Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì Hội nghị

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng ban Cao Đức Phát cho biết, năm 2015 thiên tai tuy xảy ra ít về số lượng, nhưng cường độ tác động một số đợt lại ở mức cao kỷ lục. Có 5 cơn bão và 1 áp thấp nhiệt đới hoạt động ở Biển Đông, trong đó có 2 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta. Nắng nóng gay gắt với nền nhiệt cao kéo dài xảy ra trên diện rộng từ Bắc bộ đến các tỉnh Nam Trung bộ. Mưa đặc biệt lớn tại Quảng Ninh; sạt lở đất, bờ sông, bờ biển xảy ra nhiều nơi; xập nhập mặn xảy ra sớm hơn và lấn sâu vào đất liền; tình trạng cạn kiệt nguồn nước trên các dòng sông ngày càng phổ biến đã ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, sản xuất của nhân dân.

Thiên tai năm 2015 đã làm 154 người chết, trong đó có 94 người chết do lũ, lũ quét và sạt lở đất; 60 người chết do lốc, sét, không có người chết do bão; 127 người bị thương; 1.242 nhà bị đổ, sập, trôi; 35.233 nhà bị ngập, hư hỏng; hơn 445.000 ha diện tích lúa và hoa màu bị thiệt hại. Ước tổng thiệt hại khoảng 8.114 tỷ đồng.

Tính chung trong 5 năm qua, thiên tai đã khiến 1.128 người chết và mất tích (trung bình mỗi năm có 226 người chết và mất tích) giảm 53% so với giai đoạn 2006 - 2010 (478 người chết, mất tích/năm).

Thiệt hại về vật chất trung bình mỗi năm 13.647 tỷ đồng (tương đương 660 triệu USD/năm) giảm 32% so với giai đoạn 2006-2010 (976 triệu UDS/năm).

Tình trạng thời tiết cực đoan, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sẽ có thể tiếp tục diễn ra trong năm 2016. Hiện tượng El Nino kéo dài có thể tiếp tục gây hạn hán nghiêm trọng ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; tình trạng thiếu nước ở hầu hết các lưu vực sông và có thể sẽ có đợt hạn hán kỷ lục; bão, lũ vẫn có thể xảy ra đột ngột, cường độ mạnh; lũ quét, sạt lở đất vẫn nghiêm trọng...

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ghi nhận những bước tiến bộ tích cực trong công tác phòng chống thiên tai trong giai đoạn 5 năm vừa qua, đồng thời nhấn mạnh yêu cầu tăng cường hơn nữa năng lực phòng, chống thiên tai ở mọi cấp, ngành, phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại do các loại hình thiên tai gây ra.

Chỉ ra những diễn biến ngày càng khó lường của thời tiết, của tình trạng BĐKH, của tình trạng đô thị hóa và vận hành những công trình lớn..., Phó Thủ tướng cho rằng, công tác phòng chống thiên tai, ứng phó với thảm họa cần nâng cấp ở mọi khâu, từ nhận thức, tinh thần cảnh giác đến thể chế, đầu tư trang thiết bị cũng như ứng dụng khoa học kỹ thuật.

Cụ thể, trong thời gian tới, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, bên cạnh hoàn thành các kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai, phải đề xuất các chính sách nhằm kiểm soát các rủi ro mới phát sinh trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội như xây dựng kết cấu hạ tầng, khai thác khoáng sản, hồ chứa...

Đặc biệt, tổng kết diễn biến, cơ cấu số liệu thiên tai thời gian qua cho thấy giai đoạn vừa qua đã hạn chế được số người chết, mất tích nhưng tỷ lệ thiệt hại về người do mưa, lũ vẫn chiếm cao nhất (62%), sau đó là do lũ quét, sạt lở đất (16%), nên cần tập trung vào việc ứng phó loại hình này. Địa phương nào ảnh hưởng nhiều sẽ phải có kế hoạch hành động riêng, giải pháp đặc biệt hơn để ứng phó.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng lưu ý về công tác truyền thông, coi đây là khâu hết sức quan trọng tương tự như việc nâng cao việc dự báo, quan trắc. Các vấn đề mới do diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, của tình hình mới như năng lượng hạt nhân, động đất, sóng thần... cũng cần được cập nhật.

Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến về việc huy động các nguồn lực thực hiện các dự án, đề án về phòng chống thiên tai, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, rà soát và lồng ghép các chương trình ứng phó biến đổi khí hậu vào công tác phòng chống thiên tai.../.