Cụ thể, theo báo cáo của Phòng Chính sách Lao động Việc làm – Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội, mức thưởng Tết Nguyên đán Bính Thân cao nhất tại thủ đô là 100 triệu đồng/người. Mức thấp nhất là 450.000 đồng/người. Cả 2 mức này đều thuộc doanh nghiệp FDI (có vốn đầu tư nước ngoài).

Trong khi đó, theo báo cáo kế hoạch thưởng Tết mà Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh cung cấp, thì mức thưởng Tết Bính Thân cao nhất là 600 triệu đồng/người, thấp nhất là 3,088 triệu đồng/người, mức thưởng trung bình là một tháng lương cơ bản.

Như vậy, có thể thấy, mức thưởng ở cả hai thành phố lớn đều tăng so với năm 2015. Tuy nhiên, khoảng cách là khá lớn khi mức thưởng tết ở TP. Hồ Chí Minh cao hơn Hà Nội cả ở mức sàn (gấp 6,9 lần) và trần (gấp 6 lần).

Ngoài ra, phân theo vị trí và ngành, lĩnh vực, JobStreet.com (mạng quảng cáo việc làm khu vực Đông Nam Á) mới công bố kết quả một cuộc khảo sát thị trường. Theo đó, năm nay có 16,7% trong số lao động được khảo sát tại các doanh nghiệp Việt Nam không được thưởng tết. Mức thưởng dưới 1 tháng và 1-2 tháng chiếm tỷ trọng cao nhất, lần lượt là 35,6% và 31,5% trong số các lao động được khảo sát.

Khảo sát này cũng chỉ rõ chênh lệch về mức thưởng phụ thuộc lớn về cấp bậc của người lao động. Cụ thể, 72% lao động ở cấp bậc quản lý cho rằng họ nhận được mức thưởng “khủng” từ 1 đến trên 4 tháng lương, tương đương 33-35 triệu đồng. Trong khi đó, 58,26% lao động ở cấp bậc nhân viên chỉ nhận được mức thưởng dưới 1 tháng lương.

Theo đó, người lao động tại lĩnh vực khai thác khoáng sản, xăng, dầu và khí đốt nhận được mức thưởng cao nhất, có đến 14% nhận được hơn 4 tháng lương thưởng./.