Đây là báo cáo đồng thực hiện bởi Chính phủ Việt Nam và Nhóm Ngân hàng Thế giới.

Đến năm 2035, Việt Nam kỳ vọng trở thành một nền kinh tế hiện đại, công nghiệp hóa, tăng trưởng toàn diện vì lợi ích của toàn xã hội và bền vững về môi trường, dựa trên nền tảng ổn định về quản trị nhà nước tốt và các thể chế có sự tham gia của người dân. Thông qua quá trình phát triển đầy thử thách từ khi sau Đổi Mới, Việt Nam đã cho thấy triển vọng thực tế để có thể đạt được lộ trình này. Thành công của Việt Nam phụ thuộc vào tầm nhìn táo bạo và các hành động cải cách chính sách và cải cách thể chế đi kèm, đặc biệt là trong vòng 5-10 năm tới.

Những thành tựu trong quá khứ có thể là nền tảng cho khát vọng mạnh mẽ hiện nay nhưng không thể đảm bảo có thể hiện thực hóa điều này. Lộ trình phát triển có thể sẽ phức tạp và gặp nhiều thử thách, phản ánh khát vọng mạnh mẽ để đạt được mục tiêu này. Những yêu cầu về thể chế để chuyển đổi từ quốc gia thu nhập trung bình lên nhóm thu nhập cao sẽ khắt khe hơn so với những yêu cầu thể chế để chuyển từ thu nhập thấp lên thu nhập trung bình.

Chính phủ Việt Nam đã nhìn thấy triển vọng cũng như thách thức của quá trình này. Trong nỗ lực để hiểu rõ hơn tiềm năng và các cơ hội để đạt được mục tiêu này, Chính phủ đã mời Ngân hàng Thế giới cùng tham gia chuẩn bị Báo cáo Việt Nam 2035 với các chuyên gia Việt Nam. Quyết tâm thực hiện báo cáo chung này đã được củng cố trong một thỏa thuận giữa Chủ tịch Nhóm Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào tháng 7/2014 trong chuyến thăm của ông Kim đến Việt Nam.

Từ ngày 17/04/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Báo cáo “Việt Nam 2030” do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam làm Trưởng ban. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh làm Phó Trưởng ban.

Thành viên Ban Chỉ đạo gồm: Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; Phó Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; Thứ trưởng Bộ Tài chính; Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo, điều hành, đôn đốc và phối hợp hoạt động của các bộ, ngành; phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam trong việc triển khai nghiên cứu, xây dựng Báo cáo “Việt Nam 2030”.

Đồng thời, thành lập Nhóm chuyên gia gồm đại diện cấp Vụ của các Bộ, ngành để giúp việc cho Ban Chỉ đạo. Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo và Nhóm chuyên gia do Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Báo cáo “Việt Nam 2030” quyết định. Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo.

Trang web chính thức của Báo cáo Việt Nam 2035

Trước đó, sáng ngày 22/01/2016, tại Đại hội Đảng XII, thay mặt Ban Cán sự Đảng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI đã nhắc đến bản Báo cáo Việt Nam 2035 trong bản tham luận về vấn đề "Đẩy mạnh cải cách thể chế, hướng tới một Việt Nam thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ" của mình.Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì với Ngân hàng Thế giới tập hợp các chuyên gia kinh tế hàng đầu của thế giới và trong nước, xây dựng Báo cáo Việt Nam 2035 hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ.

“Báo cáo này xác định nền kinh tế Việt Nam đang ở đâu trong khu vực và trên thế giới? Mục tiêu, khát vọng của Việt Nam đến 2035 là gì? Những cản trở nào cho sự phát triển của Việt Nam hiện nay? Bằng cách nào Việt Nam đạt mục tiêu của mình?”, Bộ trưởng Vinh chỉ rõ.

Báo cáo nghiên cứu sâu về ba trụ cột phát triển nêu trên và sáu chuyển đổi lớn, phác thảo chiến lược phát triển thích hợp với xuất phát điểm của một nước có thu nhập trung bình thấp trong bối cảnh kinh tế thế giới đầy biến động, nhằm đưa Việt Nam thành nước có thu nhập cao hoặc cận trên của nước công nghiệp trung bình cao đến năm 2035./.