Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thay mặt Quốc hội tặng hoa và gửi lời cảm ơn đến nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Buổi sáng cùng ngày, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đọc Tờ trình về việc miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ.

Tờ trình nêu rõ: “do yêu cầu sắp xếp nhân sự cấp cao của Đảng và Nhà nước sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của Đảng, nhằm tạo sự đồng bộ trong việc kiện toàn tổ chức bộ máy nhà nước và công tác cán bộ, căn cứ điểm 5 Nghị quyết 01 ngày 12/3/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, căn cứ Điều 88 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam, căn cứ Điều 11 Luật Tổ chức Quốc hội, căn cứ Nội quy kỳ họp Quốc hội, Chủ tịch nước trình Quốc hội xem xét chấp thuận miễn nhiệm chức vụ Thủ tướng Chính phủ đối với ông Nguyễn Tấn Dũng".

Sau khi nghe tờ trình của Chủ tịch nước và thảo luận tại đoàn về vấn đề này, chiều cùng ngày, Quốc hội đã tiến hành bỏ phiếu kín và thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm Thủ tướng.

Thông báo kết quả bỏ phiếu miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban kiểm phiếu Huỳnh Văn Tí cho biết tổng số phiếu phát ra là 487, tổng số phiếu thu về là 487. Đã có 418 đại biểu bỏ phiếu tán thành miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chiếm 84,62%.

Căn cứ trên kết quả bỏ phiếu, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày dự thảo Nghị quyết về việc miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ. Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ với 430/462 đại biểu biểu quyết tán thành chiếm 87,04% tổng số đại biểu.

Nghị quyết sẽ có hiệu lực thi hành kể từ khi Quốc hội bầu được Thủ tướng Chính phủ mới.

Chiều cùng ngày, Chủ tịch nước cũng đã trình danh sách đề cử nhân sự để Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ mới.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được giới thiệu vào vị trí Thủ tướng Chính phủ

Tờ trình của Chủ tịch nước nêu rõ, căn cứ Điều 88, Hiến pháp, Điều 8 Luật Tổ chức Quốc hội, Nghị quyết số 01 của Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 và nội quy kỳ họp Quốc hội, Chủ tịch nước trình Quốc hội bầu ông Nguyễn Xuân Phúc làm Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2011 - 2016.

Trong quá trình công tác, ông Nguyễn Xuân Phúc luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao, tờ trình nêu rõ.

Việc bỏ phiếu bầu Thủ tướng mới sẽ diễn ra vào đầu giờ sáng ngày mại, ngày 07/04/2016. Ngay sau đó, tân Thủ tướng sẽ tuyên thệ trước Quốc hội./.

Tiểu sử tóm tắt của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Sinh ngày: 20/7/1954

Quê quán: Quảng Nam

Học vị: Cử nhân

Ủy viên Trung ương Đảng khóa X, XI, XII

Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI, XII

Đại biểu Quốc hội khóa XI, XIII

1973-1978: Sinh viên Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội; Bí thư chi đoàn

1978-1979: Cán bộ Ban Quản lý kinh tế Quảng Nam-Đà Nẵng.

1980-1993: Chuyên viên, Phó Văn phòng rồi Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng; Bí thư Đảng ủy cơ quan, Đảng ủy viên Đảng ủy khối Dân Chính Đảng Quảng Nam-Đà Nẵng khóa 1, 2. Học quản lý hành chính nhà nước tại Học viện Hành chính Quốc gia.

1993-1996: Giám đốc Sở Du lịch, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, Tỉnh ủy viên khóa 15, 16 tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Học quản lý kinh tế tại Đại học Quốc gia Singapore.

1997-2001: Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa 17, 18; Phó Chủ tịch rồi Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam kiêm Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam: Chủ tịch Liên minh các Hợp tác xã tỉnh Quảng Nam; đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh khóa 6.

2001-2004: Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam (nhiệm kỳ 1999-2004); Bí thư Ban cán sự đảng UBND tỉnh. Đại biểu Quốc hội khóa XI, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, Ủy viên Ủy ban Kinh tế-Ngân sách của Quốc hội khóa XI.

2004-2006: Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam (nhiệm kỳ 2004-2009); đại biểu HĐND tỉnh khóa 7; Đại biểu Quốc hội khóa XI, Ủy viên Ủy ban Kinh tế-Ngân sách của Quốc hội khóa XI; Chủ tịch Liên hiệp các hội KHKT tỉnh Quảng Nam.

3/2006-5/2006: Phó Tổng Thanh tra Chính phủ. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng.

6/2006-8/2007: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Chính phủ, Ủy viên Ủy ban Kinh tế-Ngân sách của Quốc hội khóa XI.

Từ 8/2007 đến nay: Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Cán sự đảng Chính phủ, Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ; Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ khối các cơ quan Trung ương. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng, được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị; Đại biểu Quốc hội khóa XIII. Tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XIII, được Quốc hội phê chuẩn làm Phó Thủ tướng Chính phủ.