Giàn khoan Hải Dương 943 của Trung Quốc

PGS. TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an nhận định, sự hiện diện của giàn khoan Hải Dương 943 lần này đã nằm trong vùng chồng lấn chưa phân định giữa Việt Nam và Trung Quốc. Nước này còn đơn phương tuyên bố cấm tàu thuyền qua lại trong vòng bán kính 1 hải lý xung quanh giàn khoan này lại càng là điều phi lý và phi pháp.

Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng: “Chúng ta phải nhìn ra vấn đề này từ lâu rồi mới phải để có phương cách đối phó kịp thời nhưng lại chưa làm được. Khi mà Trung Quốc đã từng bước tiến hành quân sự hóa các đảo, bãi đá ngầm ở Trường Sa, Hoàng Sa và biến chúng thành các thành trì trên biển với đầy đủ chức năng chiến đấu cho cả không quân và hải quân thì điều tồi tệ chắc chắn sẽ xảy ra.

Năm 2014, Trung Quốc từng hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đó là hành vi xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ. Sau 75 ngày hoạt động trái phép, Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 khỏi khu vực biển gần đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Trung Quốc sẽ dễ dàng kiểm soát và khống chế tàu thuyền của các nước trong khu vực. An toàn, tự do hàng hải hàng không sẽ bị đe dọa nghiêm trọng. Nếu không có các phản ứng đủ mạnh và cương quyết thì sẽ vô cùng nguy hiểm”.

Đồng tình với quan điểm trên, TS. Trần Công Trục, Nguyên trưởng ban Biên giới Chính phủ khẳng định, vị trí đặt giàn khoan Hải Dương 943 nằm trong vùng chồng lấn chưa phân định giữa Việt Nam và Trung Quốc.

“Giàn khoan Hải Dương 943 nằm trong vùng chồng lấn thì rõ ràng Trung Quốc vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS). Đặc biệt, Trung Quốc vi phạm thỏa thuận của hai bên trong việc đàm phán phân định vùng chồng lấn trên vịnh Bắc Bộ”, ông Trục nói.

Theo TS. Trục, có thể Trung Quốc sẽ biện minh vị trí này nằm ở phía Đông đường trung tuyến (ranh giới phân định trên vịnh Bắc bộ giữa hai nước), không liên quan đến vùng biển của chúng ta. Tuy nhiên, UNCLOS không cho phép dùng đường trung tuyến để phân biệt quyền hạn và nghĩa vụ của hai nước khi đang đàm phán.

“Hành động của Trung Quốc ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích của Việt Nam trên biển Đông. Chúng ta cần xác định rõ vị trí theo dõi chặt chẽ, phản ứng rõ ràng và mạnh mẽ về việc này”, TS Trục nói.

Ông Trục cho biết, việc Trung Quốc cảnh báo tàu thuyền không được lại gần trong phạm vi 1 hải lý (1,85 km) cũng trái với UNCLOS, bất kể vùng biển hợp pháp, chồng lấn hay tranh chấp, vùng an toàn với giàn khoan chỉ được phép cách 500m.

“Thông báo trên của Trung Quốc gây ảnh hưởng cho hoạt động hàng hải của các nước trong khu vực và quốc tế. Chúng ta cần kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng lên tiếng phản đối”, ông Trục nhấn mạnh.

Trước đó, Cục Hải sự Trung Quốc (MSA) thông báo đã đưa giàn khoan Hải Dương 943 của nước này ra hoạt động tại Biển Đông, ở vị trí 17-47.5 độ vĩ bắc, 108-46.0 độ kinh đông, bắt đầu từ ngày 25/3 đến ngày 31/7/2016.

Vị trí này cách thành phố Tam Á, đảo Hải Nam, Trung Quốc khoảng 50 hải lý về phía tây nam. Cục Hải sự Trung Quốc cảnh báo các tàu thuyền không được đi lại quanh phạm vi 1,8km quanh giàn khoan này. Ngoài ra, Trung Quốc còn điều 3 tàu tuần tra gồm: Hải Dương 564, Hải Dương 617 và Hải Dương 618 hộ tống giàn khoan Hải Dương 943.

Giàn khoan Hải Dương 943 là một trong 3 giàn khoan được Công ty Dịch vụ Bãi dầu Trung Quốc (CSOL) – một đơn vị con của Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) đặt hàng Nhà máy đóng tàu Đại Liên và Công ty TNHH Công nghiệp nặng Thâm Quyến sản xuất vào tháng 10/2014 để “nâng cao năng lực tác nghiệp ở khu vực nước sâu và vùng biển đặc thù”.

Giàn khoan này đã được bàn giao vào tháng 1 năm nay. Theo thiết kế, giàn khoan Hải Dương 943 là giàn khoan tự nâng, có thể hoạt động ở độ sâu tối đa là 122 m, và có thể khoan sâu tối đa tới 10,668 m./.