Những căn cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam

Hoàng Sa và Trường Sa là hai quần đảo xuất hiện trên các bản đồ hàng hải phương Tây trước thế kỷ XVII, hầu hết đều đi liền với tên gọi Ciampa hay Campa. Điều có nghĩa những đảo này từng gắn rất chặt với vương quốc Champa, sau này trở thành một bộ phận của nước Việt Nam.

Sang thế kỷ XVIII, ghi chép của nhà bác học Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục còn cho biết chính quyền chúa Nguyễn đã khẳng định chủ quyền thông qua việc tổ chức quy củ các đơn vị chuyên trách thực thi công vụ trên hai quần đảo (Đội Hoàng Sa và Đội Bắc Hải), quy định rõ ràng về phiên chế, phân rõ địa phương thực hiện, quy trình, thủ tục và nhiệm vụ cụ thể: “Trước đây họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, luân phiên nhau hàng năm cứ vào tháng ba nhận mệnh đi làm sai dịch, mang lương đủ ăn 6 tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu nhỏ ra biển, ba ngày ba đêm mới đến đảo này... Lấy được được hóa vật của tàu như gươm, tiền bạc, đồ đồng, khối thiếc, khối chì, súng, đồ sứ, ngà voi, sáp ong, đồi mồi, hải sâm, vỏ ốc…rất nhiều. Đến tháng Tám thì về , vào cửa Eo, đến thành Phú Xuân để nộp. Cân định hạng xong mới cho đem bán riêng các thứ ốc vân, hải ba, hải sâm, rồi lĩnh trở về ”.

Những công việc của các đội đặc nhiệm này được quản lý rất chặt chẽ. Lê Quý Đôn đã tận mắt xem sổ ghi chép của một viên Cai đội tên là Thuyên và cho biết: “Năm Nhâm Ngọ lượm được 30 hốt bạc; năm Giáp Thân được 5.100 cân thiếc; năm Ất Dậu được 126 hốt bạc… ” (Lê Quý Đôn, 1977).

Năm 1802, triều Nguyễn thành lập, xây dựng một chính quyền cai trị thống nhất từ Bắc tới Nam. Tiếp tục duy trì sự hiện diện và khai thác các nguồn lợi như các chúa Nguyễn, các hoàng đế nhà Nguyễn đặc biệt quan tâm đến việc củng cố chủ quyền lãnh hải và trên các đảo, trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa. Các nhà nghiên cứu đã trưng ra được rất nhiều đoạn chính sử, các văn kiện chính thức (châu bản) và những chỉ dụ, sắc lệnh do các hoàng đế nhà Nguyễn trực tiếp ban ra về các công việc liên quan đến hai quần đảo, như việc vua Gia Long ra lệnh cho quân đội ra dựng mốc cắm cờ vào năm 1816, vua Minh Mệnh trực tiếp xử lý việc thưởng phạt đối với các sĩ quan và binh lính thực thi công vụ; trực tiếp phê duyệt kế hoạch xây chùa cùng việc phân bổ ngân sách và nhân lực thực hiện các công việc đó… Những căn cứ không thể xác đáng hơn là cùng với những tư liệu được ghi chép trong các bộ chính sử, các tư liệu trong kho lưu trữ, chủ quyền Việt Nam còn hiển hiện trong các tài liệu được lưu giữ trong dân như những di vật của tiền nhân là những người tham gia Đội Hoàng Sa và Đội Bắc Hải. Đó còn là những di tích như miếu thờ, nghi lễ tế sống các binh lính Hoàng Sa trước khi đi làm nhiệm vụ…

Có thể nói, đến thời Nguyễn, chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được thiết lập và thực thi một cách đầy đủ và toàn vẹn, không có sự tranh chấp nào. Chính vì vậy, khi đánh chiếm được Việt Nam, Pháp đã mặc nhiên đặt quyền quản lý của chính quyền đô hộ lên hai quần đảo. Người Pháp đã cho xây dựng các đài khí tượng, trạm quan trắc và cắt đặt lính đồn trú trên các đảo.

Ngày 21/7/1954, Hiệp định Giơnevơ được ký kết. Trung Quốc là một trong số các quốc gia tham gia đàm phán. Vĩ tuyến 17 trở thành ranh giới tạm thời trước khi Việt Nam thống nhất. Hoàng Sa và Trường Sa nằm ở phía nam vĩ tuyến, thuộc quyền quản lý của quân đội Pháp và sau đó là chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Quân đội Việt Nam Cộng hòa đã thay quân Pháp thực thi chủ quyền trên hai quần đảo đó. Năm 1975, khi đất nước hoàn toàn thống nhất, chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Như vậy, trong suốt hơn ba thế kỷ qua, Việt Nam đã liên tục bảo vệ và thực thi chủ quyền của mình trên hai quần đảo phù hợp với luật pháp quốc tế.

Quá trình Trung Quốc sử dụng vũ lực cưỡng chiếm toàn bộ Hoàng Sa và một số đảo ở Trường Sa

Từ khi CHND Trung Hoa ra đời (năm 1949), đã có 2 lần Trung Quốc ra quân lớn đánh Việt Nam để chiếm quần đảo Hoàng Sa (năm 1974) và Trường Sa (năm 1988).

