thị trường công nghệ, cần rà soát lại các chính sách liên quan đến phát triển thị trường công nghệ nhằm hạn chế sự chồng chéo giữa các văn bản chính sách, góp phần tạo ra hành lang pháp lý cho thị trường công nghệ phát trin một cách minh bạch, rõ ràng, nhất quán và phù hợp với hệ thống pháp luật quốc tế.

Ngoài ra, phát triển các định chế trung gian trong thị trường công nghệ. Để làm được điều này Nhà nước cần xây dựng các tiêu chí đánh giá dể hỗ trợ thành lập các định chế trung gian, đồng thời nâng cao năng lực của các định chế trung gian thông qua việc mở rộng và tăng cường tổ chức các hội chợ thiết bị và công nghệ với quy mô ngày một lớn hơn, tần suất nhiều hơn và tổ chức trên nhiều địa bàn khác nhau trong phạm vi cả nước.

Một yêu cầu khác không kém phần quan trọng là xây dựng lộ trình phát triển thị trường công nghệ một cách cụ thể, rõ ràng và đảm bảo các nguồn lực cần thiết nhằm thực hiện Quyết định 2075 về chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2020. Qua đó góp phần thúc đẩy nguồn cung công nghệ, nâng cao chất lượng dịch vụ khoa học công nghệ và năng lực chuyển giao công nghệ từ các tổ chức khoa học và công nghệ, đồng thời đẩy mạnh việc kết nối cung – cầu, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, phát triển các vườn ươm tạo công nghệ và doanh nghiệp khoa học công nghệ, bảo đảm thực thi quyền sở hữu trí tuệ nhằm thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo./.