Việc làm tăng - tín hiệu vui từ thị trường lao động

Quý 4/2015, cả nước có 53,50 triệu người có việc làm. So với quý 3/2015, số người có việc làm tăng 332,64 nghìn người (0,62%). So với quý 4/2014, số người có việc làm tăng 60,2 nghìn người (0,11%).

So với quý 3/2015, bốn ngành có lao động tăng nhiều nhất trong quý 4/2015 là: bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác tăng 173 nghìn người; Ngành giáo dục - đào tạo tăng 98 nghìn người; Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 62 nghìn người và lĩnh vực nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 42 nghìn người.

Đáng chú ý, tỷ trọng lao động làm công hưởng lương trong tổng việc làm tiếp tục tăng, đạt 40,98% (quý 3/2015 là 40,42%). “Điều này cho thấy khả năng chúng ta có thể đạt được mục tiêu 50% lao động làm công hưởng lương vào năm 2020” - Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Nguyên Viện trưởng Khoa học, Lao động và Xã hội nhấn mạnh.

Việc làm tăng, giúp cho số người thất nghiệp có sự giảm mạnh trong quý 4. Trong quý 4/2015 cả nước có 1.051,6 nghìn người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp. So với quý 3/2015 số người bị thất nghiệp có chuyên môn kỹ thuật giảm 78 nghìn người. Trong đó, nhóm sơ cấp nghề giảm 18,32 nghìn người; cao đẳng nghề giảm 9,03 nghìn người; trung cấp nghề giảm 8,08 nghìn người và cao đẳng chuyên giảm 2,33 nghìn người. Đặc biệt, nhóm trình độ đại học trở lên đã có số người thất nghiệp giảm mạnh nhất là 70 nghìn người.

Tuy nhiên, vấn đề thất nghiệp ở thanh niên tuy có giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức cao. Tỷ lệ thất nghiệp thanh niên (15-24 tuổi) là 7,21%, giảm nhẹ so với 7,3% của quý 3/2015 nhưng vẫn giữ ở mức cao, gấp 3,3 lần tỷ lệ thất nghiệp chung. Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên thành thị là 12,21%, tăng nhẹ so với quý 3/2015 (12,12%). Đáng lưu ý là, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên ở độ tuổi 20-24 có trình độ CMKT ở mức rất cao: cao đẳng chuyên nghiệp là 19,58% và đại học trở lên là 20,79%.

Số lao động thất nghiệp đã có xu hướng giảm trong quý 4/2015

Nhu cầu tuyển dụng nhân viên bán hàng, kinh doanh tăng cao

Trong quý 4/2015, tổng nhu cầu tuyển dụng là 200,4 nghìn việc làm (chiếm 22,26% so với tổng nhu cầu cả năm), tăng 13,5 nghìn việc làm (7,3%) so với quý 3/2015. Nhu cầu tuyển dụng theo loại hình doanh nghiệp gồm: từ công ty TNHH và tư nhân là 100 nghìn người (chiếm 49,9%), từ công ty cổ phần là 60,9 nghìn người (chiếm 30%), từ loại hình khác là 36,9 nghìn người (chiếm 19,7%).

So với quý 3/2015, nhu cầu tuyền dụng của công ty TNHH và tư nhân tăng 11,03 nghìn người, của công ty cổ phần tăng 0,42 nghìn người, của loại hình khác tăng 2,1 nghìn người.

Đặc biệt, theo nhóm nghề, trong quý 4/2015, nhu cầu tuyển dụng lao động khá cao đối với một số công việc: bán hàng, nhân viên kinh doanh (8,85 nghìn người); tiếp đến là điện, điện tử (8,67 nghìn người); lái xe (14,79) và cơ khí chế tạo máy (2,22 nghìn người).

So với quý 3/2015, nhu cầu tuyển dụng lao động tăng đối với một số công việc: bán hàng, nhân viên kinh doanh (tăng 2,13 nghìn người); điện, điện tử (tăng 4,7 nghìn người). Trái lại, nhu cầu tuyển dụng một số nghề giảm như: lái xe (giảm 3,66 nghìn người); cơ khí chế tạo máy (giảm 1,71 nghìn người).

Tuy nhiên, Bản tin cũng thống kế được theo nhóm nghề mà người đi tìm việc đăng ký, thì “quản trị nhân sự” có số lượt người tìm nhiều nhất (24,2 nghìn người, chiếm 10,8%), tuy nhiên giảm 2,7 nghìn người so với quý 3/2015; tiếp đó là "kế toán" (chiếm 10,1%). Một số nghề mà người đi tìm việc đăng ký nhiều hơn so với quý 3/2015 như: kỹ sư xây dựng, lái xe (tăng lần lượt là 3,6 và 3,3 nghìn người).

Điều này cho thấy việc đào tạo đáp ứng cầu thị trường ở Việt Nam chưa thực sự hiệu quả và cần có hướng giải quyết sớm.

Dự báo trong vòng 12 tháng tới (đến quý 4/2016), lực lượng lao động có việc làm trong một số ngành sẽ tăng: “Công nghiệp chế biến - chế tạo” tăng 692 nghìn người (tăng 8,2% so với năm 2015); “vận tải kho bãi” tăng 145 nghìn người (tăng 8,8%) “thông tin và truyền thông” tăng 115 nghìn người (4,5%)./.