Ngày 29/1/2016, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1 năm 2016. Tại phiên họp, Chính phủ nghe và thảo luận về Báo cáo tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và tình hình kinh tế-xã hội tháng 1/2016 và một số nội dung quan trọng khác.

Trong tháng 1/2016, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tập trung giao kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, kế hoạch đầu tư và dự toán ngân sách Nhà nước; đề ra chương trình hành động triển khai thực hiện kế hoạch.

Các thành viên Chính phủ nhất trí cho rằng, tình hình kinh tế - xã hội tháng đầu năm 2016 tiếp tục chuyển biến và đạt kết quả khả quan.

Giá tiêu dùng ổn định, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2016 không tăng so với tháng 12/2015; sản xuất công nghiệp tăng so với cùng kỳ; sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển. Khu vực dịch vụ phát triển ổn định; tổng cầu và sức mua tiếp tục được cải thiện. Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu tăng, nhập siêu giảm mạnh; thu hút và giải ngân vốn FDI tăng cao so với cùng kỳ; vốn ODA và vay ưu đãi giải ngân đạt khá.

Hoạt động phát triển doanh nghiệp tiếp tục có chuyển biến; số doanh nghiệp đăng ký mới và quy mô doanh nghiệp tăng cao so với cùng kỳ năm trước. An sinh xã hội được bảo đảm; đời sống của người dân, đặc biệt là gia đình chính sách, người nghèo, người già neo đơn… được quan tâm; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, bảo đảm tuyệt đối an toàn trong thời gian diễn ra Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Tuy nhiên, sự phục hồi chậm, thiếu vững chắc của kinh tế thế giới, giá dầu thế giới giảm mạnh và chưa có dấu hiệu phục hồi ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế nước ta. Tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn. Thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường, rét hại, rét đậm gây ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân và hoạt động sản xuất nông nghiệp và khả năng dịch bệnh lây lan vẫn còn cao. Đặc biệt ảnh hưởng đến đời sống của người dân vùng núi, đồng bào dân tộc thiểu số.

Đặc biệt quan tâm chăm lo Tết cho nhân dân

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các Sở Công Thương tham mưu cho lãnh đạo các tỉnh, thành phố tăng cường công tác chuẩn bị, nhất là chuẩn bị nguồn hàng, bình ổn giá.

Theo số liệu chưa đầy đủ, đến hết 31/12/2015 đã có 48 tỉnh, thành phố có các biện pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp thương mại dự trữ nguồn hàng, bảo đảm đủ nguồn cung hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh trong dịp Tết.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu bên cạnh bảo đảm tốt cung cầu hàng hóa trong dịp Tết, các bộ, ngành, địa phương cần hết sức lưu ý đến các biện pháp tăng cường quản lý giá cả, thị trường, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; xử lý nghiêm các hàng vi buôn lậu, làm hàng giả, hàng nhái, găm hàng gây sốt giá, trục lợi bất chính.

Kết luận trong cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề cập là Tết Nguyên đán đã đến gần, các bộ, ngành, địa phương cần đặc biệt quan tâm chăm lo Tết cho nhân dân; bảo đảm tốt cân đối cung cầu, chất lượng hàng hóa, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát tốt thị trường giá cả; thực hiện hiệu quả công tác chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Trong chăm lo Tết cho nhân dân, cần hết sức lưu ý đến các đối tượng chính sách, người có công, người nghèo, đồng bào vùng sâu vùng xa… bảo đảm cho nhân dân đón Tết vui tươi, an toàn, lành mạnh; tiết kiệm, người người có Tết, nhà nhà có Tết.

Ngành giao thông phải bảo đảm vấn đề về phương tiện đi lại cho nhân dân, nhất là công nhân ở các khu công nghiệp về quê ăn Tết; không để xảy ra tình trạng thiếu phương tiện đi lại dẫn đến tình trạng xô đẩy, chen lấn ở các bến tàu, bến xe; kiểm soát tốt giá cước vận tải, giá vé tàu, vé xe.

Ngành công an bố trí, bảo đảm chế độ ứng trực, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi tàng trữ, buôn bán, vận chuyển và đốt pháo nổ trong dịp Tết. Thực hiện hiệu quả công tác phòng chống cháy nổ. Tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát; siết chặt kỷ cương, kỷ luật, bảo đảm trật tự an toàn giao thông và phải giảm được số người bị thương, số người bị chết do tai nạn giao thông trong dịp Tết Bính Thân.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý sau Tết là mùa lễ hội, rút kinh nghiệm từ các mùa lễ hội đầu các năm trước, cần tiếp tục tăng cường, kiểm soát tốt hoạt động tổ chức lễ hội; chấn chỉnh, ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực trong hoạt động tổ chức lễ hội.

Triển khai nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm

Đề cập tới nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quan tâm thúc đẩy, triển khai thực hiện nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch đã đề ra trên tinh thần triển khai một cách đồng bộ, toàn diện, nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, có mục tiêu cụ thể, rõ ràng.

Trong kinh tế, cần hết sức quan tâm kiểm soát tốt lạm phát, giá cả; không ngừng củng cố và tăng cường sự ổn định kinh tế vĩ mô. Đi liền với mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu, phải kiểm soát chặt chẽ nhập siêu, giữ mức nhập siêu theo như chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; thực hành triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, bảo đảm cân đối thu chi ngân sách.

Liên quan đến sản xuất kinh doanh, tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh.

Đẩy mạnh hơn nữa hoạt động phát triển sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, thu hút đầu tư nước ngoài, giải ngân thi công các dự án, công trình… Riêng trong vấn đề nông nghiệp, Thủ tướng yêu cầu phải hết sức quan tâm hỗ trợ đồng bào khắc phục hậu quả của đợt rét đậm, rét hại vừa qua; hỗ trợ, giúp đồng bào khôi khục lại sản xuất, khôi phục lại đàn gia súc bị chết rét; đề nghị Bộ Tài chính ứng ngân sách cho các tỉnh hỗ trợ đồng bào trên tinh thần chính sách, định mức đã có; đồng thời yêu cầu ngân hàng quan tâm hỗ trợ tín dụng, cho người dân vay vốn, sớm khôi phục sản xuất sau thiên tai.

Trước tình hình hạn hán, tình trạng xâm nhập mặn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu bộ, ngành hữu quan sớm xây dựng để trình ban hành một chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ với các giải pháp, biện pháp hiệu quả trong ứng phó, các chính sách hỗ trợ đồng bào kịp thời khôi phục, ổn định và phát triển sản xuất.

Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác hội nhập, nhất là hội nhập kinh tế quốc tế; chuẩn bị tốt các điều kiện cho hội nhập, tận dụng tối đa các cơ hội, lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do, nhất là những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam ký kết với các đối tác lớn mang lại.

Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội. Thúc đẩy hơn nữa sự nghiệp phát triển y tế, văn hóa, giáo dục.

Sớm công bố kế hoạch thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2016, tiếp tục thực hiện đổi mới thi cử theo đúng chủ trương của Trung ương và trên tinh thần nghiêm túc, cầu thị, tạo điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất cho phụ huynh, học sinh trong thi tuyển song vẫn phải bảo đảm chất lượng, giảm chi phí, ít tốn kém cho Nhà nước và nhân dân./.