Tháng 1/1974, Trung Quốc dùng vũ lực chiếm các đảo do quân đội Việt Nam Cộng hoà đóng, 75 sĩ quan và binh sĩ Sài Gòn hy sinh, Trung Quốc chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. Kể từ đây, trong vấn đề chủ quyền Hoàng Sa, Việt Nam đã bị tước mất yếu tố vật chất (Corpus), nhưng chủ quyền của Việt Nam vẫn không bị gián đoạn do được đảm bảo bằng yếu tố tinh thần (Animus).

Năm 1975, Việt Nam thống nhất, quân đội Nhân dân Việt Nam thay thế quân đội Việt Nam Cộng hoà tại quần đảo Trường Sa. Năm 1977, Việt Nam ra tuyên bố lãnh hải đất nước, kể cả lãnh hải của các đảo. Trong thời gian này, nhiều quốc gia khác cũng đã chiếm một số đảo của quần đảo Trường Sa.

Tháng 3/1988, Trung Quốc có hành động quyết liệt hơn, gây ra cuộc hải chiến đẫm máu gần cụm đảo Sinh Tồn (quần đảo Trường Sa), tấn công các đảo Gạc Ma, đá ngầm Cô Lin, Len Đao. Trung Quốc hạ lệnh bắn thẳng vào những chiến sĩ Việt Nam đang hòa bình xây dựng đảo Gạc Ma. Từ ngày 14 đến ngày 16/3/1988, lực lượng Hải quân Việt Nam anh dũng trụ bám, quyết bảo vệ lãnh hải, chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Với lực lượng hùng hậu hơn hẳn, Trung Quốc cưỡng chiếm Gạc Ma và chiếm đóng đến tận ngày hôm nay. Việt Nam giữ vững bãi đá ngầm Cô Lin. Trung Quốc đã bắn cháy, đánh chìm ba tàu của Việt Nam, 64 chiến sĩ hy sinh, 11 chiến sĩ khác bị thương, bắt giữ 9 chiến sĩ khác.

Tiếp tục những hành động vũ lực này, đến tháng 05/2014, Trung Quốc đã đưa giàn khoan khổng lồ Haiyang Shiyou 981 cùng với hàng chục máy bay chiến đấu, hàng trăm tàu bán quân sự và quân sự vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam…

Việt Nam cần làm gì?

Với tính chất phi lý và ngang ngược của đường chữ U cùng những hành động khiêu khích, gây hấn và đánh chiếm của Trung Quốc, nhiều quốc gia trong khu vực đã có hành động đáp trả. Tiêu biểu là Ấn Độ, ngày 24/11/2012 đã cho tiến hành thị thực có in hình bản đồ của mình lên hộ chiếu của khách nhập cảnh từ Trung Quốc, sau khi Trung Quốc phát hành loại hộ chiếu điện tử mới có in hình bản đồ kèm cả những khu vực tranh chấp giữa hai nước. Hành động khẩn trương này được Ấn Độ đưa ra sau khi phát hiện Trung Quốc in hình hai khu vực Arunachal Pradesh và Aksai Chin (mà Ấn Độ tuyên bố chủ quyền) lên hộ chiếu mới như thể đó là một phần lãnh thổ hiển nhiên của Trung Quốc.

Hay như Philippines, quốc gia này đã kiện Trung Quốc áp dụng và giải thích sai UNCLOS 1982 ở Biển Đông. Vụ kiện này đã thúc giục Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở Hague, Hà Lan thành lập Hội đồng Trọng tài 5 thành viên và khởi động phiên điều trần đầu tiên vào ngày 7/7/2015. Bất chấp việc Trung Quốc tìm mọi cách vận động, cô lập Philippines và ngăn chặn vụ kiện, Philippines vẫn kiên trì lựa chọn này.

Còn đối với Việt Nam, từ việc Trung Quốc giải thích, áp dụng sai UNCLOS 1982 và hành động sử dụng vũ lực để xâm chiếm lãnh thổ, vi phạm các quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam, thì Chính phủ có thể đơn phương kiện quốc gia này lên Tòa án Quốc tế về Luật Biển. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn sẵn sàng áp dụng mọi phương thức giải quyết hòa bình các tranh chấp trong Biển Đông, trong đó, đàm phán với các bên liên quan luôn là lựa chọn hàng đầu. Nhưng trước nhất, cả hai bên đều cần thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm xây dựng hiệu quả Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC); không theo đuổi mục tiêu quân sự hóa ở Biển Đông; tăng cường xây dựng lòng tin để triển khai thuận lợi các dự án hợp tác trên biển mà hai bên đã nhất trí. Hai bên cũng cần triển khai hiệu quả, thực chất các cơ chế đàm phán về vấn đề trên biển, tích cực trao đổi tìm kiếm biện pháp cơ bản, lâu dài mà hai bên đều chấp nhận được./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Thị Lan Anh (2009). Quy chế pháp lý của đảo và tranh chấp biển Đông: Quan điểm nào cho Việt Nam, Hội thảo quốc gia về biển Đông lần thứ nhất, tháng 3/2009

2. Lê Quý Đôn (1977). Phủ biên tạp lục, Toàn tập, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.115-116

3. Nguyen Hong Thao (1996). International law and sovereignty over the Paracel and Spratly archipelagoes (Part 16: A "bull-tongue line", an absurdity), Jun 1996

4. Daniel Schaeffer (2009). Biển Đông: Những điều hoang tưởng và sự thật của đường lưỡi bò, Diplomatie 36, Jan and Feb 2009

5. Daniel J. Dzurek (1996). The Spratly Islands Dispute: Who's On First?, International Boundaries Research Unit, Volume 2 Number 1, p.14, 1996